Bảo tồn và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan: Không nhất thiết hạng mục nào cũng phục hồi

VH- Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (TTBTDTCĐ Huế) và Sở VHTT TP Đà Nẵng vừa tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý về văn hóa về phương án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan.

Phối cảnh phương án 1 về bảo tồn di tích Hải Vân Quan được nhiều nhà nghiên cứu và chuyên môn lựa chọn

Đơn vị tư vấn cho dự án là Phân viện Khoa học công nghệ và Xây dựng miền Trung đã đưa ra 2 phương án trùng tu di tích Hải Vân Quan. Trong đó, phương án 1 với kinh phí khoảng 39 tỉ đồng sẽ thực hiện phục hồi toàn bộ các công trình phía trong ranh giới vùng I của di tích, một đoạn đường Thiên lý đi về phía Huế và đường dốc về phía Đà Nẵng vào thời kỳ nhà Nguyễn. Riêng các công trình nằm giữa ranh giới vùng bảo vệ I và II của di tích (tức các công trình được xây dựng giai đoạn 1945-1975) sẽ được bảo tồn thích nghi.

Phương án 2 sẽ bảo tồn nguyên trạng các công trình được xác định có trước giai đoạn 1975, đặc biệt là thời kỳ Chiến thắng Đồn Nhất. Nhiều đại biểu tham dự hội thảo đã thiên về nội dung bảo tồn của phương án 1, tuy nhiên còn có nhiều ý kiến khác nhau.

Cần xin ý kiến để di dời lô cốt ra khỏi di tích

PGS.TS Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia cho rằng, nội dung phương án 1 khá hoàn chỉnh, nhưng không nên “máy móc” là phải phục hồi toàn bộ các công trình phía trong vùng I của di tích. Có hạng mục cần bảo tồn toàn bộ nhưng cũng có hạng mục chỉ bảo tồn một phần, thậm chí có khi để nguyên trạng như hiện tại. “Hải Vân Quan là di tích danh thắng nổi tiếng cho nên cách thức giữ gìn sẽ có những điểm khác so với những di tích thuần về kiến trúc hay quân sự khác. Chính vì thế, các đơn vị quản lý văn hóa của hai địa phương cũng cần có hướng về giữ gìn và ứng xử với cảnh quan ở khu vực này”, ông Bài nói.

Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Tiến Dũng bày tỏ đồng ý với việc tháo dỡ phần xây dựng của người Pháp và Mỹ ở cổng chính di tích. Riêng đối với các lô-cốt ở trong vùng I di tích, sẽ ảnh hưởng đến việc bảo tồn, trùng tu nên cần xin phép Bộ Quốc phòng để di dời, còn 5 lô cốt khác ở phía ngoài thì có thể để nguyên và xem như là chứng tích. Ngoài ra, bia Chiến thắng Đồn Nhất cũng nên có phương án di chuyển đến vị trí thích hợp hơn.

Theo ông Dũng, cần chia ra hai giai đoạn để bảo tồn, trùng tu và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan, trong đó giai đoạn 1 gắn với việc tu bổ, phục hồi những chứng tích, di vật, một số hạng mục khác khi giải tỏa thì tiếp tục phục hồi…

TS. Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) cũng đồng tình với ông Dũng về việc xin di dời các lô-cốt ra khỏi di tích Hải Vân Quan, bởi những hạng mục này sẽ làm biến dạng di tích. “Theo tôi, TTBTDTCĐ Huế cần lấy ý kiến rộng rãi của các nhà lão thành cách mạng, cộng đồng địa phương về phương án xử lý các lô cốt tại di tích Hải Vân Quan”, ông Hùng nhấn mạnh.

Đại diện Sở VHTT TP Đà Nẵng cũng nêu lên một số ý kiến nhằm bổ sung cho phương án 1. Trong đó, về việc trùng tu thì không nhất thiết phải phục hồi toàn bộ các hạng mục di tích, mà chỉ nên phục hồi một phần và giữ nguyên một phần hiện trạng của di tích... Đối với các hạng mục nằm ngoài di tích, đề nghị đơn vị tư vấn không đưa vào cơ cấu, tổng thể mức đầu tư công trình, vì nó liên quan đến đất đai và địa giới hành chính.

Phải sớm có kế hoạch phân công khai thác và quản lý di tích

Mặc dù đồng tình với phương án 1 về tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích Hải Vân Quan, nhưng nhiều đại biểu cho rằng đơn vị quản lý di tích cần thực hiện ngay quy hoạch hệ thống dịch vụ trong nội dung của dự án này. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, việc phát huy giá trị di tích phải gắn với hệ thống dịch vụ du lịch vì thế dự án cũng cần vạch rõ hướng quy hoạch bãi đỗ xe ngay từ đầu. Trong đó, nên xem xét quy hoạch 2 bãi đỗ xe từ hai phía Thừa Thiên Huế và cả Đà Nẵng. Ngoài ra, theo ông Hoa, con đường Thiên lý từ Thiên hạ Đệ nhất hùng quan về phía Huế phải được phục hồi chi tiết, đồng thời cũng phục hồi sân đệm của con đường này. Và bia Chiến thắng Đồn Nhất cũng nên được sắp xếp đặt bên trái/hoặc phải con đường đi lên Hải Vân Quan, không nên đặt ngay trước di tích này.

Theo đại diện Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế, số lượng khách dừng chân tham quan di tích Hải Vân Quan ngày một tăng, với ước tính năm 2018 sẽ có khoảng 2 triệu lượt, trong đó 90% là khách quốc tế. Việc quy hoạch bãi đỗ xe cũng như khu dịch vụ phục vụ du khách là điều cần phải tính toán sớm. Đây cũng là đề nghị của đại diện phía TP Đà Nẵng.

Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Nguyễn Thế Hùng cho biết, dù chọn phương án bảo tồn nào thì cũng phải làm rõ được lịch sử xây dựng của di tích. Song song với việc tu bổ, phục hồi thì cần bổ sung thêm các giải pháp về tôn tạo cảnh quan. “Không chỉ về việc quy hoạch khu dịch vụ mà ngay từ bây giờ phía Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng cũng cần bắt tay thực hiện sớm kế hoạch phân công khai thác và quản lý di tích Hải Vân Quan về lâu dài. Việc này để càng lâu thì càng khó. Nếu Huế và Đà Nẵng làm được thì sẽ trở thành bài học kinh nghiệm cho nhiều địa phương khác”, ông Hùng nhấn mạnh.

SƠN THÙY

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-di-tich-hai-van-quan-khong-nhat-thiet-hang-muc-nao-cung-phuc-hoi