Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Mường

Văn hóa truyền thống dân tộc Mường ở Thanh Sơn là một trong những bộ phận quan trọng làm giàu thêm bề dày lịch sử phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Mường

Văn hóa truyền thống dân tộc Mường ở Thanh Sơn là một trong những bộ phận quan trọng làm giàu thêm bề dày lịch sử phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Tuy nhiên thực tế hiện nay cho thấy, sự phát triển của dòng chảy kinh tế - xã hội hiện đại đã và đang có nguy cơ gây mai một những giá trị, phong tục, thói quen của nền văn hóa truyền thống.

Trình diễn các tiết mục nghệ thuật truyền thống văn hóa Mường tại lễ thành lập CLB Văn hóa dân tộc Mường của trường Mầm non, Tiểu học và THCS Thạch Khoán, huyện Thanh Sơn.

Trình diễn các tiết mục nghệ thuật truyền thống văn hóa Mường tại lễ thành lập CLB Văn hóa dân tộc Mường của trường Mầm non, Tiểu học và THCS Thạch Khoán, huyện Thanh Sơn.

Gian nan công tác bảo tồn

Số lượng đồng bào dân tộc Mường đang sinh sống trên địa bàn huyện Thanh Sơn hiện nay chiếm tới hơn 55% dân số toàn huyện, nhưng những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể còn được bảo tồn, lưu giữ tại đây vẫn chưa tương xứng. Theo kết quả kiểm kê năm 2013 - 2016 trên địa bàn toàn huyện, các văn hóa phi vật thể còn được bảo tồn gồm 7 loại hình di sản; đối với văn hóa truyền thống vật thể, trên địa bàn huyện còn tổng số 25 di tích văn hóa (trong đó có 11 di tích đã được xếp hạng), có 35 bộ trang phục dân tộc Mường, 35 bộ cồng chiêng, 6 bộ đâm đuống, 92 nhà sàn ở các xã.

Hơn thế, do đặc thù của di sản văn hóa phi vật thể tồn tại trong cộng đồng từ trí nhớ, được lưu truyền chủ yếu bằng phương pháp truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác cho nên rất dễ bị mai một, lãng quên. Cụ thể, các giá trị văn hóa trong đời sống tín ngưỡng, một số phong tục tập quán, lễ hội, nghệ thuật biểu diễn vốn chiếm vị trí quan trọng trong đời sống của người Mường ở Thanh Sơn đến nay còn lưu giữ được rất ít. Những hoạt động như đánh trống đất, trình diễn múa Trống đu, múa Mỡi, hát Ví, hát Rang... không được tổ chức thường xuyên. Có nhiều tri thức dân gian về cây thuốc chữa bệnh, kho tàng truyện cổ qua nhiều năm truyền miệng đến nay đã dần mai một. Nhiều kiến trúc nhà ở, không gian sinh hoạt văn hóa, một số nghề truyền thống, dụng cụ sản xuất, trang phục và vật dụng sinh hoạt, phương tiện vận chuyển đã thay đổi và cách tân rất nhiều.

Là một trong những người có đóng góp lớn trong việc lưu giữ và bảo tồn chữ viết của người Mường tại Thanh Sơn, thầy Hà Quang Phùng - nguyên là cán bộ Trung tâm GDTX huyện vô cùng trăn trở trước thực tế rằng chữ viết của người dân tộc mình đang ngày càng mai một. Theo thầy Phùng, nếu không có sự truyền dạy nghiêm túc giữa các thế hệ, trong thời điểm văn hóa đang có sự giao thoa mạnh mẽ như hiện nay thì nguy cơ những thế hệ sau của người Mường sẽ không biết tới chữ viết truyền thống của cha ông.

Việc sưu tầm, gìn giữ, nghiên cứu những giá trị trong bản sắc văn hóa Mường trên địa bàn huyện Thanh Sơn còn tản mạn. Khâu bảo tồn, lưu giữ còn giản đơn thiếu khoa học và phương tiện kỹ thuật. Việc khảo sát, sưu tầm nghiên cứu chưa được gắn với mục tiêu lâu dài và cụ thể là duy trì, phát triển văn hóa Mường trên diện rộng và toàn diện.

Trước thực tế này, UBND huyện Thanh Sơn đã ban hành đề án và kế hoạch thực hiện đề án kiểm kê, sưu tầm, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025. Theo ông Trần Ngọc Đương - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Sơn, mục tiêu của đề án là quyết tâm nâng cao chất lượng công tác kiểm kê, sưu tầm, bảo tồn và bổ sung, bảo quản các tài liệu, hiện vật quý thuộc di sản văn hóa truyền thống điển hình của dân tộc Mường. Nhận diện và xác định giá trị của di sản văn hóa truyền thống phục vụ việc nghiên cứu và bảo tồn lâu dài, qua đó tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc của cộng đồng người dân tại Thanh Sơn.

Truyền tình yêu qua “lớp” trẻ

Để hiện thực hóa mục tiêu đã đặt ra, huyện Thanh Sơn đã chỉ đạo ngành Giáo dục phối hợp với ngành Văn hóa với mục tiêu đưa giáo dục trở thành một trong những lực lượng tiên phong tổ chức các hoạt động nhằm bảo tồn và gìn giữ những di sản văn hóa quý báu của dân tộc Mường trên địa bàn.

Tháng 1-2018, Câu lạc bộ văn hóa dân tộc Mường đầu tiên trong trường học được ra mắt tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Thanh Sơn nơi có hơn 80% học sinh là người dân tộc Mường. Thầy Hà Văn Thắng - Phó hiệu trưởng, đồng thời cũng là Phó chủ nhiệm phụ trách Câu lạc bộ văn hóa Mường của trường vui mừng chia sẻ: Hoạt động của Câu lạc bộ được các em học sinh và phụ huynh học sinh tích cực ủng hộ. Các gia đình tự nguyện đóng góp nhiều sản vật văn hóa cổ truyền để con em mang tới trưng bày, lưu giữ tại trường. Vào thứ hai hàng tuần, các em học sinh đều mặc trang phục dân tộc cổ truyền. Những làn điệu dân ca cổ truyền của người Mường cũng được truyền dạy cho các em qua những buổi sinh hoạt tại lớp hàng tuần. Đối với các em, đây là không gian sinh hoạt văn hóa truyền thống quen thuộc - nơi các em được hát bằng tiếng mẹ đẻ, được biểu diễn, thể hiện những điệu múa Bông, múa Sênh tiền... mà Tổ tiên, ông bà truyền lại để hiểu thêm về những di sản văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Từ những hoạt động ở trường học, sức lan tỏa của các Câu lạc bộ văn hóa Mường còn truyền đến đông đảo phụ huynh học sinh, người dân tại các địa bàn. Tại lễ thành lập và ra mắt Câu lạc bộ văn hóa Mường của trường Mầm non, Tiểu học và THCS xã Thạch Khoán, rất nhiều phụ huynh học sinh có mặt đã không giấu nổi sự xúc động. Bà Đinh Thị Hiền - một phụ huynh học sinh là người dân tộc Mường cho biết: Được nhìn thấy những điệu múa, điệu hát... truyền thống của dân tộc Mường được các em học sinh tuổi còn rất nhỏ biểu diễn thành thục, bà rất hạnh phúc. Bà hy vọng con, em mình sẽ được tiếp xúc thường xuyên hơn với các di sản văn hóa của dân tộc mình.

Hơn ba tháng từ khi kế hoạch thực hiện đề án được ban hành, huyện Thanh Sơn đã thành lập được ba Câu lạc bộ văn hóa dân tộc Mường và tiếp tục mở rộng thành lập tại các xã có đông cộng đồng người dân tộc Mường sinh sống. Trong tương lai, huyện Thanh Sơn tiếp tục thực hiện các dự án cụ thể theo từng giai đoạn phát triển với mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thành việc lập danh mục và xây dựng cơ sở dữ liệu di sản văn hóa dân tộc Mường trên địa bàn huyện; phấn đấu 100% các khu dân cư có từ 50% đồng bào dân tộc Mường trở lên và 100% các trường Tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn đều có đội văn nghệ trình diễn văn hóa dân tộc; khoảng 80% các xã có nhà truyền thống trưng bày, quảng bá di sản văn hóa điển hình của địa phương...

Với hơn 8,5 tỷ đồng kinh phí thực hiện kế hoạch đề án đã đặt ra, huyện Thanh Sơn thể hiện rõ quyết tâm bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Mường, quảng bá những nét đặc sắc với mục tiêu hình thành các sản phẩm du lịch địa phương về văn hóa dân tộc Mường. Qua đó góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự, tạo động lực thúc đẩy Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thanh Sơn phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đặt ra.

Theo Báo Phú Thọ

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/dan-toc-viet-cinet/bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-dan-toc-muong-334388.html