Bảo tồn và phát huy giá trị Tháp gốm men chùa Trò

Trong tổng số hơn 16 nghìn hiện vật, tài liệu lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc, có nhiều hiện vật độc đáo, quý hiếm, đáng chú ý là bảo vật quốc gia (BVQG): Tháp gốm men chùa Trò. Đây là hiện vật có giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử đang được lưu giữ và phát huy giá trị nhằm góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cũng như đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, tham quan của đông đảo nhân dân và du khách.

Tháp gốm men chùa Trò đang được lưu giữ và trưng bay tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc

Giá trị của bảo vật

Vĩnh Phúc từ ngàn đời đã kết tụ những giá trị văn hóa, phản ánh óc thẩm mỹ tài hoa, tư duy sáng tạo, bàn tay khéo léo, trình độ kỹ thuật điêu luyện của "đất trăm nghề" mà điển hình là nghề làm gốm có từ thời tiền sơ sử phát hiện tại di chỉ Đồng Đậu, đến những làng nghề nổi tiếng xứ Đoài xưa: Gốm Hương Canh - Hiển Lễ, mộc Bích Chu, kẻ Giang, kẻ Gốm, kẻ Mỏ...

Đây cũng là vùng đất đậm đà bản sắc, có sự tiếp biến trong tổng thể vùng văn hóa - văn minh dân tộc Việt lưu vực sông Hồng, là miền giao thoa giữa vùng văn hóa Hùng Vương với văn hóa Kinh Bắc - Thăng Long. Sự tiếp biến và giao thoa ấy còn thể hiện qua hệ thống các di tích còn để lại trên đất Vĩnh Phúc, mang đậm dấu tích của Phật giáo, văn hóa Lý - Trần, tiêu biểu là khu di tích và danh thắng Tây Thiên - Tam Đảo, tháp Bình Sơn, Tam Sơn, chùa Kim Tôn, Đồng Quế - Sông Lô, minh chứng Vĩnh Phúc là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của đất nước từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIV).

Tháp gốm men chùa Trò là hiện vật gốc, độc nhất vô nhị, có niên đại thế kỷ XIV

Theo hồ sơ về bảo vật, tháp gốm men chùa Trò là hiện vật gốc, độc nhất vô nhị, có niên đại thế kỷ XIV là đồ thờ tự tại chùa Trò (Đại Phúc Tự) thuộc thôn Dân Trù, xã Yên Phương, huyện Yên Lạc. Vì là cây tháp thờ nên được đặt trang nghiêm, nơi trước cửa chùa. Đây là ngôi chùa cổ, tương truyền được xây dựng từ thời Lý - Trần. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ngôi chùa bị tàn phá, đồ thờ tự thất tán. Tuy nhiên, cây bảo tháp được nhân dân cất giấu, hòa bình lập lại, nhân dân địa phương đã chuyển giao cho Bảo tàng tỉnh lưu giữ.

Tháp hiện còn 9 tầng, lòng tháp rỗng, cao 1,45m, rộng đế 0,5m. Tháp được làm bằng gốm, tráng men ba màu: xanh ngọc, trắng và nâu. Tháp có dạng một khối hộp hình vuông, rộng ở đế và thu nhỏ dần về phía đỉnh. Bốn mặt các tầng tháp đều có cửa hình tò vò. Tính từ đế lên tới đỉnh, tháp được làm thành ba thớt, tương ứng với ba phần: Đế, bệ và thân tháp. Men phủ trên các tầng tháp là sự hòa phối màu, giữa xanh ngọc, trắng và nâu của người thợ gốm Đại Việt, tạo nên giá trị đặc trưng, mang tính thời đại của ngôi tháp. 446 tượng Phật bố trí từ trên xuống dưới, tạo nên cảm giác tầng tầng, lớp lớp, 4 phương, 8 hướng, đâu đâu cũng có hình ảnh đức Phật.

Tháp gốm men chùa Trò gồm 3 màu: Xanh ngọc, trắng và nâu, có kích thước lớn và nguyên vẹn nhất trong kho tàng gốm cổ Đại Việt. Bởi hiện nay, tháp gốm men trắng đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia chỉ còn lại 4 tầng và bệ, đã bị bong men hầu như toàn bộ; cây tháp men ngọc Việt Nam, lưu giữ tại Bảo tàng Adam Malik, Jakata (Indonexia) cũng chỉ còn lại phần chân đế.

Tháp gốm men chùa Trò có hình thức độc đáo, có giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu. Về kích thước, đây là tháp thờ bằng gốm men lớn nhất, nguyên vẹn nhất có trong kho tàng gốm cổ Đại Việt. Hoa văn trang trí tháp chùa Trò có đề tài vô cùng phong phú mang đậm yếu tố nghệ thuật Phật giáo, bảo lưu truyền thống gốm dân tộc, thể hiện sự giao thoa, tiếp biến văn hóa. Những phát hiện khảo cổ học tại các phế tích chùa - tháp thời Lý - Trần, cũng chỉ là những mảnh vỡ, có số lượng rất ít. Điều đó cho thấy sự quý hiếm của loại hình di vật này.

Ngày 24/12/2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 1821/QĐ-TTg về việc công nhận BVQG đối với 22 hiện vật, nhóm hiện vật, trong đó, có Tháp gốm men chùa Trò. Đây là niềm vinh dự, tự hào của người dân Vĩnh Phúc.

Phát huy giá trị BVQG

“Hậu công nhận”, một vấn đề đặt ra là BVQG của tỉnh càng phải được quan tâm, quảng bá hiệu quả để phát huy giá trị. Theo ông Mai Văn Trung, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, Phó Chủ tịch Hội Sử học Vĩnh Phúc cho biết, trong điều kiện hoạt động hiện nay của địa phương, việc phát huy giá trị BVQG vẫn chủ yếu ở công tác tuyên truyền, quảng bá về di sản.

Ông Mai Văn Trung, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, Phó Chủ tịch Hội Sử học Vĩnh Phúc là người tâm huyết với công tác sưu tầm và bảo tồn hiện vật.

Theo đó, ngay sau khi hiện vật được công nhận BVQG, Bảo tàng tỉnh đã làm mới, làm dày nội dung về hiện vật, cập nhật và đưa vào nội dung thuyết minh. Bố trí một không gian riêng để trưng bày nhằm phát huy tốt nhất giá trị, quảng bá hình ảnh của bảo vật. Chú trọng thuyết minh chuyên sâu, có điểm nhấn để tạo sức hút, đọng lại trong khách tham quan. Bên cạnh đó, với những đối tượng khách tham quan phù hợp như khách quốc tế, người làm công tác nghiên cứu, sinh viên, cán bộ thuyết minh luôn có sự chủ động giới thiệu, thuyết minh chuyên sâu để hướng sự quan tâm của họ. Song song với công tác tuyên truyền, quảng bá như trên, Bảo tàng tỉnh đã lên kế hoạch cho những “giải pháp” mới.

“Để bảo tồn và phát huy giá trị của bảo vật, Bảo tàng tỉnh ngoài việc tập trung tuyên truyền giá trị bảo vật trên phương tiện thông tin đại chúng sẽ tiến hành biên soạn, xuất bản sách giới thiệu về tháp gốm men chùa Trò. Về lâu dài, cần gắn giữa bảo tồn di sản với phát triển du lịch bởi mô hình này đang trở thành xu hướng chung, rõ hiệu quả. Giá trị lịch sử của các bảo vật là vô giá, việc bảo quản, lưu giữ các bảo vật này là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Người dân có quyền và có trách nhiệm đối với BVQG nên xây dựng ý thức bảo vệ hiện vật đối với người dân cũng là một cách thức bảo quản tốt”, ông Mai Văn Trung khẳng định.

Bải, Ảnh: Lê Hoàn

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-thap-gom-men-chua-tro-71999