Bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử di sản Ba Đình

Ngày 18-11, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa phối hợp huyện ủy Nga Sơn, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Khởi nghĩa Ba Đình”.

Thanh Hóa có vị trí chiến lược quan trọng trên dải đất hình chữ S, từng là nơi khởi nguồn nhiều cuộc khởi nghĩa, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, chỗ dựa vững chắc trong suốt chiều dài dựng nước, giữ nước của dân tộc. Thấy rõ lợi thế của vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, nhất là “địa lợi” của ba làng Thượng Thọ, Mậu Thịnh, Mỹ Khê, các sĩ phu yêu nước quyết định lựa chọn xây dựng căn cứ Ba Đình hưởng ứng phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp xâm lược vào thế kỷ XIX.

Diễn ra trong thời gian ngắn, với 32 ngày đêm chiến đấu gian khổ (từ ngày 18-12-1886 đến ngày 21-1-1887) nhưng cuộc khởi nghĩa Ba Đình đã khơi nguồn, nhân rộng, kéo dài cao trào đấu tranh chống đội quân xâm lược phương Tây hùng mạnh trên vùng đất Thanh Hóa, kết tinh truyền thống đoàn kết, yêu nước, tinh thần quật cường của dân tộc, thể hiện dũng khí “xung thiên” và là đỉnh cao của phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam cuối thế kỷ XIX.

Với hơn 30 tham luận cùng các ý kiến thảo luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử; hội thảo tiếp tục làm sáng rõ: Lịch sử khởi phát, sự phát triển, lan tỏa về chiều rộng lẫn chiều sâu, sự liên kết, vai trò của văn thân, sĩ phu yêu nước; khởi nghĩa Ba Đình - đỉnh cao, biểu hiện ngời sáng trong trào Cần Vương; vị thế phong trào Cần Vương ở Thanh Hóa và khởi nghĩa Ba Đình qua văn học dân gian. Qua đó, tiếp tục bổ sung những luận cứ khoa học, tư liệu lịch sử khẳng định vị trí, ý nghĩa cuộc khởi nghĩa Ba Đình trong lịch sử dân tộc, lịch sử Thanh Hóa, các vấn đề về tổ chức lực lượng khởi nghĩa, về nghệ thuật quân sự, những cống hiến to lớn của nhân dân Thanh Hóa nói chung, nhân dân Ba Đình, huyện Nga Sơn nói riêng cũng như đề cập vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa, phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Nhấn mạnh đến trách nhiệm đối với di sản dân tộc, Giáo sư Phan Huy Lê tán đồng với quan điểm nên bảo tồn phần di sản nguyên gốc như đồn tiền tiêu, lũy tre; sưu tầm các hiện vật, di sản phi thể liên quan, phục dựng lại một đoạn chiến lũy; xây dựng nhà trưng bày, nhà thờ, ghi công tích các chí sĩ yêu nước, nghĩa quân và có không gian cho tổ chức lễ hội. Tiếp tục nghiên cứu, nâng cao nhận thức về di sản; nên biên soạn tài liệu về cuộc khởi nghĩa, di sản Ba Đình ngắn gọn, đưa vào giảng dạy ở các trường phổ thông; phổ biến đến nhân dân dưới hình thức nghệ thuật sinh động, hấp dẫn; gắn bảo tồn với phát huy giá trị di sản trong khai thác tiềm năng, kết nối, liên kết phát triển du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/di-san/item/31309102-bao-ton-phat-huy-gia-tri-lich-su-di-san-ba-dinh.html