Bảo tồn tài nguyên du lịch ở rừng dừa nước Cẩm Thanh

Trung tuần tháng 8, ngay thời điểm chính mùa trung thu, thành phố Hội An có đông khách du lịch nhất trong năm. Vấn đề khai thác quá mức rừng dừa nước Cẩm Thanh làm du lịch lại được đặt ra khiến UBND xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam buộc phải tổng kiểm tra, rà soát lại và siết chặt cơ chế quản lý hoạt động du lịch. Đây cũng là thực trạng chung của tất cả các khu du lịch hiện đang sử dụng cảnh quan tài nguyên thiên nhiên tại chỗ.

Người dân đón khách du lịch tham quan rừng dừa Cẩm Thanh. Ảnh: TTH

Người dân đón khách du lịch tham quan rừng dừa Cẩm Thanh. Ảnh: TTH

Rừng dừa nước Cẩm Thanh, còn gọi là rừng dừa Bảy Mẫu là vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An có giá trị văn hóa, lịch sử, tài nguyên thiên nhiên đặc biệt. Việc xác định ai là những người trồng đầu tiên những cây dừa nước của rừng dừa trăm năm tuổi này cho đến nay vẫn là một ẩn số. Điều đó liên quan đến hình thái cư trú và những cư dân lâu đời tại vùng cửa sông Thu Bồn – một phần tất yếu của lịch sử văn hóa, thông thương của Việt Nam đối với các quốc gia khác.

Suốt những năm chiến tranh, khu vực này là căn cứ cách mạng và rừng dừa nước ken dày màu xanh dọc các kênh lạch nước lợ là lá chắn cho người dân và bộ đội. Cùng với sự phát triển, rừng dừa tạo thành hệ sinh thái xanh bao gồm cả nguồn lợi, nơi sinh sản của thủy sản, chim di cư. Nhìn trên bản đồ, đây là vùng đất cửa sông ven biển màu xanh lan rộng, giữ cân bằng sinh quyển. Đồng thời, trùng khớp với nguyên nhân rừng dừa được trồng ở đây hàng trăm năm trước, cây dừa nước có tác dụng chống xói lở mất đất, chống xâm nhập mặn và phần nào đó, liên quan đến gốc gác của những người khai hoang đất đai lập làng muốn gửi gắm tâm hồn mình, cùng ý chí sinh cơ lập nghiệp vào đó.

Rừng dừa ban đầu chỉ có 7 mẫu, sau đó, diện tích tăng dần và sở hữu theo một cách rất truyền thống làng xã là ngoài những rặng dừa đã cũ thì gia đình nào ở gần rặng dừa nào thì sở hữu luôn rặng dừa đó. Sau này, sự phân biệt ranh giới một cách rạch ròi chỉ xuất hiện khi rừng dừa được khai thác du lịch một cách triệt để. Khách du lịch thích thú với hành trình đi thuyền thúng trên sông, do chính ngư dân làng chài Cẩm Thanh chèo lái. Ở giữa dòng, họ biểu diễn múa thúng quạt nước - một trò diễn rất cổ xưa truyền lại của dân đi biển cho du khách xem. Du khách còn thích thú với “tour” du lịch này, khi những người múa thúng gia tăng sự náo động trên các con sông. Họ chiều chuộng du khách đến mức không bắt buộc khách mặc áo phao và thường hái đọt dừa nước, lá dừa nước gấp đồ chơi và đan nón mũ tặng cho du khách.

Tuy nhiên, sự xâm hại quá mức vào tài nguyên rừng dừa chỉ được tính đến khi sự hấp dẫn của vùng đất tăng lên, du khách đến đây ngày một đông và kích thích dịch vụ du lịch bung ra. Ngoài sự biến động về đất đai sang nhượng, các khu dịch vụ mọc lên ngày càng nhiều lấn vào diện tích rừng dừa. Việc phá bỏ và làm hỏng tài nguyên gốc, mà vì điều kiện cảnh quan này mới sản sinh ra vốn ban đầu để làm du lịch là việc “vác búa ghè chân mình” rất thường gặp ở các khu du lịch. Hiện nay, làng Cẩm Thanh đã tăng tỉ lệ gấp đôi, gấp ba cơ cấu những người làm dịch vụ du lịch so với những năm trước. Đường làng, ngõ xóm đều đã được bê tông hóa đến từng ngõ ngách. Nhà hàng, cơ sở lưu trú mọc lên san sát. Việc các cơ quan chức năng kịp thời chấn chỉnh hoạt động đưa đón làm dịch vụ du lịch là động thái kịp thời.

Hiện nay, nhiều tổ chức phi chính phủ có lập các dự án tài trợ để người dân trồng lại các diện tích dừa nước đã bị thu hẹp do người dân xây dựng đường sá nhà ở, cơ sở lưu trú du lịch dịch vụ. Tuy nhiên, vốn đất đai dành cho phát triển mới cũng không còn nhiều, cơ bản vẫn là bảo tồn những diện tích lâu đời, khai thác có khoa học và hiệu quả. Và như vậy, điều cần nhất vẫn là cơ chế bảo vệ đủ mạnh và hợp lý.

Về phía địa phương và các cơ quan chức năng, kiểm lâm, các hội đoàn thể và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm đều tích cực bàn thảo thống nhất cơ chế quản lý đối với rừng dừa nước Cẩm Thanh. Theo đó, việc giao quyền quản lý cho cộng đồng dân cư Cẩm Thanh vẫn là phương án tối ưu nhất, đó là giao cho người thụ hưởng, những người thuộc nhóm được hưởng lợi từ tài nguyên này. Cộng đồng sẽ được tham gia trong việc lập quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án bảo vệ và phát triển hệ sinh thái, đa dạng sinh học rừng dừa nước. Việc tổ chức hoạt động du lịch sinh thái, giải trí và cho thuê môi trường xung quanh rừng dừa để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, giải trí sẽ được thỏa thuận trên cơ sở lợi ích.

Như vậy mới có thể bảo tồn và phát triển bền vững rừng dừa nước, trong đó, 3 nhóm đối tượng gồm hoạt động quản lý, dịch vụ du lịch, bao gồm địa phương, các doanh nghiệp du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch, người dân bơi thuyền thúng du lịch; nhóm người dân trồng, sở hữu dừa nước; nhóm đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trong rừng dừa đều được hưởng lợi từ những tài nguyên do mình quản lý và sử dụng. Từ đó, trách nhiệm của người dân được nâng cao cũng như tính cộng đồng và mối quan hệ làng xã được cải thiện trên cơ sở chia sẻ lợi ích chung.

Tất yếu, rừng dừa nước khi phân định rõ chủ nhân sẽ hoạt động trên một cơ chế mới có trách nhiệm hơn với giá trị lịch sử vốn có của nó. Đây cũng chính là những ý kiến được đưa ra tại Hội thảo bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thanh vào tháng 8 vừa qua. Hội thảo kì vọng sẽ bảo tồn và phát triển tài nguyên du lịch, giảm thiểu áp lực quản lý cho các cơ quan chức năng, đồng thời, hướng đến việc nâng cao đời sống cho người dân làm du lịch đang dần trở nên chuyên nghiệp.

Trương Thúy Hằng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/bao-ton-tai-nguyen-du-lich-o-rung-dua-nuoc-cam-thanh/