Bảo tồn tốt di tích chiến trường Điện Biên Phủ để thu hút khách du lịch

65 năm qua, những giá trị của Chiến thắng Ðiện Biên Phủ luôn được lưu giữ thông qua công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di tích lịch sử.

Những việc làm ý nghĩa đó đã và đang góp phần quan trọng đưa di tích chiến trường Ðiện Biên Phủ trở thành một trong những địa danh du lịch lịch sử thu hút đông đảo du khách. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc phỏng vấn ông Phạm Việt Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Điện Biên.

Phóng viên (PV): Thời gian qua, ngành VHTTDL Điện Biên đã có những hoạt động gì nhằm tạo sức hấp dẫn cho du lịch, thưa ông?

Ông Phạm Việt Dũng: Quần thể di tích lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn có giá trị lớn đối với việc phát triển du lịch của tỉnh Điện Biên. Nhận thức sâu sắc vấn đề trên, tỉnh Điện Biên đã chú trọng đầu tư, tôn tạo và bảo tồn các di tích liên quan đến chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Nhiều di tích đã và đang được phát huy trong thực tiễn, như: Sở chỉ huy chiến dịch ở Mường Phăng, đồi A1, sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm của quân Pháp… Bên cạnh đó, tỉnh Điện Biên còn đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch mang đậm dấu ấn lịch sử hào hùng trong quá khứ và những danh lam thắng cảnh, như: Du lịch lịch sử, tâm linh Thành Bản Phủ; du lịch nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Uva, Pe Luông, bản Sáng; du lịch vãn cảnh động Pa Thơm, hồ Pa Khoang, tháp Mường Luân, Chiềng Sơ, Huổi Phạ, Hồng Khếnh…

 Ông Phạm Việt Dũng.

Ông Phạm Việt Dũng.

Thời gian tới, ngoài 8 điểm di tích được đưa vào phục vụ khách tham quan, UBND tỉnh giao ngành VHTTDL xây dựng đề án tiếp tục bảo tồn, lựa chọn các điểm di tích tiêu biểu, có giá trị lịch sử cao để phục dựng lại và bảo tồn theo Ðề án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt chiến trường Ðiện Biên Phủ đến năm 2030”. Cùng với đẩy mạnh công tác quảng bá về du lịch lịch sử, công tác trùng tu, tôn tạo Di tích chiến trường Ðiện Biên Phủ nhằm tiếp tục phát huy, khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, giá trị văn hóa, lịch sử để du lịch trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

PV: Thưa ông, quá trình triển khai các hoạt động trùng tu, tôn tạo di tích cũng như mở rộng không gian trải nghiệm cho du khách có gặp khó khăn gì không?

Ông Phạm Việt Dũng: Chúng tôi đang gặp nhiều khó khăn, nhất là công tác trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử. Hiện nay, các nhân chứng lịch sử tuổi đã cao, muốn tìm lại hồ sơ gốc rất vất vả; các di tích ngoài trời bị tác động của thiên nhiên và sự phát triển đô thị, nhiều di tích trải dài, rộng trong khu dân cư nên không thể tránh được tình trạng bị xâm hại. Nguồn lực của tỉnh còn hạn chế nên trong công tác đầu tư, tôn tạo rất cần sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự hỗ trợ từ nguồn xã hội hóa.

Để thu hút sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân, nhân chứng lịch sử đối với việc trưng bày, hoàn thiện Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đã phối hợp với Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân phát động hiến tặng kỷ vật, tài liệu liên quan đến Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây là việc làm hết sức ý nghĩa và mang giá trị nhân văn sâu sắc khi các nhân chứng tuổi đã cao như: Đại tá, nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp (96 tuổi); đại tá, nhà báo Phạm Phú Bằng (90 tuổi) nguyên phóng viên Báo Quân đội nhân dân trực tiếp làm báo tại Mặt trận Điện Biên Phủ năm 1954 đã tới dự và chứng kiến lễ trao tặng Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 33 số báo Quân đội nhân dân xuất bản tại Mặt trận Điện Biên Phủ; hay mảnh vải dù của đồng chí Nguyễn Thọ Sơn…

PV: Tạo thương hiệu cho sản phẩm du lịch đang là xu hướng chung của nhiều địa phương. Đồng chí có thể cho biết, Điện Biên có những chiến lược nào định vị thương hiệu cho du lịch tỉnh nhà?

Ông Phạm Việt Dũng: Du lịch Điện Biên có tính truyền đạt nhận thức nhiều hơn là hưởng thụ, giải trí. Mục đích của khách du lịch đến Điện Biên chủ yếu là thăm lại chiến trường xưa, kiểm chứng lại những nhận thức của mình về các tài nguyên du lịch nhân văn để làm giàu thêm vốn kiến thức. Do vậy, quần thể di tích Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn là điểm nhấn quan trọng nhất, là tài nguyên du lịch lịch sử vô giá-“mỏ vàng” của du lịch Điện Biên.

Chúng tôi cũng đã triển khai các hoạt động của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, phối hợp với các trường học tổ chức những hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử kết hợp trải nghiệm thực tế để giúp các em hiểu hơn về chiến thắng vĩ đại của dân tộc, từ đó thêm yêu quê hương, đất nước. Hoạt động này cũng đang được mở rộng tới tua du lịch, các đoàn khách quốc tế rất hào hứng với trải nghiệm thực tế khi tự kéo, đẩy xe đạp thồ; nấu cơm bằng bếp Hoàng Cầm…

Nét văn hóa đặc trưng của 19 dân tộc anh em của tỉnh cũng đang được chú trọng khai thác, từng bước phát huy hiệu quả phục vụ phát triển du lịch. Trong đó, điểm nhấn đặc biệt chính là Lễ hội hoa ban, nhiều lễ hội khác cũng tạo điểm đến, như: Lễ hội Thành Bản Phủ, đua thuyền đuôi én Mường Lay, Hoa anh đào-Pa Khoang...

Điện Biên Phủ đang trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách. Ảnh: Trọng Hải.

PV: Chuẩn bị cho các chương trình chào mừng kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngành VHTTDL đã có những kế hoạch hoạt động nào, thưa ông?

Ông Phạm Việt Dũng: Trung tuần tháng 3, nhiều hoạt động đã mở màn cho chương trình chào mừng kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ gắn với kỷ niệm 110 năm thành lập tỉnh Điện Biên và 70 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, như: Lễ hội hoa ban; Ngày hội VHTTDL tỉnh Điện Biên lần thứ VI; Liên hoan tuyên truyền lưu động; Liên hoan dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc; trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa, du lịch; trình diễn nghi thức sinh hoạt văn hóa các dân tộc; thi Người đẹp hoa ban… Trọng tâm là thời gian cuối tháng 4, đầu tháng 5 sẽ có các hoạt động nổi bật, như: “Cuộc đua xe đạp về Điện Biên”-Cúp Báo Quân đội nhân dân, hội chợ xúc tiến thương mại du lịch quốc tế Điện Biên, chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa chào mừng kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Trong dịp này, Điện Biên cũng kêu gọi nguồn xã hội hóa để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ tại đồi F (cạnh đồi A1). Đây là công trình góp phần tri ân các anh hùng liệt sĩ và giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

VƯƠNG HÀ (thực hiện)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/bao-ton-tot-di-tich-chien-truong-dien-bien-phu-de-thu-hut-khach-du-lich-568892