Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Chứt tại Phong Nha - Kẻ Bàng

Sinh sống lâu đời tại Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình), dân tộc Chứt hình thành và lưu giữ một kho tàng văn hóa đa dạng, phong phú. Trong quá trình tiếp biến, giao thoa văn hóa, những giá trị truyền thống người Chứt cần được bảo tồn để phát huy những giá trị đặc sắc của vùng đất Phong Nha - Kẻ Bàng.

Theo kết quả điều tra dân số năm 2009 của Tổng cục Thống kê, dân tộc Chứt có khoảng 6.022 người, cư trú tại 23 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Trong đó, Quảng Bình có 5.095 người, chiếm 84,6% tổng số người Chứt tại Việt Nam với các nhóm tộc người Mày, Rục, Sách, Arem, Mã Liềng có ngôn ngữ khác biệt để phân biệt giữa người Chứt với các dân tộc khác.

Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, vận động người Chứt định canh, định cư để ổn định cuộc sống như: Quản lý bảo vệ rừng, hỗ trợ làm nhà, công trình nước sạch, chăn nuôi và trồng trọt, hỗ trợ lương thực, phát triển nghề truyền thống... với mong muốn đồng bào có cuộc sống ổn định và đầy đủ hơn trước. Cho đến nay, người Chứt ở Quảng Bình đã có cuộc sống no đủ hơn, nhưng kèm theo đó đã nảy sinh tâm lý ỷ lại, có những bất cập trong cộng đồng bởi phương pháp tiếp cận của một số chương trình chưa thực sự quan tâm sâu sắc những phong tục, tập quán và giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Chứt, vô hình trung đã dần làm mất đi các giá trị văn hóa truyền thống của họ trong các hoạt động: quản lý bảo vệ rừng, canh tác...

Quảng Bình nằm trong khu vực đa dạng sinh học Bắc Trường Sơn, có hệ sinh thái động, thực vật đa dạng, độc đáo với nhiều nguồn gen quý hiếm. Phía Tây Quảng Bình nằm trong hệ thống Khu Bảo tồn thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, giáp Khu bảo tồn Hin Nậm Nô (nước bạn Lào), là nơi sinh sống của nhiều nhóm dân tộc ít người (Khùa, Mày, Sách, Rục, Ma coong, Arem, Vân Kiều, Chứt...), họ được xem như một chủ thể trong hệ sinh thái tự nhiên, tạo nên một bức tranh sinh thái và văn hóa đa dạng, nếu được khai thác tốt sẽ làm cho hệ thống du lịch Quảng Bình phong phú và có nhiều màu sắc hơn. Các phong tục tập quán, tín ngưỡng, nghi lễ truyền thống thường gắn bó chặt chẽ với rừng. Họ có rất nhiều lễ hội liên quan đến quản lý rừng: lễ hội Đập trống (Cúng thần rừng) của người Ma coong; lễ cúng thần cây to của người Chứt; lễ cơm mới, lễ cúng rừng trước mùa khai thác sản phẩm tự nhiên ở rừng…là những nét văn hóa đặc trưng có liên quan chặt chẽ đến rừng của các nhóm dân tộc ít người nơi đây.

Lễ cúng rừng của người Chứt. (Ảnh: TT)

Với đặc điểm tiềm năng đó có thể phục dựng và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc một cách chủ động bằng các dịch vụ du lịch cộng đồng trong vùng di sản. Tuy nhiên hiện nay, vai trò người dân khu vực này tham gia vào hoạt động du lịch rất ít. Vì vậy, trách nhiệm các bên tham gia khai thác tiềm năng trong vùng di sản cần quan tâm và chia sẻ lợi ích chung theo mô hình đồng quản lý, đồng khai thác và đồng hưởng dụng.

Văn hóa truyền thống của người Chứt là vấn đề cấp thiết cần được sự quan tâm của những người làm công tác phát triển, các nhà hoạch định chính sách, các nhà tài trợ, nhất là đối với các tổ chức hỗ trợ phát triển vùng di sản Phong Nha - Kẻ Bàng. Cần có được nguồn lực hỗ trợ, giải pháp tích cực duy trì, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống và giảm thiểu những tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, văn hóa của các cộng đồng dân tộc trong vùng di sản. Điều này không chỉ đáp ứng những nhu cầu cấp thiết trước mắt, mà còn giúp cho các chính sách tốt đẹp của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện theo đúng hướng phát triển bền vững, có hiệu quả.

Thiết nghĩ, các chương trình hỗ trợ phát triển, bảo tồn và du lịch cộng đồng hoặc các dự án đầu tư tại khu vực các dân tộc ít người sinh sống trong các vùng lõi, vùng đệm của khu vực Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cần quan tâm nhiều hơn đến các giải pháp từ gốc, cần lấy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc làm nền tảng để thúc đẩy sự phát triển của chính họ./.

Thanh Toàn

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/tu-tuong-van-hoa/bao-ton-phat-huy-cac-gia-tri-van-hoa-dan-toc-chut-tai-phong-nha-ke-bang-491565.html