Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

Trong thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử, văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn.

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức hàng năm tại Lý sơn hàng chục năm qua đã trở thành nghi lễ tiêu biểu của cả nước. Ảnh: Zing.vn

Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban ngành và địa phương liên quan tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng và lập Quy hoạch di tích trên địa bàn; trung tu, tôn tạo di tích, cấp kinh phí đầu tư tôn tạo chống xuống cấp di tích; chỉ đạo thực hiện tốt việc quản lý, giữa gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan di tích trên địa bàn tỉnh để khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế về di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch.

Đồng thời, rà soát, điều chỉnh Quy chế quản lý, bảo vệ, trùng tu tôn tạo di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn: Đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh để hoàn thiện khung pháp lý, quy định quản lý, thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát huy các giá trị di tích trên địa bàn tỉnh.

Lập hồ sơ văn hóa phi vật thể quốc gia Đua thuyền Tứ Linh, huyện Lý Sơn, đấu chiêng dân tộc Cor; lập hồ sơ và tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di tích phi vật thể quốc gia Lễ hội Điện Trường Bà; Tiếp tục duy trì và phát huy giá trị các lễ hội của cư dân vùng đồng bằng, ven biển, hải đảo và các loại hình diễn xướng dân gian.

Bên cạnh đó, các lễ hội ở miền núi cũng tổ chức thường xuyên, mỗi năm thu hút hàng chục nghìn lượt người tham dự. Các loại hình phi vật thể ở miền núi cũng được chú trọng. Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức hàng năm tại Lý sơn hàng chục năm qua đã trở thành nghi lễ tiêu biểu của cả nước.

Ngoài ra, triển khai Dự án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thôn Làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ nhằm tạo điều kiện cho người dân bảo tồn, duy trì các ngành nghề truyền thống, phát triển kinh tế, gắn kết du lịch, xóa đói giảm nghèo.

Các cấp chính quyền địa phương đã hướng dẫn các cộng đồng làng tổ chức lễ hội theo nếp sống văn minh. Một số lễ hội, các trò chơi dân gian của các dân tộc đang có nguy cơ mai một cũng được phục dựng lại như: lễ hội cầu mưa của dân tộc Hrê tại làng Gọi Ôn, xã Ba Thành, huyện Ba tơ; phục dựng trò chơi, trò diễn dân gian của dân tộc Cor ở thôn 2, xã Trà Thủy, huyện Trà Bông.

Lan Anh (t/h)

Nguồn Bộ VHTTDL: http://cinet.vn/thong-tin-cinet/bao-ton-va-phat-huy-cac-di-san-van-hoa-tren-dia-ban-tinh-quang-ngai-356014.html