Bảo tồn động vật hoang dã: Chính sách thiếu, kiến thức yếu

Tình trạng gia tăng các hoạt động săn bắt, buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã (ĐVHD) tại Việt Nam đã khiến nhiều loài động vật đã tuyệt chủng hoặc gần tuyệt chủng. Ngoài các niềm tin lệch lạc về các sản phẩm từ ĐVHD, một số chính sách liên quan đến công tác cứu hộ, bảo tồn ĐVHD còn khiếm khuyết thì nguồn nhân lực và kiến thức còn yếu trong việc bảo tồn nhiều loại ĐVHD cũng là những thách thức hàng đầu hiện nay trong công tác bảo tồn.

Chính sách thiếu và chồng chéo

Chia sẻ thông tin trong một buổi tập huấn kiến thức về bảo vệ ĐVHD, ông Bùi Đăng Phong- Phó giám đốc Dự án Phòng chống buôn bán trái phép các loài động thực vật hoang dã - USAID cho biết loài Bò xám từ năm 1995 đến nay không còn thông tin gì về loài này, loài rùa Batagur thì được xác định là đã tuyệt chủng trong tự nhiên của Việt Nam, hay loài tê giác một sừng đã bị tuyệt chủng năm 2010. Một số loài được cho là gần như tuyệt chủng ngoài thiên nhiên như loài Giải Swinhoei, loài rùa Trung bộ, loài Sao la…

Phong cảnh hùng vĩ tại Rừng quốc gia Nam Cát Tiên

Thách thức về hệ thống quy định pháp luật trong công tác bảo tồn, theo ông Bùi Đăng Phong có thể thấy do chính sách chưa hoàn thiện, thiếu cơ chế, chế tài, chồng chéo về quy định. Chưa rõ ràng trong phân công trách nhiệm giữa các bên quản lý như chưa thực sự rạch ròi về trách nhiệm, chức năng và nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp và chức năng nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về bảo tồn đa dạng sinh học. Không những vậy, công tác giáo dục tuyên truyền về luật pháp, chính sách của nhà nước về bảo vệ các loài nguy cấp, phòng chống săn bắn, vận chuyển, buôn bán trái phép ĐVHD tại các địa phương chưa được triển khai mạnh mẽ và liên tục. Các hoạt động gây nuôi sinh sản, tăng trưởng ĐVHD tại các địa phương chưa được quản lý tốt, dễ bị lợi dụng…

Về công tác cứu hộ, Tiến sĩ Bạch Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm Cứu hộ bảo tồn phát triển sinh vật (CHBTPTSV) Cát Tiên cho rằng các quy trình, quy chuẩn tiêu chuẩn chăm sóc cứu hộ còn thiếu và chưa được thể chế hóa đầy đủ. Thủ tục tiếp nhận còn nhiều bất cập, qua nhiều khâu thủ tục, hồ sơ giấy tờ, qua nhiều cơ quan chức năng, thời gian lưu giữ động vật để hoàn thiện các thủ tục pháp lý dài ảnh hưởng xấu đến sự sống của ĐVHD.

Nhân lực còn thiếu và yếu

Cứu hộ động vật tại Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên

Hệ thống các Trung tâm Cứu hộ ĐVHD ở Việt Nam hiện chủ yếu tập trung tại các Vườn quốc gia. Tuy nhiên, nguồn lực kinh phí, nhân lực, trang thiết bị, hệ thống cơ sở vật chất chuồng trại… còn hạn chế. Tiến sĩ Bạch Thanh Hải cho biết từ đầu năm 2019 đến nay Trung tâm CHBTPTSV Cát Tiên đã tiếp nhận 125 cá thể ĐVHD được các cơ quan chức năng tịch thu từ các hoạt động buôn bán và nuôi nhốt ở các hộ gia đình bất hợp pháp. Khu cứu hộ các loài linh trưởng nguy cấp Đảo Tiên rộng 58 ha đang cứu hộ 38 con vượn đen má vàng, vượn đen má trắng, chà vá chân đen và 18 con culi; Khu cứu hộ các loài gấu rộng 12 ha đang cứu hộ 40 con gấu ngựa và gấu chó;… Một thực tế về nhân sự của công tác cứu hộ là nhiều kiến thức về một số ĐVHD còn hạn chế, ví dụ như kiến thức về cứu hộ, chăm sóc loài tê tê không nhiều người biết. Hoặc trong quá trình kiểm tra, thu giữ các cá thể ĐVHD việc thiếu kiến thức chăm sóc dễ ảnh hưởng đến sự sống của chúng.

Để giải quyết vấn đề này, Tiến sĩ Bạch Thanh Hải đề xuất tăng cường công tác tập huấn nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho các Trung tâm cứu hộ, cơ sở bảo tồn và các cơ quan thực thi pháp luật liên quan đến ĐVHD. Đồng thời xây dựng các định mức, quy trình, quy chuẩn chuồng trại trong việc chăm sóc cứu hộ tái thả ĐVHD, cũng như đơn giản hóa các thủ tục pháp lý trong tiếp nhận, giám định mẫu vật và tái thả ĐVHD.

Khu cứu hộ gấu ngựa, gấu chó rộng 12 ha ở Nam Cát Tiên

Ông Phạm Hồng Lượng- Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên cho biết nơi đây hiện có 1.615 loài thực vật và 1.500 loài động vật. Hệ thú gồm 103 loài, trong đó có 39 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam và danh lục đỏ của IUCN; Hệ chim và bò sát có 431 loài, có 54 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam và danh lục đỏ của IUCN… Ngoài ra, Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Cát Tiên hiện đang tiếp nhận các ĐVHD bị săn bắn, buôn bán và nuôi trái phép, chăm sóc và phục hồi chức năng cho chúng sau đó tái thả về tự nhiên.

Từ đầu năm 2019 đến nay Trung tâm CHBTPTSV Cát Tiên đã tiếp nhận 125 cá thể ĐVHD được các cơ quan chức năng tịch thu từ các hoạt động buôn bán và nuôi nhốt ở các hộ gia đình bất hợp pháp. Khu cứu hộ các loài linh trưởng nguy cấp Đảo Tiên rộng 58 ha đang cứu hộ 38 con vượn đen má vàng, vượn đen má trắng, chà vá chân đen và 18 con culi; Khu cứu hộ các loài gấu rộng 12ha đang cứu hộ 40 con gấu ngựa và gấu chó… Những con gấu ngựa, gấu chó bị nuôi nhốt để lấy mật, khi được đưa về Trung tâm CHBTPTSV Cát Tiên đều trong tình trạng stress nặng. Hiện tại gấu chó và gấu ngựa đang được Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng trong điều kiện bán tự nhiên, để chúng dần thích nghi với môi trường sống hoang dã trước khi được tái thả. Trong lúc nhân sự trong công tác bảo vệ, bảo tồn ĐVHD thiếu như hiện nay, theo Tiến sĩ Bạch Thanh Hải rất cần có nhiều chương trình khuyến khích người dân chủ động giao nộp ĐVHD hoặc tái thả về tự nhiên.

Bảo Hạnh

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/bao-ton-dong-vat-hoang-da-chinh-sach-thieu-kien-thuc-yeu-20191218070618941.htm