Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam

Hôm nay (23/11) là 'Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam'. Văn hóa là sức mạnh nội sinh của dân tộc. Di sản văn hóa cần được nhìn nhận như một bộ phận hữu cơ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Cổng làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Ảnh: Internet

Kinh tế và văn hóa là hai yếu tố tương tác, phụ thuộc và bổ sung cho nhau. Và do đó, việc bảo tồn di sản văn hóa không được cản trở, mà ngược lại, còn phải tạo ra động lực cho phát triển xét dưới góc độ tác động tới việc hình thành nhân cách con người và đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ trực tiếp cho phát triển.

Trong bối cảnh đô thị hóa và hội nhập, việc gìn giữ và phát huy những giá trị di sản văn hóa đặc sắc càng trở nên cấp bách. Bởi sức mạnh của một dân tộc bản chất là văn hóa. Mất đất, mất chủ quyền thì có thể lấy lại được nhưng mất văn hóa là mất hết ...

Giải quyết thật thỏa đáng mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa nói chung, giữa bảo tồn và phát triển nói riêng là vấn đề mang tính toàn cầu, được quan tâm ở tất cả các quốc gia, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển và hội nhập như Việt Nam.

Nhiều hoạt động chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam như “Tuần Văn hóa Du lịch Di sản xanh - Nơi gặp gỡ con người và thiên nhiên” lần thứ 2 diễn ra từ ngày 21-23/11, tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (Hà Nội). Đây là hoạt động tôn vinh giá trị văn hóa, góp phần tăng cường ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ di sản, cảnh quan thiên nhiên và môi trường. Nhiều di sản thiên nhiên của Việt Nam và thế giới được giới thiệu tới công chúng như Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình), Khu dự trữ sinh quyển Cát Tiên (Đồng Nai) ... TPHCM, Hà Nội và nhiều địa phương khác đã tổ chức chuỗi hoạt động Chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Trong đó Hà Nội tổ chức với chuỗi hoạt động với chủ đề 'Nguồn' nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống, thúc đẩy phát triển du lịch...

Ca khúc "Mời trầu" làm khán giả thêm yêu mến dân ca quan họ Bắc Ninh. Ảnh: Internet

Việt Nam là một quốc gia có 54 dân tộc anh em cùng sinh sống trên dải đất hình chữ S. Mỗi dân tộc góp vào nền văn hóa chung một sắc màu độc đáo, tạo nên một bức tranh về văn hóa Việt Nam phong phú và đa dạng. Xác định tầm quan trọng của di sản văn hóa dân tộc, sau ngày đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, chưa đầy 3 tháng, ngày 23 tháng 11 năm 1945, Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL “Ấn định nhiệm vụ của Đông Phương Bác cổ Học viện” - Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta về việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Sắc lệnh ra đời trong hoàn cảnh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ đang gặp vô vàn khó khăn về giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, đất nước đang ở trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.

Sắc lệnh số 65/SL gồm các nội dung cơ bản như:Khẳng định việc bảo tồn cổ tích “là công việc rất quan trọng và rất cần thiết cho công cuộc kiến thiết nước Việt Nam” (khái niệm “cổ tích” trong Sắc lệnh ngày nay được gọi là di sản văn hóa, gồm di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể)...Sắc lệnh số 65/SL tuy ngắn gọn, súc tích, ra đời đến nay đã 72 năm, nhưng phản ánh những tư tưởng, quan điểm rất cơ bản, sâu sắc của Nhà nước ta đối với việc bảo tồn di sản văn hóa, cho đến nay vẫn giữ nguyên ý nghĩa lý luận và thực tiễn, soi sáng cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của đất nước.

Xuất phát từ ý nghĩa đó, ngày 24/ 2/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg về việc hàng năm lấy ngày 23/11 là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”, nhằm “phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc”. Quyết định của Thủ tuớng Chính phủ xác định 5 yêu cầu của Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam là: Giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa trong toàn dân; Tăng cường ý thức trách nhiệm, niềm tự hào của những người làm công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng cùng kho tàng văn hóa đồ sộ, độc đáo trải dài 4000 năm lịch sử dân tộc, tất cả những điều đó góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia du lịch nổi tiếng thế giới với 22 di sản vật thể và phi vật thể được UNESCO vinh danh. Không chỉ có những di sản văn hóa đã được thế giới công nhận, mà hiện nay trên cả nước có khoảng trên 4 vạn di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh. Trong đó, có hơn 3 nghìn di tích được xếp hạng cấp quốc gia, hơn 5 nghìn di tích xếp hạng cấp tỉnh. Cộng thêm vào đó là gần 1 nghìn di sản phi vật thể được sưu tầm nghiên cứu, lưu trữ… Những năm qua, công cuộc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của dân tộc đã đạt được nhiều tiến bộ. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo vệ và phát huy giá trị, các nghệ nhân được tôn vinh, công tác xã hội hóa được tăng cường và thu hút được đông đảo các tổ chức và cá nhân tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, tăng cường giao lưu văn hóa trong quá trình hội nhập quốc tế , thúc đẩy phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tuy nhiên cũng đang có những bất cập trong bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa. Dù có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể nhưng giờ đây nhiều địa phương chưa coi trọng, bảo tồn mà chỉ trọng đến lợi ích, khai thác cạn kiệt các di sản văn hóa. Tiêu biểu là trường hợp hàng chục người dân ở làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) viết đơn kiến nghị trả lại danh hiệu di sản vì người dân phải sống trong những căn nhà tồi tàn, không được phép sửa chữa. Không ít lễ hội đã bị biến tướng, thương mại hóa, mất bản sắc văn hóa truyền thống. Kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản phải cân xứng, hài hòa với lợi ích của người dân. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể, nhất là các làng nghề truyền thống đang dần bị lụi tàn, mai một do không đủ sức tồn tại, cạnh tranh hoặc dễ bị phá hỏng vì du lịch. Do đó, Việt Nam cần có quy hoạch cụ thể từ bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch đến tổ chức quản lý, phát triển du lịch theo hướng phát triển bền vững, vừa đảm bảo lợi ích của người dân mà không làm mất đi các di sản văn hóa đó.

Vũ Xuân Bân

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/bao-ton-phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-viet-nam-58051