Bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên: Nhìn từ thực tiễn ở Đắc Lắc

Những năm gần đây, bằng những giải pháp đồng bộ, thiết thực, tỉnh Đắc Lắc đã khôi phục có hiệu quả 'môi trường sống' cho cồng chiêng, cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh trong các lễ hội của đồng bào các dân tộc trong tỉnh.

Theo kết quả kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc, đến hết tháng 8 năm 2020, toàn tỉnh có 2.098 bộ chiêng; 5.116 nghệ nhân biết đánh chiêng; 1.366 nghệ nhân biết chơi nhạc cụ truyền thống; 1.362 nghệ nhân biết nói vần, dân ca, tục ngữ... So với thời điểm năm 2011, có 3.855 nghệ nhân biết đánh chiêng (tăng 1.261 người); 1.270 nghệ nhân biết chơi nhạc cụ truyền thống (tăng 92 người) và 863 nghệ nhân biết nói vần, dân ca, tục ngữ (tăng 499 người). Đặc biệt, tính từ năm 2016 đến nay toàn tỉnh đã tổ chức được 131 nghi lễ, lễ hội và ngày hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với cồng chiêng, như: Lễ cúng bến nước, lễ cúng lúa mới, lễ mừng cơm mới, lễ cầu mùa no đủ... Việc tổ chức các hoạt động đã góp phần củng cố sự gắn kết cộng đồng, tạo không gian sinh hoạt văn hóa và tiếng cồng chiêng được ngân vang tại các buôn, làng.

Để có được những kết quả trên, ngày 30-8-2016, HĐND tỉnh Đắc Lắc đã ra Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND về bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắc Lắc, giai đoạn 2016-2020 với những mục tiêu cụ thể. Các hoạt động bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng đều được HĐND tỉnh đề ra các giải pháp thực hiện toàn diện.

Theo đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắc Lắc đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan, cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND phù hợp với tình hình thực tế của mỗi địa phương, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, như: Tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về văn hóa cồng chiêng; phục dựng, trình diễn các nghi lễ, lễ hội; cấp chiêng và trang phục truyền thống cho đồng bào; đề nghị xem xét, phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian; tổ chức giao lưu, liên hoan văn hóa cồng chiêng...

 Các nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh Đắc Lắc về bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng, giai đoạn 2016-2020.

Các nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh Đắc Lắc về bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng, giai đoạn 2016-2020.

Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Đắc Lắc đã cấp 26 bộ chiêng các loại cho những đội chiêng có nhiều thành tích tiêu biểu ở các buôn trong tỉnh; cấp 358 bộ trang phục truyền thống của người Ê Đê, M’Nông, Gia Rai cho các đội chiêng, đội văn nghệ ở các buôn, làng. Đặc biệt, tỉnh Đắc Lắc còn chú trọng vào công tác tổ chức truyền dạy cồng chiêng và sử thi, 5 năm gần đây, toàn tỉnh đã tổ chức được 12 lớp ở cấp tỉnh và 110 lớp ở các huyện, thị xã, thành phố...

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề bảo tồn văn hóa cồng chiêng, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Cư Kuin (Đắc Lắc), cho biết: Việc cấp chiêng, trang phục truyền thống đã góp phần động viên, khích lệ tinh thần cho các nghệ nhân; tạo điều kiện thuận lợi cho việc duy trì tập luyện, tham gia các buổi phục dựng, trình diễn nghi lễ, lễ hội truyền thống, hội thi, hội diễn, liên hoan cồng chiêng ở địa phương, tỉnh, khu vực, quốc gia và quốc tế. Việc tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng và sử thi cho con em đồng bào dân tộc thiểu số đã giúp các em có đủ khả năng tiếp tục duy trì, kế nghiệp vốn di sản văn hóa phi vật thể từ các nghệ nhân lớn tuổi, đồng thời, khơi dậy niềm đam mê diễn tấu cồng chiêng cho các em. Cũng thông qua việc truyền dạy sẽ giúp các buôn làng xây dựng đội chiêng tham gia hội thi, hội diễn, liên hoan, giao lưu văn hóa văn nghệ, qua đó, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng tại địa phương.

Những mục tiêu, biện pháp, các hoạt động của tỉnh Đắc Lắc trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của văn hóa cồng chiêng đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng. Qua đó, các địa phương khác trên địa bàn Tây Nguyên cần tham khảo, áp dụng nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng trên toàn khu vực.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắc Lắc nói riêng, địa bàn Tây Nguyên nói chung vẫn đang đứng trước một số khó khăn, thách thức, phải đối mặt với nhiều nguy cơ, như: Lối sống hiện đại, tác động tiêu cực bởi mặt trái của nền kinh tế thị trường; người già hiểu biết văn hóa cồng chiêng lần lượt qua đời, lớp trẻ không mặn mà với văn hóa của ông cha để lại... đều là những nguyên nhân làm cho không gian văn hóa cồng chiêng dần bị mai một. Thậm chí, có nơi cồng chiêng không còn mang ý nghĩa linh thiêng như trước mà trở thành vật buôn bán, trao đổi phục vụ mục đích khác...

Trước những khó khăn, thách thức nêu trên càng đòi hỏi sự quan tâm, chung tay, vào cuộc của chính quyền các cấp và các ngành chức năng liên quan. Đặc biệt, phải làm sao để đồng bào các dân tộc bản địa nhận thức một cách sâu sắc về giá trị, trách nhiệm trong việc giữ gìn, phát huy văn hóa cồng chiêng tại cộng đồng. Từ đó, từng bước khôi phục không gian văn hóa cồng chiêng trong đời sống dân tộc mình.

Theo bà H’Yim Kđoh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc, trong những năm tới, địa phương cần tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách về bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng; có chính sách hỗ trợ, động viên, khích lệ đối với nghệ nhân để họ tiếp tục cống hiến, giữ gìn, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc và cồng chiêng. Cùng với đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cần có thêm đề án, chiến lược dài hạn, định hướng về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, để Đắc Lắc cũng như các tỉnh khác trong vùng xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn của mỗi địa phương.

Bài, ảnh: ĐOÀN VĂN NAM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/bao-ton-va-phat-huy-van-hoa-cong-chieng-tay-nguyen-nhin-tu-thuc-tien-o-dac-lac-644049