Bảo tồn sách cổ của người Dao: Của riêng còn một chút này…

Với tuổi đời hàng thế kỷ, những cuốn sách cổ là báu vật gia truyền trong các dòng họ người Dao. Cũng như tại các địa phương khác, ở một số bản làng của người Dao huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) vẫn còn lưu giữ khá nhiều sách cổ được viết trên giấy dó, với rất nhiều loại khác nhau. Thế nhưng, trải qua thời gian, cùng với một tỷ lệ khá lớn sách cổ đã bị hư hỏng hoặc thất lạc, số còn lại đang đối mặt với nguy cơ mai một.

“Vốn” sách cổ của người Dao nói chung, ở Nguyên Bình nói riêng đang ngày một hiếm. Ảnh: Hoàng Phương Uyên

“Kho báu” mang giá trị lớn về văn hóa

Nguyên Bình là vùng đất cổ, nơi người Dao cư trú từ lâu đời, với lượng cư dân sinh sống đông vào hàng nhất, nhì tỉnh Cao Bằng. Các nhà nghiên cứu về văn hóa cho rằng, tại đây, số lượng sách cổ đã và đang được lưu giữ tại cộng đồng dân cư và dòng họ của người Dao không chỉ nhiều hơn hẳn các địa phương khác mà còn rất đa dạng, phong phú.

Trong cái nắng dịu của một chiều cuối Thu, chúng tôi được người dân xã Thành Công giới thiệu đến ngôi nhà của ông Bàn Hữu Sen, ở xóm Bản Chang. Trong ngôi nhà ông, khách không khó lắm để phát hiện trong mấy cái tủ kính được xếp đặt ngăn nắp là hàng chục cuốn sách cổ của người Dao. Ông Sen khoe với chúng tôi: “Những cuốn sách cổ này rất có giá trị, vì cuốn nào cũng có tuổi đời trên dưới 100 năm. Đây là “kho báu” mang giá trị lớn về mặt văn hóa tinh thần của dân tộc Dao mà các bậc tiền nhân trong dòng họ Bàn ở Bản Chang đã dày công sưu tầm và lưu giữ được từ nhiều năm nay…”.

Theo ông Sen, sách cổ của người Dao chủ yếu in trên giấy dó được làm từ rơm với bí quyết đặc biệt của đồng bào. Sách có nhiều loại, được gọi là “sâu” hoặc “tsâu”, có nghĩa là “thư” - “sách”, cùng được ghi chép bằng loại chữ viết tượng hình theo kiểu chữ Hán, nhưng được đọc theo âm Dao. Mỗi loại sách đều chứa đựng hàng chục nội dung đề tài khác nhau nói về kinh nghiệm ứng xử trong các mối quan hệ xã hội, hoạt động trong lao động sản xuất, các phong tục, nét đẹp văn hóa, nghi lễ tang ma, cúng tế, cưới xin, cách chọn ngày đám cưới, xem ngày tháng, ngày tốt lành để làm nhà, cách chọn đất canh tác… của người Dao.

“Trước kia, đã là con gái, con trai người Dao thì trong các lễ hội trầu sun - cầu mùa hay lễ cấp sắc phải biết múa chuông, múa rùa, múa kiếm; đặc biệt, thiếu nữ Dao trước khi về nhà chồng phải biết thêu thùa. Bây giờ, thử hỏi nam thanh, nữ tú trong các cộng đồng người Dao mấy người biết hát, biết múa những điệu múa cổ của cha ông truyền lại? Tôi rất lo! Nếu không tìm cách khôi phục, thì những nét văn hóa truyền thống của người Dao sẽ mất dần. Tôi tìm mọi cách giữ lại những cuốn sách cổ của người Dao là nhằm nhắc nhở con cháu không được quên nguồn cội, phong tục…” - Ông Sen chia sẻ với chúng tôi.

Hiện nay, những người lưu giữ, sử dụng sách cổ trong cộng đồng người Dao chủ yếu là các thầy cúng. Ảnh: Hoàng Phương Uyên

Cần những giải pháp kịp thời

“Càng nghiên cứu sách cổ của người Dao, càng khám phá được những nét đẹp văn hóa dân tộc trong từng nội dung chứa đựng trong đó. Trên thực tế, trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở nước ta có rất ít dân tộc có được chữ viết, ngôn ngữ riêng, lại được thể hiện trên thư tịch cổ từ rất sớm như dân tộc Dao. Chính vì vậy, có thể nói, những cuốn sách cổ của người Dao là nguồn tài liệu quý giá để phục vụ cho nghiên cứu những nét văn hóa độc đáo và tinh túy của dân tộc Dao” - Ông Lý Văn Nguyên, ở xóm Gảm Tẹn, xã Hoa Thám - một trong số ít người còn lưu giữ được “kha khá” sách cổ của người Dao ở vùng cao Nguyên Bình khẳng định.

Cũng theo ông Nguyên, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc mất mát, thất lạc sách cổ của người Dao, như đất nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh cùng sự ảnh hưởng trực tiếp từ thời tiết, khí hậu, nên số lượng sách cổ bị mất dần theo năm tháng. “Thêm một nguyên nhân nữa là do một số người nhận thức hạn chế, không biết đọc chữ cổ nên không chú trọng giữ gìn, khi có người hỏi mua, có khi chỉ với giá giấy vụn là “gật đầu”, không mảy may thương tiếc. Ngoài ra, sách cổ bị mai một còn do người dân dù có ý thức cất giữ, bảo quản không đúng phương pháp nên sách bị mối mọt, vụn nát…” - Ông Lý Văn Nguyên trao đổi thêm với chúng tôi.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mấy chục năm về trước, sách cổ người Dao ở vùng núi Nguyên Bình rất sẵn. Thường, mỗi xóm, bản người Dao có hàng trăm cuốn sách cổ, nhưng hiện nay, những người lưu giữ sách cổ trong cộng đồng chủ yếu là các thầy cúng hay trưởng các dòng họ như các ông Lý Văn Nguyên, Bàn Hữu Sen… Đây là một thực tế đáng lo, bởi sách cổ chính là di sản tư liệu, lưu giữ ký ức của một dân tộc, một bản sắc văn hóa. Nhờ có sách cổ, những phong tục tập quán, nghi lễ cùng các tri thức dân gian của người Dao được ghi chép, truyền lại cho thế hệ sau.

“Mặc dù chính quyền cùng cơ quan chức năng địa phương đã quan tâm tới việc bảo tồn và phát huy di sản sách cổ của người Dao ở Nguyên Bình, nhưng cho đến nay chưa có một cuộc tổng điều tra khảo sát, thống kê một cách chính quy về sách cổ được thực hiện trên địa bàn huyện. Lý do lớn nhất vẫn là thiếu kinh phí. Chính vì vậy, hiện nay, chưa có số liệu nào nói về số lượng sách cổ của người Dao nhằm phục vụ công tác kiểm kê, đánh giá, bảo tồn. Hệ quả là những đánh giá cụ thể về giá trị của số sách cổ ở Nguyên Bình cũng hết sức hạn chế…” - Một cán bộ hiện đang công tác tại ngành Văn hóa và Thông tin tỉnh Cao Bằng cho chúng tôi hay.

Cũng theo vị cán bộ này, nếu không được khảo sát, đánh giá cụ thể, và bảo tồn kịp thời thì thật khó mà biết được cả một “kho báu vật” mang giá trị lớn về văn hóa tinh thần vốn phải qua không biết bao nhiêu thế kỷ mới tạo dựng nên, sẽ còn tồn tại được đến bao giờ trước những thách thức của thời gian. Với sự phong phú, đa dạng của nguồn tư liệu cổ quý giá, hy vọng, trong thời gian tới, “kho vàng” này sẽ được các cơ quan chuyên môn quan tâm “đánh thức” và phát huy giá trị.

Hoàng Phương Uyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/bao-ton-sach-co-cua-nguoi-dao-cua-rieng-con-mot-chut-nay/