Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa cung đình tại cố đô Huế: Ổn định và phát triển bền vững

Năm 1945, triều Nguyễn chấm dứt. Huế trở thành cố đô. Tiếp đó là 30 năm chiến tranh ác liệt (1945-1975). Sau ngày giải phóng miền Nam, kho tàng di sản văn hóa của cố đô Huế bị tàn phá, hủy hoại nghiêm trọng do nhiều nguyên nhân. Điều đó đã đặt ra những thách thức vô cùng to lớn cho sự nghiệp bảo tồn.

Bắt đầu từ cuối năm 1981, sau lời kêu gọi cứu vãn di sản Huế của Tổng giám đốc UNESCO, một cuộc vận động quốc tế để hỗ trợ Huế đã được triển khai mạnh mẽ; sự nhìn nhận về triều Nguyễn và các di sản của triều đại này cũng từng bước thay đổi theo hướng tích cực.

Tháng 6/1982, Công ty Quản lý Di tích và Danh thắng Huế được thành lập (từ năm 1992 đổi tên thành Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) để quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của quần thể di tích cố đô và các di sản văn hóa phi vật thể liên quan. Dưới sự lãnh đạo của tỉnh, sự hỗ trợ của các bộ ngành trung ương, năm 1992, bộ hồ sơ về di sản vật thể của Huế đã được xây dựng xong và đệ trình UNESCO. Ngày 11/12/1993, Quần thể di tích cố đô Huế đã được vinh danh vào Danh mục Di sản thế giới của UNESCO. Công cuộc bảo tồn di sản văn hóa đã thực sự bước sang một trang mới.

Cố đô Huế từng bị tàn phá bởi chiến tranh – Ảnh Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế

Ngày 12/2/1996, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 105TTg chính thức phê duyệt Dự án Quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích cố đô Huế, giai đoạn 1996 – 2010, trong đó xác định những định hướng và yêu cầu cơ bản, đồng thời xác định những mục tiêu và biện pháp chủ yếu cho việc thực thi những nội dung đã nêu trong quy hoạch. Mục tiêu cơ bản và dài hạn của Dự án thể hiện trên cả hai phương diện: Bảo tồn di sản văn hóa Cố đô Huế; và, phát huy mọi giá trị quý giá của Di sản văn hóa Cố đô Huế bao gồm giá trị di sản văn hóa vật chất, giá trị di sản văn hóa tinh thần và giá trị di sản văn hóa môi trường cảnh quan đô thị và thiên nhiên trong việc giáo dục giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Khu di tích kinh thành Huế ngày nay – Ảnh Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế

Có thể nói, Quyết định 105TTg là cơ sở pháp lý quan trọng nhất để cố đô Huế triển khai thực hiện chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong suốt 15 năm đầu tiên sau khi Huế được công nhận là Di sản thế giới, và cũng là cơ sở để Chính phủ ban hành Quyết định 818TTg phê duyệt dự án điều chỉnh Quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế, giai đoạn 2010-2020.

Khu di tích Cố đô Huế vẫn giữ được những nét trầm mạc xưa – Ảnh Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế

Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), công cuộc bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã được triển khai và đạt kết quả to lớn. Di sản văn hóa Huế đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp và từng bước được hồi sinh, diện mạo ban đầu của một Cố đô lịch sử dần dần được hồi phục. Những kết quả quan trọng ấy được thể hiện trên các mặt: Bảo tồn, trùng tu di tích; bảo tồn văn hóa phi vật thể; bảo tồn và khai thác hệ thống di sản tư liệu, di sản cổ vật; bảo tồn, tôn tạo cảnh quan môi trường các khu di sản; hợp tác quốc tế, ứng dụng thành tựu khoa học bảo tồn và đào tạo nguồn nhân lực; và, phát huy giá trị di sản.

Theo đánh giá của UNESCO, công cuộc bảo tồn di tích Huế hiện đang chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Đặc biệt, việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa đã luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy và tạo điều kiện cho việc phát triển kinh xã hội của tỉnh và khu vực miền Trung, trọng tâm là kinh tế du lịch, dịch vụ.

Hoàng Dương

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/on-dinh-va-phat-trien-ben-vung/