Bảo tồn dược liệu quý

Việt Nam là một trong những quốc gia có nguồn tài nguyên thực vật phong phú và đa dạng. Cộng đồng 54 dân tộc đang sở hữu những kinh nghiệm quý báu trong việc sử dụng các loài cây cỏ sẵn có để làm thuốc chữa bệnh và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Nghiên cứu, bảo tồn nguồn gen dược liệu quý hiếm.

Thống kê cho thấy, nước ta có hơn 5.000 loài cây thuốc nhưng trải qua thời gian dài khai thác và không chú trọng bảo vệ nguồn gen, nên nguồn dược liệu đã và đang bị cạn kiệt. Hiện 144 loài cây thuốc được xếp vào diện quý hiếm cần bảo tồn khẩn cấp.

1. Dọc dài đất nước, từ Bắc chí Nam, từ Móng Cái (Quảng Ninh) cho tới đất mũi Cà Mau, đâu đâu cũng có thể gặp những loại dược liệu quý. Riêng vùng đất Tây Nguyên với lợi thế về thổ nhưỡng và khí hậu các nhà khoa học đã phát hiện số loài cây thuốc lên tới 922 loài. Tuy nhiên, thực tế còn nhiều hơn như vậy. Các nhà nghiên cứu Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam ước tính, số lượng các loài cây thuốc có ở Tây Nguyên có thể lên tới 1.500 loài. Đây là tiềm năng về cây thuốc rất lớn để phát triển dược liệu ở Việt Nam. Tuy nhiên để khai thác được nguồn tài nguyên quý giá này cần phải có chiến lược bảo tồn và phát triển hiệu quả.

Song, thực tế nhiều năm qua, các loài dược liệu bị khai thác một cách triệt để, thương lái trong và ngoài nước thu mua ồ ạt với khối lượng lớn, liên tục trong nhiều năm dẫn đến nguồn dược liệu trong nước nhanh chóng cạn kiệt. Những loài bị thu mua nhiều nhất là lan kim tuyến, vàng đắng, thổ phục linh, bình vôi… Bên cạnh đó, còn một nguyên nhân khác dẫn tới việc các loài thực vật nói chung và cây thuốc nói riêng bị đe dọa tuyệt chủng còn là sự mở rộng diện tích trồng cây công nghiệp. Mỗi năm có hàng ngàn ha rừng bị chặt phá để làm nương trồng cà phê, hồ tiêu, cao su, ca cao… Tiếp đó là sự tăng dân số, di dân tự do, đô thị hóa nông thôn khiến cho các loài thực vật nói chung và cây thuốc nói riêng không còn nơi sinh sống.

TS Phạm Thị Huyền- Trưởng khoa Tài nguyên Dược liệu (Viện Dược liệu) cho biết, hiện nay sâm ngọc linh gần như không tìm được trong tự nhiên. Những hoa nằm trong Sách Đỏ Việt Nam cũng bị người dân khai thác quá mức. Một số thuốc khác hiện nay như Lan kim tuyến mặc dù nằm trong sách đỏ, nhưng người dân một số tỉnh như Lai Châu, Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Nghệ An... vẫn vào rừng khai thác bán cho các thương lái.

Bảo vệ nguồn dược liệu bằng cách hướng dẫn bà con chỉ thu hái phần lá và ngọn cây, bảo vệ gốc.

2. Để ngăn chặn nhiều loại cây dược liệu khỏi nguy cơ tuyệt chủng đồng thời bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu quý, đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng tăng hiện nay, nhiều ban ngành đã phối hợp cùng với các địa phương tuyên truyền, vận động bà con chung tay bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu quý hiếm.

Đơn cử như ở Vườn quốc gia Cát Bà - nơi sinh sống của hơn 1.000 loài cây dược liệu quý - đã có những chính sách để bảo tồn những giống cây dược liệu quý hiếm. Thạc sĩ Vũ Hồng Vân và các cộng sự đã tiến hành nghiên cứu, tổng kết thành công kỹ thuật nhân giống và xây dựng mô hình trồng thử nghiệm 4 loại cây gồm xạ đen, lá khôi, bình vôi và lan một lá tại vườn quốc gia Cát Bà.

Hay như ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu (Thanh Hóa) hiện cũng đang triển khai Dự án khoa học “Điều tra, bảo tồn và phát triển hai loài cây ba kích và sa nhân tím tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu” nhằm bảo tồn nguồn gen cây dược liệu quý, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ các loại cây dược liệu. Đây là việc làm vô cùng cần thiết trước thực tế tại một số địa phương, việc khai thác vô tội vạ, mở rộng diện tích trồng cây công nghiệp, đô thị hóa nông thôn…đã làm cho các loài cây thuốc quý không còn nơi cư trú.

Bên cạnh đó, Viện Dược liệu cũng triển khai các vùng trồng dược liệu. Từ năm 1988, Viện Dược liệu được giao nhiệm vụ đầu mối trong việc bảo tồn nguồn gen và giống cây thuốc ở Việt Nam. Từ đó đến nay đã bảo tồn và lưu giữ được gần 1.000 loài cây dược liệu ở các vùng sinh thái khác nhau và hiện đang bảo tồn khoảng 1.531 nguồn gen.

Bên cạnh sự vào cuộc của các nhà khoa học, cơ quan chức năng thì cũng có không ít lương y tâm huyết đang tìm mọi phương pháp để bảo tồn, nhân giống những loài cây thuốc này. Đó là ông Nguyễn Văn Cư- Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Bắc Kạn – người gần như dành cả cuộc đời cho ngành y và việc bảo tồn, nhân giống những loài dược liệu quý. Ông đã có công phục hồi cây ban lá dính. Để tìm được giống cây này, ông cùng một số lương y địa phương lên tận vùng rừng núi vùng hồ Ba Bể tìm kiếm, đánh gốc về trồng lấy hạt nhân giống. Việc trồng được cây ban lá dính là cả một kỳ công, nhưng cuối cùng ông cũng thành công.

Được biết, Chính phủ đã phê duyệt chương trình bảo tồn và giữ bền vững nguồn gen đến năm 2020. Nếu thực hiện tốt, Việt Nam sẽ bảo tồn được nguồn gen quý hiếm, cũng như tạo ra những vùng nguyên liệu để bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu.

Thu Huyền

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dan-toc/bao-ton-duoc-lieu-quy-tintuc418856