Bảo tồn di sản văn hóa trước biến đổi khí hậu: Việt Nam có thể học hỏi gì từ kinh nghiệm ở một số nước?

Trên khắp thế giới, vô số các di sản văn hóa và lịch sử phải đối mặt với lũ lụt, xói mòn và ngập lụt do nước biển dâng. Các nhà quản lý chính sách cần phải có những biện pháp kịp thời và hiệu quả trước nguy cơ nhiều di sản văn hóa và lịch sử thế giới đang bị đe dọa.

Theo trang The Conversation, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc gần đây đã báo cáo rằng trong 30 năm tới lũ lụt ở thành phố Venice (Italy) sẽ còn tiếp tục tăng lên. Dự báo, lũ lụt nghiêm trọng sẽ xảy ra thường xuyên 6 năm một lần vào năm 2050 và 5 tháng một lần vào năm 2100.

Ảnh minh họa. Nguồn: Getty Image

Ảnh minh họa. Nguồn: Getty Image

Thành phố Venice chỉ là một ví dụ điển hình về những thách thức trong quá trình bảo tồn các di sản đang bị đe dọa trước tác động của biến đổi khí hậu, chẳng hạn như nước biển dâng lên trong khi hạn hán, bão và cháy rừng tái diễn gia tăng. Trong nghiên cứu, những nhà khoa học xã hội đã giúp các nhà quản lý di sản đưa ra những quyết định khó khăn, đặt ưu tiên tiết kiệm lên hàng đầu khi chi phí và thời gian đều rất hạn chế.

Theo tác giả bài viết Jo Adetunji, các quốc gia cần báo cáo thông tin về di sản văn hóa và tự nhiên thế giới đang bị đe dọa. Hiện tại nhiều công viên quốc gia Mỹ cũng đang đối mặt với rủi ro tương tự.

"Thành công sẽ đòi hỏi những tư duy mới về hoạt động bảo tồn", tác giả Jo Adetunji nhận định.

Nhiều cách thích nghi

Trên khắp thế giới, vô số địa điểm văn hóa phải đối mặt với lũ lụt, xói mòn và ngập lụt liên quan đến bão do nước biển dâng. Rất nhiều những điểm đến nổi tiếng ở Mỹ như Đảo Jamestown ở Virginia, Tượng Nữ thần Tự do ở New York và Charleston, Khu Lịch sử của Nam Carolina cũng chịu ảnh hưởng.

Các chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa trên khắp thế giới khẳng định không thể bảo vệ tất cả những điểm đến này mãi mãi. Một số ý kiến cho rằng các di sản cần phải phục hồi liên tục. Các quốc gia cần có thể đưa ra những biện pháp bảo vệ như tường biển và cửa xả lũ nhưng những biện pháp phòng thủ đó có thể không hiệu quả lâu dài.

Một số điểm di sản có thể được bảo vệ theo cách nâng cao hoặc di chuyển các ngôi nhà, hoặc cho phép chúng bị hư hại, hoặc di dời khỏi cảnh quan. Các biện pháp như vậy vượt ra ngoài khả năng phục hồi, có thể gây ra mâu thuẫn với sứ mệnh bảo tồn vĩnh viễn các di tích và cấu trúc.

Bảo tồn những ngôi nhà lịch sử ở Bắc Carolina

Một phương pháp thử nghiệm ban đầu trong quá trình bảo tồn di sản là vào năm 1999 khi sự cố xói mòn liên tục xảy ra ở bờ biển Bắc Carolina đã khiến các nhà chức trách phải di chuyển Ngọn hải đăng Cape Hatteras và Bảo tàng Keeper's Quarters tại Mỹ vào đất liền. Quá trình di dời các công trình kiến trúc từ giữa thế kỷ 19 đã tiêu tốn 11,8 triệu đô la Mỹ, buộc giới chức trách phải đưa ra những phương pháp tiếp cận khác để xử lý những ngôi nhà lịch sử khác đang bị hư hại.

Vào năm 2015, các nhà quản lý tại Bờ biển quốc gia Cape Lookout National Seashore thuộc bang North Carolina, Mỹ đã phát hiện rất nhiều ngôi nhà ở làng Portsmouth và làng Cape Lookout đối mặt với rủi ro cao bởi lũ lụt và nước biển dâng do bão. Những ngôi nhà này đã liệt kê trong Sổ đăng ký Địa điểm Lịch sử Quốc gia, yêu cầu các nhà quản lý phải bảo tồn vĩnh viễn. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa thể tìm ra cách để bảo tồn di sản lịch sử này. Một số biện pháp đưa ra, chẳng hạn như di chuyển hoặc thậm chí dỡ bỏ các ngôi nhà nhằm tối đa hóa ý nghĩa của việc bảo tồn cảnh quan của công viên.

Các nhà nghiên cứu cũng đã phát triển quy trình định lượng tầm quan trọng tương đối của các ngôi nhà lịch sử. Sau đó, nhóm đã tạo ra công cụ lập kế hoạch để giúp các nhà quản lý Dịch vụ Công viên Quốc gia đưa ra quyết định tiết kiệm chi phí. Quá trình triển khai tổng hợp dữ liệu về tầm quan trọng và mức độ hư hại của mỗi ngôi nhà, đánh giá chi phí thích ứng, chẳng hạn như nâng cao hoặc di dời ngôi nhà dựa trên kinh phí sẵn có và lập biểu đồ các chiến lược khả thi trong khoảng thời gian 30 năm.

"Khi thử nghiệm mô hình này trên 17 ngôi nhà ở Cape Lookout đang bị hư hại bởi lũ lụt, chúng tôi nhận thấy cách tốt nhất là nâng lên tại chỗ hoặc di chuyển những ngôi nhà lên vùng đất cao hơn rồi nâng chúng lên. Tuy nhiên, quá trình di chuyển sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương xung quanh", nhóm nghiên cứu cho biết.

Các di sản thế giới đối mặt với thách thức bởi biến đổi khí hậu

Những phát hiện này đã truyền cảm hứng cho nhóm nghiên cứu tìm ra các phương pháp bảo tồn di sản, đặc biết chú trọng nguyên tắc lấy con người làm trung tâm cũng như tuân thủ chính sách quốc tế quản lý di sản văn hóa và lịch sử. Biến đổi khí hậu đã đe dọa rất nhiều di sản văn hóa và lịch sử trên thế giới. Một số địa điểm khảo cổ như thành phố gạch nung lớn nhất trên Trái đất Chan Chan của Peru và những ngôi nhà trên vách đá của tổ tiên Pueblo ở Công viên Quốc gia Mesa Verde của Colorado đều bị ảnh hưởng. Ngoài ra, rất nhiều thành phố - bao gồm cả Venice - và các tòa nhà lịch sử như Nhà hát Opera Sydney của Úc cũng đang đối mặt với nhiều khả năng hư hỏng.

Các khuyến nghị chính sách hiện tại tập trung vào khôi phục và bảo tồn nhưng phản đối thay đổi vật lý.

Trên thực tế, quy trình duy nhất tồn tại là liệt kê thêm các điểm di sản đang trải qua thay đổi vật lý vào Danh sách Di sản Thế giới đang gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, việc thêm một địa điểm vào danh sách "nguy hiểm" là điều không mong muốn của các nhà chức trách.

Nghiên cứu kêu gọi cách tiếp cận chủ động hơn, bao gồm cả những nỗ lực kịp thời nhằm ngăn chặn thiệt hại, bổ sung thêm một danh mục mới : "Những Di sản Thế giới trong Biến đổi Khí hậu."

Cụ thể là khả năng tồn tại theo hướng thay đổi và thích nghi. Điều đó cho phép các nhà quản lý sửa chữa, điều chỉnh hoặc thậm chí thay đổi ở những điểm đến dễ bị tổn thương. Việc phân loại mới này sẽ đặt cộng đồng người dân vào trung tâm của quá trình lập kế hoạch và tạo ra một cơ sở dữ liệu có thể tìm kiếm về các tác động và ảnh hưởng của khí hậu.

"Bây giờ là lúc để chúng ta suy nghĩ sáng tạo hơn, kêu gọi các ý kiến đóng góp từ những nhà quản lý di sản để đưa ra cách tiếp cận mới nhằm bảo vệ di sản", tác giả viết./.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/bao-ton-di-san-van-hoa-truoc-bien-doi-khi-hau-viet-nam-co-the-hoc-hoi-gi-tu-kinh-nghiem-o-mot-so-nuoc-20230531105452763.htm