Bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc

Ngày 12-3, tại Nhà Quốc hội (QH), dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và sự điều hành của các Phó Chủ tịch QH, Ủy ban Thường vụ QH tiếp tục chương trình phiên họp thứ 32.

Ngày 12-3, tại Nhà Quốc hội (QH), dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và sự điều hành của các Phó Chủ tịch QH, Ủy ban Thường vụ QH tiếp tục chương trình phiên họp thứ 32.

Buổi sáng, cho ý kiến về các vấn đề còn có quan điểm khác nhau của dự án Luật Kiến trúc, Ủy ban Thường vụ QH cơ bản thống nhất với phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật như Tờ trình của Chính phủ, vì phản ánh được đầy đủ các chế định cần thiết trong hoạt động kiến trúc, đáp ứng mục tiêu quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc. Nhiều đại biểu cho rằng, việc bổ sung quy định về bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc là cần thiết. Nhưng dự thảo luật không thể mô tả cụ thể nội dung bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc cũng như bản sắc văn hóa trong kiến trúc của từng dân tộc, bởi vì đây là những yếu tố đa dạng và phong phú.

Tuy nhiên, cần bổ sung các quy định và làm rõ nội hàm của bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc theo hướng bao gồm các đặc điểm, tính chất tiêu biểu và đặc trưng tạo nên một phong cách riêng của kiến trúc Việt Nam về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, văn hóa nghệ thuật; phong tục tập quán sinh hoạt của địa phương; phương pháp kỹ thuật xây dựng và sử dụng vật liệu xây dựng… Ðồng thời, quy định các địa phương có trách nhiệm cụ thể hóa các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc theo quy chế quản lý kiến trúc để bảo đảm khả thi, phù hợp từng vùng, miền.

Một số ý kiến cho rằng, thực tế hiện nay đang tồn tại nhiều công trình kiến trúc có giá trị, ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, kiến trúc… nhưng chưa được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa. Vì thế, không ít công trình trong số này đã và đang xuống cấp và bị xâm hại; việc tu bổ, phục hồi chưa phù hợp… Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do cơ sở pháp lý chưa thật sự đầy đủ, cho nên để bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc của loại công trình này, dự thảo luật cần bổ sung quy định cụ thể hơn nữa, bảo đảm phát huy hiệu quả mà không chồng chéo với các quy định của pháp luật liên quan.

Sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ QH thảo luận về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo luật đã cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW (ngày 4-11-2013) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết số 88/QH13 của QH về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Theo đó, chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo ban hành sau khi được Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục thông qua. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong bối cảnh đẩy mạnh xã hội hóa khâu biên soạn sách giáo khoa để phù hợp thực tế văn hóa, lịch sử, địa lý… của từng vùng, miền và cộng đồng dân cư, bảo đảm sách giáo khoa đạt chuẩn quốc gia, bảo đảm tính khả thi của các quy định về mục tiêu, nội dung, chương trình học.

Một số ý kiến cho rằng, hệ thống giáo dục quốc dân là thống nhất, cho nên cần làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, các bộ, ngành khác và chính quyền địa phương đối với giáo dục. Ðể tạo sự linh hoạt cho Chính phủ trong phân công trách nhiệm quản lý nhà nước, phù hợp yêu cầu thực tiễn của từng giai đoạn cụ thể, dự thảo luật nên quy định theo nguyên tắc; các bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp Bộ Giáo dục và Ðào tạo; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục theo sự phân công của Chính phủ; UBND các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục theo phân cấp của Chính phủ. Tại phiên thảo luận, Ủy ban Thường vụ QH cũng cho ý kiến về việc hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, liên thông; đầu tư, tài chính trong giáo dục, quản trị của cơ sở giáo dục, quản lý nhà nước về giáo dục…

Buổi chiều, Ủy ban Thường vụ QH biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019-2021. Ðồng thời, biểu quyết thông qua việc thành lập thị xã Mỹ Hào thuộc tỉnh Hưng Yên và thị trấn Vĩnh Viễn thuộc huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/39474302-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-ban-sac-van-hoa-dan-toc-trong-kien-truc.html