Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao

Trước đời sống xã hội có nhiều thay đổi, văn hóa của nhiều tộc người có những biến động. Người Dao cũng không nằm ngoài quy luật đó, mặc dù một số ý kiến nhìn nhận, người Dao là một trong các dân tộc giữ được bản sắc nhất hiện nay. Vì vậy, vấn đề bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc Dao trong bối cảnh hội nhập và phát triển đất nước cũng là một nhiệm vụ quan trọng.

Một nghi lễ trong lễ cấp sắc của người Dao

Ý thức được tầm quan trọng của văn hóa trong xu hướng hội nhập và phát triển, trong khuôn khổ các hoạt động Ngày văn hóa dân tộc Dao lần thứ nhất tại TP Tuyên Quang, Bộ VHTT&DL, UBND tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức hội thảo “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao trong bối cảnh hội nhập và phát triển đất nước”. Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà quản lý, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cũng như những nghệ nhân am hiểu văn hóa dân tộc Dao.

Giá trị văn hóa, tinh thần của dân tộc Dao rất đa dạng, giàu bản sắc, từ tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội, nghi lễ trong hôn nhân, tang ma, thờ cúng, quy ước, hương ước của dòng họ, làng bản, các loại hình dân gian… Những giá trị văn hóa này luôn gắn liền với cuộc sống của người Dao từ bao đời nay. Đó vừa là sản phẩm của quá trình lao động, sáng tạo, là tài sản của một tộc người trong quá trình phát triển, đồng thời cũng chính là những tinh hoa văn hóa vô cùng quý báu của nền văn hóa dân tộc, rất cần tuyên truyền ý thức giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa để bồi đắp ngày một giàu thêm cho nền văn hóa dân tộc.

Từ góc nhìn của người quản lý văn hóa, bà Nguyễn Thị Hải Nhung- Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VHTT&DL) cho rằng: Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và phát triển như hiện nay, việc phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số nói chung và văn hóa dân tộc Dao nói riêng còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Phân tích cụ thể hơn, PTS.TS Nguyễn Thị Song Hà (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, văn hóa của người Dao được hình thành và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử tộc người, những giá trị văn hóa ấy thể hiện ở các giá trị văn hóa đời sống, tinh thần và đặc biệt rõ nét qua hệ thống tín ngưỡng được thực hành trong các gia đình, dòng họ và cộng đồng dân tộc Dao. Trải qua nhiều thế hệ, mặc dù sống cận cư với các dân tộc khác, nhưng cộng đồng dân tộc Dao vẫn giữ được những giá trị văn hóa của dân tộc mình.

Thừa nhận trong xu hướng hội nhập và phát triển, các thế hệ trẻ người Dao đang tiếp cận ngày càng nhiều với khoa học công nghệ, PTS.TS Nguyễn Thị Song Hà cũng nêu ra một số vấn đề, đó là nhiều người trẻ đã không còn mặn mà với việc sử dụng và tiếp nhận tri thức dân gian từ cha ông. Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để lựa chọn và xác định các giá trị văn hóa đặc trưng, các yếu tố văn hóa cần bảo tồn và phát huy phù hợp với bối cảnh hội nhập để trao truyền cho thế hệ trẻ, đồng thời tăng cường phát huy vai trò của người uy tín, tiêu biểu ở vùng có người Dao sinh sống, trong việc vận động, tuyên truyền đồng bào thực hiện các chủ trương, chính sách của đảng và Nhà nước, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của cộng đồng người Dao tại địa phương…

Đồng quan điểm này, TS Trần Hữu Sơn- Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, với người Dao, cách tốt nhất là tôn trọng tín ngưỡng của họ. Nền tảng tín ngưỡng khiến văn hóa Dao vẫn còn được gìn giữ một cách tương đối trọn vẹn trải qua nhiều thăng trầm.

Các chuyên gia cũng dẫn chứng: Trong một lễ đặc trưng của văn hóa dân tộc Dao như như lễ cấp sắc, hiện nay cũng rất ít nơi có thể thực hiện đến 12 đèn. Có thể nói, nhiều nơi đã để mai một lễ cấp sắc 12 đèn, lý do là tập tục của người Dao 30 năm mới cấp sắc một lần, cá biệt có những dòng họ 60 năm chưa làm lễ cấp sắc vì nhà có tang, hoặc chưa chuẩn bị đủ…

Bà Triệu Mùi Say- nguyên Phó vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc, Ủy ban Dân tộc cho rằng, để văn hóa dân tộc trường tồn và phát triển, việc giữ gìn và phát triển ngôn ngữ và các phong tục truyền thống là việc làm cấp thiết và lâu dài, cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm như: Tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức tự tôn dân tộc, chung sức giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, sớm xây dựng miếu thờ Bàn Vương, nghiên cứu và ban hành bộ chuẩn chữ Dao latinh Việt Nam… “Làm được như vậy tôi tin rằng văn hóa Dao với những nét đặc sắc riêng có trong cộng đồng các dân tộc anh em sẽ luôn trường tồn trong dòng chảy phát triển của xã hội”- bà Say nhấn mạnh.

Điều đáng mừng là qua hội thảo lần này, một lần nữa tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số nói chung, của dân tộc Dao nói riêng, được xới lên, và nhận được nhiều ý kiến tâm huyết đóng góp. Theo đó, các cơ quan có thẩm quyền sẽ đề ra những biện pháp để tháo gỡ khó khăn. Bên cạnh đó, thông qua hội thảo, Ban tổ chức thống nhất đề xuất Chính phủ; Bộ VHTT&DL cho phép làm hồ sơ Lễ hội Bàn Vương là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, Lễ cấp sắc của người Dao vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại của UNESCO. Đồng thời kiến nghị Bộ VHTT&DL, UBND các tỉnh có chính sách cụ thể nhằm bảo tồn tiếng nói và chữ viết của người Dao; tổ chức điều tra, sưu tầm và phổ biến di sản văn hóa người Dao; phát huy vai trò của các nghệ nhân, người có uy tín, đặc biệt là các thầy cúng của cộng đồng người Dao…

Phương Nhi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/dan-toc/bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-van-hoa-dan-toc-dao-385906