Bảo tồn và phát huy không gian văn hóa - tâm linh Ba Vì

Vườn Quốc gia Ba Vì là một tài nguyên quý, hiếm của thiên nhiên và lịch sử để lại cho nhân dân thủ đô Hà Nội. Ba Vì không chỉ là lá phối của vùng Thủ đô với khu rừng nguyên sinh nhiệt đới và ôn đới bảo vệ khí quyển và điều hòa không khí, mà quan trọng hơn nó mang trong mình nhiều giá trị, giá trị về văn hóa, lịch sử, tâm linh.

Nhất cao là núi Ba Vì

Vườn Quốc gia Ba Vì cách trung tâm Hà Nội khoảng 60km về phía Tây. Tổng diện tích của Vườn là 10,816.6 ha thuộc địa giới hành chính của 16 xã thuộc 3 huyện của thành phố Hà Nội và 2 huyện của tỉnh Hòa Bình, trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý.

Cốt 700 trên đỉnh núi Ba Vì

Cốt 700 trên đỉnh núi Ba Vì

Vườn Quốc gia Ba Vì mang giá trị khí hậu khi nhiệt độ trung bình quanh năm 23,4 độ C; ở cốt 400 là 20 độ C, cốt 1000 là 16 độ C. Ngoài ra, giá trị về cảnh quan rừng với tầm nhìn về Hà Nội, tầm nhìn về Sông Đà, với các điểm cao trong đó đỉnh Vua (1296m), đỉnh Tản Viên (1081m), đỉnh Ngọc Hoa (1131m), ngoài ra còn đỉnh Viên Nam, đỉnh Hang Hùm, đỉnh Gia Dê… Cảnh quan của rừng – khe suối, sườn dốc – sông – đồng bằng xen nhau dưới mây và tán rừng …. tạo ra bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Bên cạnh đó là giá trị về văn hóa, lịch sử đặc biệt sự tồn tại của khoảng 200 phế tích của một khu đô thị và nghỉ dưỡng đã được hình thành trên 80 năm. Các công trình văn hóa, tâm linh như Đền thờ Bác Hồ trên đỉnh Vua, Tháp Báo Thiên, Đền Thượng trên đỉnh núi Tản Viên, cùng với các địa danh như Ao Vua, Khoang xanh, K9, Suối Tiên ở chân núi làm cho toàn bộ khu vực này trở thành khu du lịch đa dạng, hấp dẫn cho Thủ đô và vùng Thủ đô.

Tại tọa đàm “Phát huy giá trị phế tích tại Vườn Quốc gia Ba Vì” được tổ chức vừa qua, nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định, dù rằng đỉnh núi Ba Vì chỉ cao chưa đầy một ngàn ba trăm thước, nhưng trong tâm tưởng người Việt luôn “Nhất cao là núi Ba Vì”. Bởi lẽ, trú ngụ trong danh xưng ấy là cả một kho huyền tích về một vùng đất thiêng gắn với Đức Thánh Tản Viên, một đấng thượng đẳng thần trong quan niệm “Tứ bất tử” về bốn vị thần uy linh nhất bảo trợ cho dân tộc ta. Địa thế Ba Vì là đỉnh kết nối chốn “kinh sư muôn đời” Thăng Long - Hà Nội với ngọn Nghĩa Lĩnh; cùng Tam Đảo làm tay ngai tả hữu vững chãi cho Đất Tổ của các Vua Hùng. Ba Vì soi dòng Sông Đà hùng vĩ nhưng thơ mộng tạo nên cảnh quan sinh thái để cộng đồng cư dân Kinh, Mường, Dao qua ngàn đời lao động tạo nên cái căn cốt của Văn minh Sông Hồng qua biểu tượng “Núi Tản - Sông Đà”. Ba Vì là nơi có thể để chiêm ngưỡng dòng Đà Giang uốn lượn dưới chân và phóng tầm nhìn vươn xa tới miền Đất Tổ. Sự linh thiêng của Núi Tản khiến vùng đất Ba Vì trường kỳ giữ vẻ thâm u của một miền hương khói và tạo nên một sự yên bình cho cây cối và muông thú sinh sôi phát triển.

Cũng tại tọa đàm, Giáo sư Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, ở nước ta, có nhiều Vườn Quốc gia tương tự Ba Vì như Tam Đảo, Sapa, Cát Bà, Pù mát, Bạch Mã, Bà Nà, núi Bà, Bù Gia Mập, Phú Quốc, Côn Đảo…. Chúng ta đã biến các nơi này thành điểm đến hấp dẫn cho đồng bào cả nước và quốc tế và thành khu du lịch đẹp, hiệu quả. Quay về Ba Vì, có lẽ chúng ta không thể không chạnh lòng đặt câu hỏi: “Tại sao cách Hà Nội chỉ 60km – 1 giờ đi ô tô mà 20 – 25 năm nay Ba Vì không có nhiều đổi thay để phục vụ nhân dân? Là người gắn bó với Ba Vì gần 20 năm, tôi tự thấy mình có lỗi với Thủ đô, để di sản, tài nguyên ấy ngủ yên, và ngày càng bị lãng quên. Do chúng ta không có năng lực, không có nhu cầu hay không có tài quản lý?. Đó là những câu hỏi đặt ra cho kho tài nguyên Ba Vì, mà chúng ta cần tìm lời giải” - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn nhận định.

Cần phát huy, khai thác hiệu quả

KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết: Năm 2008, Hà Nội chính thức được mở rộng ranh giới hành chính, ngày ấy, tôi được giao nhiệm vụ chỉ đạo Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia lập đề án mở rộng ranh giới Thủ đô Hà Nội. Trong bản vẽ về cơ cấu tổ chức không gian thành phố, có tuyến đường nối Hồ Tây- Ba Vì - là đại lộ rất quan trọng nối Hà Nội cũ và Hà Nội mở rộng. Là tuyến đường có ý nghĩa văn hóa, lịch sử nên được gọi tên là Đại lộ Thăng Long (tuy nhiên sau khi được phê duyệt, đường Láng - Hòa Lạc lại được đặt tên là Đại lộ Thăng Long, còn tuyến đường này vẫn đang được gọi là tuyến Hồ Tây- Ba Vì).

Như vậy có thể khẳng định rằng, Ba Vì là dãy núi rất quan trọng trong bố cục quy hoạch của Thủ đô Hà Nội. Việc kết nối không gian tâm linh (của núi Tản Viên) với không gian đô thị lịch sử Hà Nội nghìn năm là một việc có ý nghĩa trong việc tạo dựng trục không gian kết nối trung tâm Hà Nội với núi thiêng Tản Viên - Ba Vì hùng vĩ trong cảnh quan của Đồng bằng Bắc Bộ. Ba Vì - Tản Viên không còn là một địa danh của huyện Ba Vì tỉnh Hà Tây nữa mà Ba Vì - Tản Viên đã trở thành một địa danh quan trọng trong tổng thể quy hoạch Thủ đô Hà Nội. Chính vì vậy, với khoảng 1 giờ xe chạy trên trục đường huyền thoại từ trung tâm Hà Nội, chúng ta đã đến với cảnh quan hùng vĩ và được tiếp cận với thiên nhiên, khí hậu mát mẻ của núi Tản Viên - Ba Vì. Rõ ràng, giá trị của thiên nhiên, cảnh quan ở đây càng được nâng cao tầm giá trị và do vậy cần phải được phát huy, tôn tạo phù hợp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhân dân.

Tại tọa đàm “Phát huy giá trị phế tích tại Vườn Quốc gia Ba Vì” đã tiếp nhận các ý kiến, đề xuất của nhiều chuyên gia quy hoạch nhưng quy tụ lại là phải khai thác đúng và hiệu quả các tài nguyên của Vườn Quốc gia Ba Vì để phục vụ nhân dân vùng thủ đô Hà Nội và cả nước tương xứng với vị thế và tiềm năng của Vườn Quốc gia Ba Vì. Trong đó, nguyên tắc là khai thác song song với bảo vệ, tôn tạo để tài nguyên phát triển bền vững và làm tăng giá trị của tài nguyên. Luật không cấm khai thác tài nguyên rừng và đòi hỏi sự hợp lý, khoa học trong khai thác để cuối cùng phát triển bền vững rừng Quốc gia. Vì thế, Nhà nước cần có chính sách rõ ràng về khai thác tài nguyên tại Vườn Quốc gia Ba Vì, coi việc khai thác hiệu quả chính là bảo vệ, phát triển hiệu quả.

Đối với các phế tích nằm trong Vườn Quốc gia Ba Vì, các chuyên gia cũng đưa ra các giải pháp đề xuất phục dựng, chỉnh trang những không gian văn hóa - kiến trúc Pháp nguyên bản trên nền phế tích cũ; tạo lập không gian kiến trúc mới kết hợp với nền phế tích cũ một cách hài hòa, hữu cơ với khung cảnh thiên nhiên; giữ nguyên những phế tích với cây cổ thụ ôm cuốn trên tường, xây dựng công trình mới bên cạnh phế tích cũ để tăng tính tương phản nhằm tô điểm cho quá khứ – hiện tại; đầu tư, nâng cấp cảnh quan thiên nhiên một cách có nội dung và có quy hoạch.

Cùng chia sẻ và ủng hộ quan điểm bảo tồn để phát triển và phát triển để bảo tồn theo kinh nghiệm trên thế giới đã làm, nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ: “Giải quyết câu chuyện giữa bảo tồn và phát triển hay khai thác hợp lý tiềm năng của Ba Vì chắc chắn là một bài toán khó. Tuy nhiên trên thế giới bài toán này đã có lời giải rất phổ biến và hiệu quả. Họ đã phát triển, cải tạo các phế tích cũ để thu hút cộng đồng đến hưởng thụ và tìm hiểu trực quan những dấu ấn của lịch sử, văn hóa. Đó là một cách làm thiết thực để quá khứ không còn chỉ nằm trên giấy. Phương thức này đồng thời tạo nên nguồn kinh phí để bù đắp phần nào cho việc duy trì và bảo vệ các di tích vốn rất eo hẹp”./.

Bùi Phương

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/bao-ton-va-phat-huy-khong-gian-van-hoa-tam-linh-ba-vi-113467.html