Bảo tồn và phát huy nghệ thuật diễn xướng Trống quân Đức Bác bằng hình thức truyền dạy ở Vĩnh Phúc

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, bản sắc văn hóa của dân tộc như là ' thẻ căn cước' để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác, vì vậy việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa dân tộc luôn là vấn đề thời sự trong mọi thời đại.

Nhắc đến văn hóa phi vật thể Vĩnh Phúc chúng ta không thể không nhắc đến điệu hát Trống Quân Đức Bác- Sông Lô. Một nét sinh hoạt văn hóa có từ xa xưa và cho đến nay vẫn gắn bó với người dân nơi đây như một tài sản vô giá được truyền từ đời này sang đời khác.

Dân ca Trống quân Đức Bác là một loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc đã xuất hiện và tồn tại trong đời sống văn hóa tinh thần của quần chúng nhân dân Vĩnh Phúc từ rất lâu đời. Được coi là một trong những “đặc sản” của văn hóa địa phương có sức sống bền vững trong lòng nhân dân lao động, dân ca Trống quân Đức Bác đã được mài giũa, chắt lọc qua nhiều thế kỷ và có giá trị nghệ thuật rất lớn; đã góp phần vào việc giáo dục tư tưởng, tình cảm cho quần chúng nhân dân, làm phong phú thêm kho tàng văn hóa truyền thống của dân tộc. Trải qua bao biến động của lịch sử, loại hình sinh hoạt dân gian này đến nay vẫn tồn tại với những nét khác biệt, thể hiện sự tinh tế và tính bản địa đặc sắc. Tuy nhiên trong xu thế hội nhập quốc tế, quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra nhanh chóng thì việc bảo tồn và phát huy làn điệu độc đáo này bằng hình thức truyền dạy là điều vô cùng cần thiết.

Diễn xướng Trống Quân Đức Bác- Sông Lô- Vĩnh Phúc

Trống quân Đức Bác được tổ chức vào mùa xuân (còn gọi là hát “Xoan”; chữ “Xoan” chính là chữ “Xuân” đọc chệch đi vì phạm với tên húy của một vị công chúa con vua Hùng thời đó), thường diễn ra trước bãi sông làng Đức Bác sau đó mới đi dần vào đến sân đình làng. Khi vào hội hát Trống quân, các trai làng Đức Bác giang rộng tay đón các cô đào Phù Ninh (bên kia sông Lô, thuộc tỉnh Phú Thọ ) sang hát giao duyên với trai làng bên này. Lên đến bờ họ sánh vai nhau vừa đi vừa hát, cuộc hát mang tính chất diễu hành. Các cô đào đeo trên ngực một chiếc trống con (do chính tay các chàng trai chuẩn bị và đã được tuyển chọn là những chiếc trống tốt nhất) các chàng trai vừa hát vừa cầm dùi gõ vào mặt trống. Từng cặp, từng cặp đối mặt với nhau, nữ đi giật lùi, nam tiến về phía trước. Họ cứ vừa đi vừa hát như vậy cho đến tận cửa đình làng. Buổi hát kéo dài từ trưa đến tối, với một quang cảnh thật sinh động và hấp dẫn. Cứ thế, người hát đi, kẻ đáp lại, lời ca mộc mạc, tình ý mặn nồng đắm đuối. Hát Trống quân là loại hình dân ca đối đáp tỏ tình trai gái phổ biến của vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Giai điệu giao duyên của Trống quân Đức Bác là lối hát trao gửi tình yêu có sức sống mãnh liệt, tất cả đã toát lên rất rõ nét của tín ngưỡng phồn thực. Âm nhạc của Trống quân Đức Bác được nhìn nhận và xem xét chủ yếu dựa trên các bản ký âm. Làn điệu Trống quân Đức Bác có giai điệu ngắn, nhanh, mạnh, rất gần gũi với tiếng nói thường ngày của người dân lao động, thường được hát ở nhịp chẵn - nhịp 2/4 với sự xuất hiện mô hình tiết tấu đảo phách. Đặc điểm nổi bật của Trống quân Đức Bác là lối tiến hành giai điệu, với phần hát của nam (âm chủ) thường cao hơn phần hát của nữ (âm chủ) trong khoảng một quãng 4 đúng, trong giai điệu thường thấy có bước nhảy quãng 4 đúng và quãng 5 đúng. Trong nội hàm của tác phẩm không có cao trào, phần lớn giai điệu thường vận hành trong phạm vi âm vực một quãng 8. Sự bó hẹp giai điệu trong Trống quân Đức Bác là một đặc điểm rất riêng khác với Trống quan các vùng khác. Chính nhờ âm vực hẹp mà làm cho người hát dễ dàng thể hiện được và nó còn phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau, đồng thời phù hợp với tính chất và nội dung của lối hát “tâm tình, giãi bày” khiến cho cuộc hát kéo dài mà người hát không bị tốn sức. Mặt khác, căn cứ vào các giọng hát hiện nay ở Đức Bác thì hát Trống quân ở đây được trình diễn bằng một lối hát tự nhiên, không sử dụng kỹ thuật âm thanh phức tạp như hát các loại hình dân ca khác cần phải đạt được : rung và nẩy hạt. Đôi khi nghệ nhân còn có cách nhả chữ gần với giọng nói. Điều đó khiến cho giai điệu trong hát Trống quân Đức Bác bên cạnh tính trữ tình vẫn giữ được dáng vẻ dân giã, quyến rũ. Trống quân Đức Bác có lời văn trong sáng, lời thơ cũng như lối gieo vần có phong cách riêng. Thể thơ lục bát được sử dụng nhiều, có nội dung chứa chan tình cảm, nhưng cũng rất dí dỏm và tươi trẻ. Ngoài những bài đã được phổ biến, các chàng trai, cô gái trong khi diễn xướng còn tự sáng tạo các câu hát để đối đáp, so tài.

Trống quân Đức Bác thuở xưa luôn có vị trí và vai trò quan trọng trong đời sống của người dân Đức Bác nói riêng và người dân Vĩnh Phúc nói chung; là phương tiện chuyển tải nội dung giáo dục tình cảm; là cầu nối để các chàng trai, cô gái đến với nhau, gửi gắm tình yêu thương cho nhau. Những đêm trăng sáng, những ngày nông nhàn hay những buổi tiệc mừng, giai điệu của Trống quân Đức Bác lại vang lên: bà hát cháu nghe, ông hát bà cổ vũ.. tiếng trống hòa vào tiếng hát dìu dặt làm ấm xóm làng… Hát Trống quân Đức Bác cũng còn là phương tiện để những người cao tuổi của làng, trong những dịp lễ hội hay hôn lễ, giáo dục con cháu đạo làm người, tình yêu nước thương nòi; cũng qua những giai điệu âm nhạc cầu cúng mà chuyển lời thỉnh cầu tới thần linh, cầu những điều tốt đẹp đến với gia đình, xóm làng; mong quốc thái, dân an, mùa màng bội thu, làm ăn phát đạt và cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Truyền dạy diễn xướng Trống quân Đức Bác ở Vĩnh Phúc là một hoạt động thuộc lĩnh vực văn hóa và giáo dục và đào tạo nhằm mục tiêu bảo tồn và phát huy vốn âm nhạc cổ truyền của Vĩnh Phúc nói riêng đồng thời góp phần giáo dục nhân cách, hình thành văn hóa thẩm mỹ âm nhạc và cũng là phương tiện phát triển con người mới trong giai đoạn hiện nay. Tại xã Đức Bác hiện giờ các nghệ nhân được nhà nước phong tặng nay đã quá cao tuổi và ngày một ít dần. Lớp người đã từng tham gia diễn xướng Trống quân Đức Bác cũng không còn nhiều và cũng vì lý do khác nhau mà không tham gia sinh hoạt hát Trống quân nữa. Thế hệ thanh niên hiện nay hầu như không biết hát Trống quân. Mặt khác, cũng vì yêu cầu của cuộc sống nên lớp người này cũng không mấy mặn mà với loại hình sinh hoạt văn hóa này. Bởi vậy, việc truyền dạy chỉ còn trông mong vào lớp nhân kế cận. Địa điểm luyện tập còn hạn chế, hoạt động truyền dạy và luyện tập chủ yếu tại nhà của các ông, bà chủ nhiệm các câu lạc bộ. Nên, việc duy trì luyện tập thường xuyên tại các câu lạc bộ là khó khăn, chỉ khi có việc thì tập trung lại, tập một đợt, diễn xong lại nghỉ…

Tuy nhiên, vẫn còn những nghệ nhân rất tâm huyết và trân trọng “điệu hát máu thịt” này. Gặp gỡ nghệ nhân Lê Thị Nga vào mùa xuân 2018 (năm nay 68 tuổi), cựu Phó chủ nhiệm CLB hát Xoan và hát Trống quân Đức Bác thôn Giáp Thượng. Khi chia sẻ cùng bà những kinh nghiệm trong việc bảo tồn, phát huy âm nhạc dân gian, cụ thể là dân ca Trống quân Đức Bác trong việc truyền dạy lại cho nhân dân trong xã nói chung và cho thế hệ con cháu nói riêng, bà cho biết: Hát Trống quân đối với người dân Đức Bác là hơi thở, là máu trong huyết quản. Chúng tôi yêu “nó”, và hát thường xuyên trong các lễ, tiệc, hội của làng. Bà Nga có ông nội và cha là lớp người hát Trống quân lâu năm của làng, bà được tiếp xúc với hát Xoan và Trống quân từ khi còn rất nhỏ. Những ngày nông nhàn, những đêm trăng sáng, bà thường được xem và nghe hát làn điệu từ ông, cha mình và của những người dân nơi đây. Nay ông và cha của bà đã mất, bà Nga vẫn một lòng “chung thủy” với làn điệu dân ca ý tình này. Bởi vậy, bà là một trong số ít người “lăn lộn” với làn điệu này. Bà hô hào, động viên khích lệ mọi người luyện tập. “Vốn liếng” có bao nhiêu, bà truyền lại tất cả với tấm lòng say mê và nặng nghĩa ân tình. Vẫn biết sự “quan tâm” của cấp lãnh đạo là hạn hẹp, chưa kịp thời, song bà vẫn nhiệt tình truyền dạy, mong sao dân mình giữ được cái cốt, cái hồn văn hóa quí giá, mà không phải ở đâu cũng có. Mong muốn tha thiết của bà và cũng như của trai làng Đức Bác, là mỗi năm tết đến, xuân về, làng Đức Bác lại được sang bên kia sông mời các cô gái làng Phù Ninh cùng hát giao duyên, như một thời đã từng như vậy. Cùng với suy nghĩ của bà Nga, ông Lê văn Phát (81 tuổi, nguyên chủ nhiệm câu lạc bộ hát Trống quân Đức Bác thôn Giáp Thượng) cũng trăn trở rất nhiều, ông luôn suy nghĩ làm thế nào để phong trào hát Trống quân Đức Bác không những phát triển trên quê hương của ông mà còn được lan rộng trên phạm vi toàn tỉnh, thậm chí còn được tuyên truyền sang các tỉnh bạn. Và ông cũng khẳng định: “Nếu mình mời thì dứt khoát họ sẽ sang” với niềm tin ánh lên trong đôi mắt của những con người một thời gắn bó với làn điệu vô cùng độc đáo, đặc sắc của một vùng quê.

Truyền dạy và luyện tập Trống quân Đức Bác ở thôn Giáp Thượng

Hoạt động truyền dạy Trống quân Đức Bác không những đã được tổ chức ở tại các câu lạc bộ tại xã mà còn được triển khai tại cơ sở đào tạo, hoạt động nghệ thuật trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc như: Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh, Trung tâm Văn hóa tỉnh, Đoàn Nghệ thuật Ca Múa Nhạc, Nhà hát Chèo... bằng các công việc cụ thể: Mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn do các nghệ nhân hát Trống quân Đức Bác truyền dạy; đưa các bài bản Trống quân vào môn hát dân ca trong chương trình chính khóa; dàn dựng và biểu diễn làn điệu hát Trống quân cổ và các sáng tác dựa chất liệu Trống quân Đức Bác, chế tác được nhạc cụ mô phỏng từ nhạc cụ trong diễn xướng Trống quân Đức Bác... Mặc dù kết quả đạt được là các giải thưởng danh giá ở các đợt hội thi, hội diễn chuyên và không chuyên của địa phương cũng như trên toàn quốc, nhưng việc truyền dạy tại các đơn vị nêu trên còn mang tính thời vụ, căn bản chưa sâu, còn mờ nhạt; không có giáo trình, chương trình đào tạo khoa học; thời lượng cho truyền dạy dân ca Trống quân Đức Bác còn hạn hẹp, chỉ đầu tư vào dạy một vài bài quen thuộc, chưa khai thác sâu vốn đã và đang có; chưa phát huy được tinh chủ động, sáng tạo của người học, làm cho nhận thức của người học về dân ca Trống quân Đức Bác còn mơ hồ ...

Việc truyền dạy dân ca Trống quân Đức Bác ở Vĩnh Phúc là biện pháp hữu hiệu nâng cao công tác bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc dân gian của tỉnh, mặt khác còn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nghệ thuật, giáo dục nhân cách con người một cách toàn diện trong giai đoạn đất nước đang bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, chúng ta cũng đang đứng trước sự thách thức trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật độc đáo này. Năm 2012, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thành đề án khôi phục Đền Thượng (Đền Mẫu) trình Bộ văn hóa thể thao và Du lịch, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Không gian diễn xướng không có, thiết nghĩ: việc mai một điệu hát này sẽ là điều khó tránh khỏi nếu không được quan tâm đúng mức.

Dân ca, bản thân nó là loại hình nghệ thuật truyền khẩu, sẽ bị mài mòn theo năm tháng nếu không có biện pháp bảo tồn và lưu giữ thích đáng. Vì vậy để bảo tồn và phát triển dân ca Trống quân Đức Bác vượt qua mọi bão táp của thời gian đòi hỏi sự chung tay chung sức của lãnh đạo các cấp, các ngành liên quan, từ trung ương tới địa phương và của toàn thể nhân dân Vĩnh Phúc nhằm phát huy những giá trị vốn có của loại hình nghệ thuật dân gian này, góp phần xây dựng nền văn hóa Vĩnh Phúc tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Hồng Kim Phi

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/bao-ton-va-phat-huy-nghe-thuat-dien-xuong-trong-quan-duc-bac-bang-hinh-thuc-truyen-day-o-vinh-phuc-63180