Bảo tồn trang phục truyền thống các dân tộc

Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch vừa ban hành Đề án bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Bà Ka Ruông (82 tuổi, dân tộc Mạ, ngụ ấp Thanh Trung, xã Thanh Sơn, huyện Tân Phú) giới thiệu trang phục do mình dệt. Theo lãnh đạo địa phương, hiện nay tại xã Thanh Sơn chỉ còn bà Ka Ruông biết dệt thổ cẩm. Ảnh: V.TRUYên

Bà Ka Ruông (82 tuổi, dân tộc Mạ, ngụ ấp Thanh Trung, xã Thanh Sơn, huyện Tân Phú) giới thiệu trang phục do mình dệt. Theo lãnh đạo địa phương, hiện nay tại xã Thanh Sơn chỉ còn bà Ka Ruông biết dệt thổ cẩm. Ảnh: V.TRUYên

Việc triển khai đề án có tác động lớn và đem lại niềm vui không chỉ cho đồng bào các dân tộc thiểu số mà với cả những người làm công tác sưu tầm, bảo tồn văn hóa trên địa bàn tỉnh.

* Đồng bào “quên” trang phục truyền thống

Bà Ka Rột (52 tuổi, dân tộc Mạ, ngụ ấp Thanh Trung, xã Thanh Sơn, huyện Tân Phú) kể, con gái bà đang học lớp 12 tại một trường THPT ở huyện. Khi dẫn chương trình cho một sự kiện ở trường, con bà được yêu cầu mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Nhưng sau khi xem hình con gái chụp lưu niệm trong điện thoại bà mới biết con mặc trang phục không phải của dân tộc Mạ mà là của một dân tộc thiểu số khác.

Còn già làng Thổ Khuyển (dân tộc Chơro, xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất) bộc bạch: “Bây giờ trong các dịp lễ hội cũng chỉ có người cao tuổi mặc trang phục dân tộc còn con cháu thì không. Chúng nói trang phục truyền thống của dân tộc mình không đẹp, không thời trang, mặc lên làm mình khác lạ so với những người xung quanh nên ngại mặc”.

Theo Phó giám đốc Bảo tàng Đồng Nai Nguyễn Thị Tuyết Hồng, trong các đợt sưu tầm hiện vật (trong đó có trang phục truyền thống) các dân tộc thiểu số, những người làm công tác bảo tàng bảo tồn nhận thấy nhiều nơi bà con không còn bảo tồn được trang phục truyền thống. Nguyện vọng của đồng bào, nhất là những người lớn tuổi là mong muốn giữ gìn được trang phục truyền thống, truyền dạy được cách dệt, làm nguyên liệu, các hoa văn đặc trưng để thực hiện trang phục và cả cách mặc sao cho đúng đến lớp trẻ, nhưng con cháu không chịu học. Mặc dù thời gian qua tỉnh đã chủ động tổ chức các lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm ở xã Tà Lài (huyện Tân Phú), Hiệp Nghĩa (thị trấn Định Quán, huyện Định Quán)… song hiệu quả đem lại chỉ mang tính thời điểm, trong phạm vi hẹp.

* Đừng chỉ để cất giữ

Theo già làng K’De (dân tộc Mạ, KP.Hiệp Nghĩa, thị trấn Định Quán, huyện Định Quán), trang phục dân tộc chỉ được mặc trong các dịp lễ, họp mặt hay khi đón các lãnh đạo đến thăm đồng bào, còn ngày thường chỉ cất trong tủ. Như gia đình già làng K’De nhiều thế hệ là vậy nhưng cũng chỉ ông mới có trang phục truyền thống, còn con cháu của ông không có. Vì vậy ông rất mong Đề án bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện nay không chỉ giúp bà con có trang phục để mặc trong những dịp lễ hội, sự kiện mà sẽ có mặt trong sinh hoạt hằng ngày.

Theo Phó giám đốc Bảo tàng Đồng Nai Nguyễn Thị Tuyết Hồng, bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số không chỉ là dệt ra trang phục và mặc mà còn phải để đồng bào hiểu mặc ra sao cho đúng với truyền thống, vì mỗi trang phục, cách mặc đều có ý nghĩa của nó.

Riêng bà Ka Ruông (82 tuổi, dân tộc Mạ, ngụ ấp Thanh Trung, xã Thanh Sơn, huyện Tân Phú) bày tỏ: “Bên cạnh việc giúp người dân làm ra trang phục truyền thống, các cơ quan chức năng cũng cần chú ý đến việc hướng dẫn người dân mặc sao cho đúng cách, lựa chọn hoa văn trên từng trang phục đúng với của mỗi dân tộc”.

Về quá trình thực hiện Đề án bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện nay (thực hiện trong giai đoạn 2019-2030) trả lời trên trang thông tin của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc thuộc Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch cho hay, việc thực hiện đề án nhằm đáp ứng sự phát triển bền vững văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam, đưa trang phục truyền thống phổ biến hơn trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, nâng cao lòng tự hào, ý thức bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Hải Nhung, để thực hiện được mục tiêu của đề án, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch chia đề án thành nhiều giai đoạn với những việc làm cụ thể, trong đó từ nay đến năm 2021 sẽ hoàn thành việc kiểm kê và lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số. Khôi phục trang phục truyền thống của một số dân tộc đã mai một, vinh danh nghệ nhân ưu tú và nghệ nhân nhân dân về nghề thủ công liên quan đến trang phục truyền thống.

Bên cạnh đó, tổ chức các lớp tập huấn, truyền dạy kỹ năng nghề dệt thổ cẩm và trang phục truyền thống cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Còn từ năm 2022-2030, đề án sẽ tập trung hướng đến việc tất cả học sinh trường dân tộc nội trú các tỉnh, thành phố triển khai mặc trang phục truyền thống 2 buổi/tuần và các dịp lễ, tết, hội…

Võ Tuyên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/201903/bao-ton-trang-phuc-truyen-thong-cac-dan-toc-2938395/