Bảo tồn tín ngưỡng thờ Mẫu: Cần ngăn chặn biến tướng

Hội thảo khoa học 'Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trên địa bàn Hà Nội – Nhận diện, bảo tồn và phát triển' do Hội Di sản văn hóa Thăng Long-Hà Nội phối hợp cùng Sở VHTT Hà Nội tổ chức ngày 16/11 đã đề cập đến những biến tướng trong nghi lễ và đề xuất những giải pháp bảo tồn, phát triển.

Ảnh minh họa

Lo ngại những biến tướng và lệch chuẩn

Hà Nội là một trong những trung tâm tín ngưỡng thờ Mẫu ở Bắc Bộ với nhiều đền, điện, phủ thờ Mẫu. Tín ngưỡng thờ Mẫu, nghi lễ hầu đồng với những giá trị triết lý, đạo đức và văn hóa sâu sắc được nhân dân tích cực tham gia và cuộc sống ghi nhận, do vậy cần được bảo tồn và phát huy giá trị trong đời sống hiện nay.

Tuy nhiên tại một số đền, điện ở Hà Nội, việc thực hành nghi lễ hầu đồng nảy sinh một số tiêu cực cần sớm khắc phục, trong đó lo ngại nhất là hành vi biến tướng và lệch chuẩn trong diễn xướng hầu đồng. Thậm chí, một số người còn lợi dụng nghi lễ để trục lợi, làm sai lệch giá trị đích thực ban đầu.

Cũng là người tham gia hầu đồng nhưng thanh đồng Nguyễn Thị Thìn, trú tại đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình (Hà Nội) phản đối những lệch chuẩn trong thực hành nghi lễ hầu đồng, từ trang phục, đạo cụ, văn hầu đến vũ đạo. Bà cho biết, có thanh đồng đưa cả hò hét, phán truyền, bói toán, phù chú… vào các canh hầu.

Phản cảm hơn, có cô đồng hầu giá Trần triều đeo trang sức mỹ ký lủng lẳng, phấn son lòe loẹt không đúng với truyền thống. Đáng buồn nhất, trong các canh hầu đồng hiện nay là hiện tượng thương mại hóa, buôn thần bán thánh, yêu cầu con nhang đệ tử bỏ ra khoản tiền lớn cho việc tổ chức hầu đồng. Hiện tượng tranh giành mua bán chỗ để hầu, đồ mã để la liệt nơi đền phủ, đèn nhang, hương khói nghi ngút gây ô nhiễm, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ... cũng cần lưu ý.

Trước đây, không ít các giải pháp được đặt ra nhằm chấn chỉnh những lệch lạc trong tục thờ Mẫu như chủ trương cấm đốt vàng mã, tổ chức các cuộc tọa đàm khoa học, liên hoan diễn xướng hầu đồng nhằm chấn hưng nghi lễ hầu thánh… Nhưng đó chỉ là những giải pháp tạm thời, ít hiệu quả, nhiều nghi lễ hầu đồng tiếp tục bị biến dạng tạo nên những nhận thức méo mó về nghi lễ này.

Nhà nghiên cứu Phạm Tứ, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam còn cho rằng, thực tế có hiện tượng bùng phát việc trình đồng, mở phủ dẫn đến sự biến đổi trong hàng ngũ con nhang, đệ tử, xuất hiện nhiều “đồng đua”, “đồng đú”, nhiều người mới ra đồng một thời gian ngắn đã tự phong cho mình là thầy đồng.

Đội ngũ cung văn cũng có nhiều biểu hiện lệch lạc khi còn đưa âm nhạc hiện đại vào hát văn như âm nhạc múa sạp Tây Bắc, ca khúc “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”, “Em đi chùa Hương”, thậm chí có cả ca khúc Lào như “Hoa Chăm pa”, “Em là cô gái Lào”… Nhiều người mới học nghề vài ba tháng cũng ra nhập đội ngũ hát văn dẫn đến tình trạng sai lệch nhiều lời hát, vần điệu… Những hiện tượng lệch chuẩn này đã phá vỡ nét đẹp thuần phong mỹ tục, mất đi nét đẹp văn hóa tâm linh.

Giải pháp ngăn chặn biến tướng

Bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu của Hà Nội cũng như cả nước sẽ là công việc lâu dài và đầy khó khăn khi thời gian vừa qua, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu bộc lộ nhiều hạn chế. Giữa năm 2017, Bộ VHTT&DL đã triển khai Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt. Song để chương trình đi đúng mục đích cần có thái độ tích cực của cả các cơ quan quản lý văn hóa, các tổ chức xã hội và cộng đồng.

Tiến sĩ Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long-Hà Nội cho rằng, để quản lý tín ngưỡng thờ Mẫu bằng phương pháp đúng đắn nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, cần thiết lập cơ chế quản lý của Nhà nước và cộng đồng.

Thành phố cần xây dựng quy chế quản lý hoạt động thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, quy định rõ hoạt động của đền, điện thờ Mẫu, trách nhiệm của thủ nhang, đồng thầy đối với thực hành tín ngưỡng, nghi lễ hầu đồng ở các đền, điện thờ Mẫu. Các đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội cần tuyên truyền cho hội viên hiểu rõ về tín ngưỡng thờ Mẫu và nghi lễ hầu đồng, đồng thời hỗ trợ các ban quản lý, thủ nhang và đồng thầy làm tốt hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu theo quy định.

Với chức năng quản lý Nhà nước về văn hóa trên địa bàn Hà Nội, thời gian tới, Sở VHTT Hà Nội sẽ có những hành động thiết thực nhằm định hướng bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống của tín ngưỡng thờ Mẫu, ngăn chặn hiện tượng biến tướng, mê tín trong thực hành nghi lễ hầu đồng.

Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho biết, ngành văn hóa và các tổ chức xã hội sẽ hướng dẫn, tạo điều kiện cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trong cộng đồng theo các chuẩn mực, tránh hiện tượng lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi, mê tín.

Đồng thời, khuyến khích những nghệ nhân hát văn cao tuổi truyền dạy những bài bản cổ cho thế hệ trẻ, tôn vinh các cá nhân, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Đó cũng là những giải pháp để giúp cho tín ngưỡng thờ Mẫu ngày một khẳng định vị trí của mình trong đời sống tinh thần của nhân dân.

(theo TTXVN)

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/van-hoa/bao-ton-tin-nguong-tho-mau-can-ngan-chan-bien-tuong/322339.vgp