Bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen - Bài cuối: Thúc đẩy chia sẻ nguồn gen

Việc bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen, cũng như chia sẻ nguồn gen rất quan trọng trong bối cảnh phát triển và hội nhập giữa các quốc gia.

Chú trọng bảo tồn nguồn gen

Giống gà quý Đông Tảo cần được bảo tồn và phát triển. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Giống gà quý Đông Tảo cần được bảo tồn và phát triển. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Trong bối cảnh bùng nổ dân số và sự thay đổi không thuận lợi của môi trường, an toàn lương thực và thực phẩm là mối quan tâm hàng đầu của thế giới hiện nay. Vì vậy, việc lưu giữ, bảo tồn và phát triển các nguồn gen đặc trưng, quý hiếm rất quan trọng.

Trong báo cáo kế hoạch toàn cầu về hoạt động để bảo tồn nguồn di truyền động vật được phê chuẩn với sự tham gia của 129 nước, sự thống nhất giữa các quốc gia có vai trò quan trọng trong việc thiết lập mạng lưới bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen một cách có hiệu quả. Những nỗ lực hợp tác đa quốc gia để bảo tồn nguồn gen vật nuôi toàn cầu cũng được thể hiện rõ ràng.

Ngân hàng thông tin toàn cầu về nguồn di truyền động vật của 205 nước trên thế giới đã được xây dựng và cập nhật thường xuyên - Đây là cơ sở dữ liệu quan trọng cung cấp thông tin về giống. Bên cạnh đó, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đã đánh giá về tình trạng đa đạng di truyền trên toàn thế giới với trọng tâm chính là số lượng giống các loài vật nuôi chính được sử dụng trong lương thực và nông nghiệp. Theo đó, tỉ lệ giống được phân loại "nguy cấp" tăng từ 15 - 17% trong thời gian từ năm 2006-2014, giống được xếp loại không nguy cấp giảm từ 21% xuống 18%, tỉ lệ giống "tuyệt chủng" duy trì ở mức 7%...

Đối với công tác bảo tồn và phát triển nguồn gen cây thuốc, theo Tổ chức Y tế thế giới, đến nay, trên 80% dân số thế giới sử dụng thuốc có nguồn gốc từ cây cỏ trong chăm sóc sức khỏe ban đầu. Chính nguồn tài nguyên cây thuốc là nguồn cung cấp nguyên liệu để nghiên cứu và tạo ra các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng và nguyên liệu phục vụ chăm sóc sức khỏe và phát triển kinh tế xã hội.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho biết: Đối với công tác lưu giữ, bảo tồn và phát triển nguồn gen, Hiệp định khung ASEAN về tiếp cận và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích có được từ việc sử dụng nguồn gen và tài nguyên sinh học đã được thông qua tại phiên họp thứ 14 của Tổ công tác ASEAN về Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng Sinh học AWGNCB).

Các bên tham gia Hiệp định đều khẳng định cam kết thực hiện các mục tiêu và mục đích của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) trên tinh thần bình đẳng, hữu nghị và vì một cộng đồng ASEAN năng động, đoàn kết, kiên cường và thống nhất.

Các bên đều nhận thức rõ các quốc gia thành viên ASEAN có hệ sinh thái được đánh giá là đa dạng nhất trên thế giới nơi mà các nước thành viên có chung một lợi ích; đồng thời, nhận thức được giá trị của nguồn gen và tài nguyên sinh học trong quá trình sản xuất, hợp chất và các chất ứng dụng trong y học, công nghiệp, nông nghiệp và các ngành liên quan khác... do đó việc chia sẻ nguồn gen nhằm giảm đáng kể mức tổn thất đa dạng sinh học và phải đảm bảo tính bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Xây dựng cơ sở dữ liệu, chia sẻ nguồn gen

Kiểm tra mô hình trồng nấm Linh chi bán tự nhiên dưới tán rừng tại Vườn quốc gia Phước Bình (Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN

Việc bảo tồn nguồn gen, đặc biệt là nguồn gen động, thực vật quý hiếm là vấn đề cấp bách, có tính chất toàn cầu. Vì vậy, thông tin về việc bảo tồn cần được trao đổi, tuyên truyền rộng rãi để mọi người ý thức được trách nhiệm trong việc bảo vệ và chia sẻ quyền lợi hợp pháp, lâu dài nguồn gen một cách hiệu quả. Đồng thời, chú trọng việc xây dựng một trung tâm bảo tồn nguồn gen quốc gia đối với vật nuôi, cây trồng...

Việc chia sẻ nguồn gen không chỉ cần thiết cho hệ thống bảo tồn, lưu giữ nguồn gen cả nước mà còn rất cần cho các nhà khoa học, nhà sản xuất khi có nhu cầu. Bên cạnh đó, việc trao đổi thông tin, chia sẻ nguồn gen với các nước trên thế giới nhằm phối hợp để bảo vệ nguồn gen và bổ sung thêm các vật liệu di truyền cung cấp cho các chương trình lai tạo, chọn giống, tạo ra các giống mới và các sản phẩm giống có chất lượng cao.

Hiện nay, một số nguồn gen như: Vật nuôi, thực vật nông nghiệp… đã xây dựng được website riêng nhằm quảng bá và hòa nhập với thế giới. Một số phần mềm chuyên dụng đã được đưa vào sử dụng nhằm cung cấp thông tin về các nguồn gen. Đặc biệt, hệ thống cơ sở dữ liệu về nguồn gen đang được chuẩn hóa và thống nhất trong toàn bộ hệ thống bảo tồn nguồn gen quốc gia. Hiện nay, website về “Tài nguyên di truyền thực vật Việt Nam” tại địa chỉ http://prc.org.vn được vận hành ổn định, mỗi tháng có khoảng 4.500 lượt truy cập. Đối với hệ thống bảo tồn nguồn gen và giống cây thuốc, vật nuôi cũng đang từng bước hoàn thiện website để cập nhật, chia sẻ thông tin về nguồn gen.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho rằng: Việc trao đổi, chia sẻ thông tin về nguồn gen không chỉ cần thiết cho các cơ quan nằm trong hệ thống bảo tồn, lưu giữ nguồn gen của cả nước mà còn cần thiết cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cũng như các quốc gia khác trên thế giới. Đặc biệt, các nguồn gen bản địa, quý hiếm có giá trị kinh tế cần được trao đổi thông tin, tuyên truyền rộng rãi để cộng đồng cùng bảo vệ và chia sẻ nguồn gen hiệu quả trong nước cũng như trên thế giới.

Thứ trưởng Phạm Công Tạc nhấn mạnh: Thời gian tới, phải tạo hệ thống quản lý tập trung dữ liệu về nguồn gen quốc gia được xây dựng và thống nhất trong toàn quốc. Đồng thời, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về nguồn gen động vật, thực vật và vi sinh vật; Tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức trong công tác bảo tồn nguồn gen; Hoàn thiện khung pháp lý bảo tồn nguồn gen… Bên cạnh đó, cần đánh giá tiềm năng di truyền của một số nguồn gen có giá trị khoa học và kinh tế, giải mã và xây dựng bản đồ gen của một vài nguồn gen đặc hữu, quý hiếm, có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, chú trọng khai thác và phát triển nhanh, mạnh các nguồn gen thành sản phẩm thương mại, các nguồn gen có giá trị kinh tế, y tế và khoa học để tạo sản phẩm chủ lực địa phương, sản phẩm quốc gia.

HL (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/bao-ton-khai-thac-va-phat-trien-nguon-gen-bai-cuoi-thuc-day-chia-se-nguon-gen-20200129144642576.htm