Bảo tồn, phát huy giá trị khu phố cổ

Nằm ở trung tâm quận Hoàn Kiếm, khu phố cổ là một 'viên ngọc quý' trong kho tàng di sản văn hóa đồ sộ của Thủ đô, là nơi lưu giữ hồn cốt của văn hóa Thăng Long - Kẻ Chợ. Đây cũng là địa chỉ du lịch hấp dẫn của Thủ đô. Song, các ngôi nhà trong khu phố cổ luôn có nguy cơ biến dạng, trong khi đó, chất lượng cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều bất cập. Làm thế nào để bảo tồn, phát huy giá trị là điều mà thành phố Hà Nội, chính quyền quận Hoàn Kiếm và các nhà nghiên cứu còn trăn trở.

Nằm ở trung tâm quận Hoàn Kiếm, khu phố cổ là một “viên ngọc quý” trong kho tàng di sản văn hóa đồ sộ của Thủ đô, là nơi lưu giữ hồn cốt của văn hóa Thăng Long - Kẻ Chợ. Đây cũng là địa chỉ du lịch hấp dẫn của Thủ đô. Song, các ngôi nhà trong khu phố cổ luôn có nguy cơ biến dạng, trong khi đó, chất lượng cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều bất cập. Làm thế nào để bảo tồn, phát huy giá trị là điều mà thành phố Hà Nội, chính quyền quận Hoàn Kiếm và các nhà nghiên cứu còn trăn trở.

Nhiều biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị

Chỉ nằm trên một diện tích nhỏ hẹp, nhưng khu phố cổ Hà Nội là một phức hợp di sản, gồm có 121 di tích các loại. Trong đó có 25 di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Chưa kể, hàng nghìn ngôi nhà cổ, nhà cũ có kiến trúc giá trị. Phố cổ là nơi lưu giữ các giá trị phi vật thể đa dạng, hấp dẫn, nhất là nét đẹp cuộc sống hằng ngày, nét đẹp văn hóa ứng xử của người dân và "kho tàng" ẩm thực - được xem là tinh hoa ẩm thực của Hà Nội. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, thành phố đã triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu, bảo tồn phố cổ. Năm 2004, phố cổ Hà Nội được công nhận là Di tích quốc gia, từ thời điểm này, công tác nghiên cứu, đầu tư, tìm giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị được triển khai đồng bộ, bài bản hơn. Phó Trưởng Ban quản lý Phố cổ Hà Nội Trần Thị Thúy Lan cho biết: "Từ năm 2008 đến nay, có 21 di tích trong khu phố cổ được UBND quận Hoàn Kiếm đầu tư, cải tạo. Nhiều di tích sau khi được cải tạo đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch như: đình Kim Ngân, chùa Lý triều Quốc sư, quán chùa Huyền Thiên... Quận Hoàn Kiếm đã chỉnh trang được 44 tuyến phố trong khu phố cổ, khôi phục lại diện mạo của những ngôi nhà có giá trị, góp phần khôi phục lại diện mạo xưa của các tuyến phố".

Ðối với công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, quận Hoàn Kiếm phối hợp Hội Di sản Văn hóa Thăng Long - Hà Nội xây dựng đề án "Nghiên cứu, tổ chức lễ hội truyền thống trong Khu phố cổ và khu vực hồ Hoàn Kiếm". Qua đó, bảo tồn, khôi phục 14 lễ hội. Các lễ hội được khôi phục thu hút người dân tham gia, gắn với các ngày lễ lớn như: Lễ hội Vua Lê đăng quang, lễ hội đình Yên Thái, đình Kim Ngân, lễ hội Trung thu Phố cổ... Ngoài ra, quận còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, giới thiệu nghề thủ công truyền thống tại đình Kim Ngân, Ngôi nhà Di sản, Trung tâm Thông tin di sản Phố cổ, Trung tâm giao lưu Văn hóa Phố cổ vào các dịp: Tết Nguyên đán, Trung thu, ngày Di sản văn hóa Việt Nam...

Tiếp tục nâng tầm vị thế của phố cổ

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng trong khu phố cổ vẫn còn nhiều công trình cao tầng mọc lên. Không ít ngôi nhà cổ đứng trước nguy cơ biến dạng, mật độ dân số cao, khiến chất lượng cuộc sống của người dân không bảo đảm... Ngày 8-10, UBND quận Hoàn Kiếm đã phối hợp các cơ quan tổ chức Hội thảo "Bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản khu phố cổ Hà Nội trong tiến trình phát triển Thăng Long - Hà Nội" nhằm tìm những giải pháp phát huy giá trị di sản quý báu này.

PGS Phạm Hùng Cường (Ðại học Xây dựng Hà Nội) cho biết, hiện nay, công nghệ trong bảo tồn di sản đã có nhiều bước tiến. Phố cổ Hà Nội nên xây dựng kho dữ liệu 3D cho tất cả những di sản quan trọng. Ðây là việc làm cấp thiết, bởi với tốc độ bảo tồn như hiện nay, nếu không số hóa sớm thì không còn tài liệu gốc để có thể tu bổ, tôn tạo. Quận Hoàn Kiếm nên trình diễn hiện thực ảo tại Trung tâm bảo tồn hay tạo không gian ảo ngay trên đường phố để tái hiện cảnh quan và lối sống phố cổ xưa, vừa tạo doanh thu, vừa quảng bá các giá trị văn hóa lịch sử của phố cổ.

Phó Giáo sư Ðặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho biết: "Dư luận vẫn băn khoăn về trào lưu nâng cấp xếp hạng; song, phố cổ là một trường hợp rất hiếm trên cả nước. Tôi thấy cần thiết phải nâng cấp xếp hạng Phố cổ Hà Nội là Di tích quốc gia đặc biệt để nâng cao trách nhiệm, ý thức trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Tiếp đó, có thể xem xét, kết nối phố cổ với Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, bởi phố cổ là một bộ phận cấu thành của kinh thành xưa, để đề nghị UNESCO vinh danh Hoàng thành Thăng Long lần hai, gắn với phố cổ. Về góc độ quản lý, phải đề cao vai trò của cộng đồng. Thành phố cũng như quận Hoàn Kiếm nên xem xét thành lập một Ban đại diện cộng đồng tại khu phố cổ. Ban đại diện này sẽ đại diện cho tiếng nói của người dân; là cánh tay nối dài của cơ quan quản lý. Những khu phố cổ thực hiện bảo tồn tốt ở Nhật Bản, Hàn Quốc đều có những tổ chức tương tự như thế".

Từ góc độ quy hoạch, KTS Nguyễn Trúc Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đề nghị, cần quy hoạch khu Phố cổ Hà Nội thành khu phố du lịch đặc thù, độc đáo. Ðối với mỗi con phố, nên chọn những vị trí điểm nhấn, trang trọng để đặt bảng hiệu giới thiệu ngắn gọn lịch sử lâu đời của phố, nhằm cung cấp các thông tin, hiểu biết cơ bản cho người dân và du khách, từ đó tôn vinh giá trị văn hóa của con phố ấy. Cần hoàn thiện, làm sinh động, độc đáo hơn phố đi bộ Hàng Ðào, Hàng Ngang, Ðồng Xuân bằng việc kết hợp các hoạt động buôn bán vào ban đêm với các hoạt động văn hóa, văn nghệ vào các thời gian khác trong ngày.

Phố cổ là một di sản quý. Song, các nhà nghiên cứu đều nhận định, để thực hiện tốt việc phát huy giá trị, trước hết, cần thực hiện nghiêm các quy định trong Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc khu phố cổ; nâng cao nhận thức của người dân; đồng thời, xây dựng những nơi ở mới có chất lượng cuộc sống tốt để tái định cư một bộ phận cư dân phố cổ, tạo điều kiện cho công tác bảo tồn giá trị của phố cổ.

GIANG NAM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tranghanoi-tin-chung/bao-ton-phat-huy-gia-tri-khu-pho-co-619643/