Bảo tồn di sản văn hóa trong thời hội nhập

Nước ta có hệ thống di sản văn hóa phong phú, lâu đời, thu hút bạn bè khắp năm châu đến khám phá. Thế nhưng trong cơn lốc hội nhập quốc tế, những giá trị di sản đang dần mai một và biến dạng, đòi hỏi những giải pháp cấp bách để dung hòa giữa giao lưu phát triển và giữ gìn, phát huy di sản cha ông.

Đi tìm lời giải cho vấn đề này, vừa qua, tại TP Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo “Hội nhập quốc tế về bảo tồn - Cơ hội và thách thức cho các giá trị di sản văn hóa”.

Theo Thạc sĩ Phan Đình Dũng, Trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh, di sản văn hóa của Việt Nam hiện nay khá đa dạng, thể hiện trên nhiều loại hình từ văn hóa vật thể đến phi vật thể. Di sản văn hóa nước ta là nguồn tài nguyên dồi dào, tiềm năng và lợi thế để phát triển, đặc biệt khi đẩy mạnh phát triển du lịch trong xu thế hội nhập sâu rộng với thế giới.

Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nước ta có hơn 40.000 di tích văn hóa đã được kiểm kê, 3.400 di tích quốc gia, 95 di tích quốc gia đặc biệt, hơn 140 bảo vật quốc gia, gần 230 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 26 di sản được UNESCO vinh danh...

Tiến sĩ Đinh Xuân Khuê, Đại học Nguyễn Huệ cho rằng, so với trước đây, hội nhập quốc tế hiện nay diễn ra trong điều kiện tồn tại quá nhiều bất bình đẳng, nhiều bất công và còn bị chi phối áp đặt của các nước lớn. Do đó, quá trình này đặt ra rất nhiều thách thức với các nước yếu thế, trong đó có Việt Nam.

Quần thể di tích Cố đô Huế.

Thông qua việc mở rộng và hội nhập quốc tế, làn sóng văn hóa bên ngoài du nhập vào nước ta. Không ít người, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên, có biểu hiện coi nhẹ hoặc thờ ơ với các giá trị di sản văn hóa dân tộc để chạy theo làn sóng ngoại lai mới mẻ.

Họ sùng bái K-pop, nhạc phương Tây, phim ảnh nước ngoài, thuộc làu lịch sử nước người... mà dửng dưng với loại hình nghệ thuật truyền thống hoặc mù mờ về lịch sử nước nhà. Nhiều sản phẩm văn hóa của nước ngoài không phù hợp với văn hóa Việt Nam nhưng vẫn ngang nhiên tràn vào, làm xói mòn lối sống, đạo đức cũng như hủy hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời gian qua cũng nổi lên một số hiện tượng đáng quan tâm, gây bức xúc trong xã hội. Trong xu thế mở rộng hội nhập quốc tế và phát triển nền kinh tế thị trường, người ta đặt lợi ích kim tiền lên hàng đầu mà không quan tâm đến xử lý thỏa đáng nhu cầu bảo tồn di sản văn hóa khi triển khai các dự án kinh tế. Lượng du khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng khiến chúng ta khai thác quá đà và thương mại hóa các giá trị di sản.

Rất nhiều di tích, danh lam thắng cảnh bị xâm hại như việc đổ đất lấn biển trong vùng di sản Hạ Long để xây dựng các khu du lịch, khu đô thị; việc mở tuyến du lịch mới trong Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng...

Một số nơi lấy danh nghĩa tôn tạo, trùng tu di sản, di tích văn hóa hoặc phát triển du lịch khiến nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử bị xâm hại, biến dạng, thu hẹp làm mất đi bản sắc nguyên sơ. Hàng trăm cổ vật giá trị ở đền chùa, di tích bị đánh cắp và trở thành mặt hàng thu lại lợi nhuận kếch xù của bọn tội phạm quốc tế. Lễ hội truyền thống thì bị mai một, lộn xộn, thiếu tôn nghiêm, thậm chí bị biến tướng thành nơi buôn thần bán thánh, tranh cướp lộc, ẩu đả....

Việc các di tích độc lập hay trong quần thể di sản văn hóa nói chung đề nghị trả lại “danh hiệu di sản” trong thời gian qua đã xảy ra. Có thể kể đến vụ người dân làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), khu phố cổ Đồng Văn (Hà Giang) ký đơn xin trả lại danh hiệu di tích vì họ là chủ sở hữu nhưng không được hưởng lợi lộc gì, trong khi phải è lưng gánh đủ thứ trách nhiệm và gò bó trong không gian chật hẹp, không được phép sửa chữa, cơi nới... nếu không có sự đồng ý của chính quyền các cấp.

Danh hiệu của việc xếp hạng di tích là vinh dự của cộng đồng nhưng cách thức quản lý để người dân hay chủ sở hữu “đứng ngoài” quyền sở hữu chính đáng của mình và không có tiếng nói trong quản lý là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nhức nhối trên.

Phải thừa nhận rằng hội nhập quốc tế là một xu thế khách quan, phản ánh tiến trình phát triển đi lên của nhân loại mà khó quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc nếu không muốn thụt lùi. Đối với lĩnh vực văn hóa, hội nhập quốc tế đã và đang mở ra nhiều cơ hội để chúng ta phát huy giá trị văn hóa dân tộc và mở rộng tiếp thu văn hóa nhân loại. Nhưng làm sao để “hòa nhập mà không hòa tan” là cả một vấn đề nan giải.

PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Trường Đại học Sài Gòn: Bảo tồn tốt bắt nguồn từ việc kiểm kê tốt

Đứng trước thách thức “không gian sinh thành, tồn tại tự nhiên” của di sản văn hóa phi vật thể như âm nhạc đang dần mất đi khi đời sống xã hội đang dần hiện đại hóa, đang dần toàn cầu hóa và công nghệ hóa, việc kiểm kê là để kịp thời nắm bắt được tình hình tồn tại của di sản, để bảo vệ di sản.

Kiểm kê không phải là làm di sản văn hóa phi vật thể âm nhạc trở thành những tư liệu được “cấp đông”, giữ lại trong kho dữ liệu âm thanh hay thư viện âm thanh, bảo tàng âm thanh. Kiểm kê phải được thực hiện từ cộng đồng chủ thể di sản, tạo nhận thức giá trị di sản và ý thức bảo vệ.

Để cứu vãn một thể loại âm nhạc dân gian không còn khả năng tồn tại trong đời sống hiện nay, chuỗi công việc được thực hiện thông thường là từ công việc kiểm kê gồm: sưu tầm, thu thanh - thu hình, ký âm, nghiên cứu, viết tài liệu chuyên khảo... hoặc phục dựng - biểu diễn và thu hình, thu thanh lại.

PGS. TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm.

Tuy nhiên, bảo tồn di sản trong đời sống xã hội không chỉ dừng lại ở những tư liệu, ngân hàng dữ liệu, tài liệu chuyên khảo hay các đĩa hình, đĩa tiếng... mà còn là hoạt động giáo dục, phổ biến, giới thiệu những giá trị của di sản, đưa di sản vào đời sống của chính chủ thể di sản.

Bằng việc kiểm kê của cộng đồng chủ thể di sản, cần kiểm kê cả những yếu tố mang tính môi trường, điều kiện thực hành di sản và tạo ý thức bảo vệ di sản khỏi sự mai một bằng việc “bảo tồn sống” ngay trong đời sống của cộng đồng chủ thể.

Như vậy, đối với mỗi thể loại di sản âm nhạc lại có cách bảo tồn khác nhau vì mỗi di sản được sinh ra trong môi trường, cộng đồng khác nhau. Với Ca Trù là làm sao để đưa ra khỏi tình trạng “cần phải bảo vệ khẩn cấp”, còn với Đờn ca tài tử thì cách thức bảo vệ không khẩn cấp nhưng nguy cơ chuyển hóa, biến đổi cũng không hề nhỏ.

Hơn 300 năm tồn tại, âm nhạc kinh viện châu Âu không chỉ được xem là một di sản văn hóa mà nay đã trở thành “nền âm nhạc” của nhiều nước trên thế giới. Vì sao? Nếu bỏ ra ngoài tính chuyên nghiệp của thể loại âm nhạc kinh viện, điều cần thấy rõ là sự tồn tại của nó gắn liền với “thiết chế” quan trọng: các nhạc viện. Do được ghi chép, bảo vệ, đào tạo hết sức chính quy, có hệ thống và rất chuyên nghiệp nên âm nhạc kinh viện được bảo tồn rất tốt, có điều kiện phát huy và phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Trường hợp Đờn ca tài tử, từ khi được đưa vào Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn năm 1956, thể loại âm nhạc này trở thành đại diện cho âm nhạc miền Nam trong chương trình đào tạo, giảng dạy âm nhạc truyền thống... Gần đây, âm nhạc dân gian Khmer cũng đã được đưa vào Trường Đại học Trà Vinh. Tuy không phải là cách làm duy nhất để bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể âm nhạc Khmer khỏi mai một nhưng đây là cách được chọn để bảo vệ, bảo tồn trong đời sống đương đại.

Mặt khác, do được trở thành nội dung giảng dạy ở trình độ đại học, di sản văn hóa phi vật thể âm nhạc đòi hỏi luôn được sưu tầm bổ sung, nghiên cứu, so sánh để hệ thống. Vì vậy, công việc kiểm kê cũng phải luôn được thực hiện không chỉ để bổ sung làn điệu mới thu thập được vào nội dung giảng dạy mà còn để theo dõi sự biến đổi của di sản trong giai đoạn hiện nay.

Nhờ kế thừa vốn liếng âm nhạc đã được kiểm kê tốt, có thể đưa vào sáng tác mới hoặc sử dụng làm chất liệu để sáng tác các tác phẩm theo hình thức, cấu trúc phương Tây cũng là cách được chọn. Việc sáng tác để cho thể loại âm nhạc cổ truyền tồn tại và phát triển trong đời sống đương đại là điều cần được nghĩ đến cùng với việc bảo tồn nguyên vẹn “tính chất cổ truyền” trong biểu diễn, trao truyền hay đào tạo cả nghệ nhân, nghệ sĩ lẫn người thưởng thức. Sáng tác những bài bản mới trên nền tảng khuôn mẫu cũ với những sáng tạo mang hơi thở thời đại là một việc làm không dễ, nhưng có như vậy âm nhạc cổ truyền sẽ tồn tại không phải như một dư âm của quá khứ mà vẫn phát triển.

Bà Huỳnh Ngọc Vân, Cố vấn Bảo tàng Áo Dài: Cần sự hợp tác, chung tay của cả cộng đồng

Trong suốt 30 năm gắn bó với hoạt động bảo tàng, tôi đã nhận thức sâu sắc về sự cần thiết hợp tác giữa các bảo tàng, hợp tác với các tổ chức, cá nhân. Khi việc hợp tác giữa các bên được tổ chức một cách khoa học, hợp lý, chu đáo thì công chúng Việt Nam và quốc tế sẽ được thụ hưởng rất nhiều. Di sản văn hóa qua đó vừa được bảo tồn, vừa có điều kiện phát huy giá trị, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ.

Hiện nay, Bảo tàng Áo Dài duy trì những mối quan hệ hợp tác như hợp tác giữa các bảo tàng công lập và ngoài công lập; các bảo tàng và các tổ chức trong lĩnh vực di sản; các bảo tàng và nghệ nhân, nghệ sĩ, nhân chứng.

Cụ thể, chúng tôi đã tổ chức các hoạt động hợp tác như: năm 2016 trình diễn “Áo Dài và Saree (Ấn Độ)”, năm 2017 phối hợp với Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên (Hà Nội) tổ chức triển lãm và giao lưu “Áo Dài - Câu chuyện của một cuộc đời”. Tháng 3-2018, chúng tôi phối hợp với Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản TP Hồ Chí Minh và nghệ nhân Nhật Bản tổ chức trình diễn “Áo Dài và hoa vải Tsumami”.

Bà Huỳnh Ngọc Vân.

Tháng 8-2018, Bảo tàng cùng nghệ nhân hát ru Minh Hiền, Hội Di sản văn hóa TP Hồ Chí Minh, CLB Lục bát Sài Gòn tổ chức chương trình “Lời ru của mẹ” nhằm giới thiệu điệu hát ru của các vùng miền. Trong quá trình hợp tác, các bảo tàng, tổ chức, cá nhân cùng nghiên cứu, chọn lọc và xây dựng kịch bản để giới thiệu với công chúng, đặc biệt là khách quốc tế những di sản văn hóa độc đáo, đặc sắc của Việt Nam.

Hoạt động hợp tác không chỉ diễn ra trong lĩnh vực trình diễn, biểu diễn mà ở lĩnh vực nghiên cứu, sưu tầm. Cụ thể, nhờ sự giúp đỡ của bảo tàng bạn, Bảo tàng Áo Dài đã sưu tầm, trưng bày được 7 di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại có sử dụng áo dài trong biểu diễn như: hát xoan, quan họ, ca trù, ví giặm, đờn ca tài tử, nhã nhạc cung đình Huế, tín ngưỡng thờ Mẫu. Hiện nay một số tổ chức, cá nhân vẫn tiếp tục đồng hành với Bảo tàng để xây dựng nên những bộ sưu tập độc đáo như “Áo dài quốc hoa các nước ASEAN”, “Áo dài cưới xưa và nay”...

Trong khi xây dựng kế hoạch, thực hiện những hoạt động hợp tác trên, chúng tôi nhận thấy các bảo tàng cần nắm rõ kỹ lưỡng nội dung, giá trị của di sản văn hóa được giới thiệu. Từ đó có thể xác định quy mô, điều kiện, hình thức hợp tác để đạt hiệu quả cao nhất với công chúng.

Cần tránh hợp tác “hình thức”, phô trương, vội vàng, sơ sài khiến cho di sản văn hóa được giới thiệu trước công chúng một cách thiếu sót, sai lệch. Để có thể thu hút được sự quan tâm của lớp trẻ đối với di sản văn hóa, các bảo tàng cần có những cách tiếp cận mới.

Qua đó, thanh niên, đặc biệt là sinh viên, học sinh có thể thành cộng tác viên, tình nguyện viên nòng cốt của bảo tàng. Trong trường hợp này sự phối hợp chặt chẽ giữa bảo tàng và nhà trường sẽ có ý nghĩa quyết định. Những văn bản thỏa thuận sẽ chỉ nằm trên giấy nếu bảo tàng và nhà trường không nỗ lực đưa sinh viên, học sinh đến với di sản một cách tích cực, sống động và ấn tượng.

PGS.TS Ngô Văn Hà, Đại học Đà Nẵng: Hội nhập là cơ hội quảng bá di sản Việt

Trong suốt chiều dài lịch sử, đất nước ta luôn phải chống chọi với bao kẻ thù nham hiểm, thâm độc, có sức mạnh vật chất, quân sự lớn hơn nhiều lần nhưng chúng ta vẫn vượt qua mọi thách thức, khẳng định được sức sống mãnh liệt của mình. Ngàn năm Bắc thuộc nhưng “ta vẫn là ta”, đánh thắng các cuộc chiến tranh xâm lược, bảo vệ vững chắc chủ quyền dân tộc. Vậy sức mạnh của dân tộc Việt Nam ở đâu? Đó là sức mạnh ở trong văn hóa dân tộc, mà nền tảng của nó là di sản văn hóa.

Thực tiễn đã chứng minh sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt Nam trong những lần giao lưu, tiếp xúc với các nền văn hóa khác với đặc điểm là đứng trên lập trường chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc để tiếp thu các nền văn hóa bên ngoài, cải biến làm cho nó phù hợp với truyền thống dân tộc. Sức mạnh, bản lĩnh của văn hóa Việt Nam là khả năng tiêu hóa văn hóa của bên ngoài, rồi “Việt hóa” đưa nó trở thành một bộ phận văn hóa dân tộc. Vì vậy, qua mỗi lần cọ xát, tiếp xúc, kể cả khi bị kẻ thù cưỡng ép, thống trị, văn hóa Việt Nam vẫn mang trong mình những nét bản sắc không thể trộn lẫn được.

Đờn ca tài tử là di sản văn hóa có sức sống mạnh mẽ ở Nam Bộ.

Ngày nay, không có quốc gia nào phát triển được mà đứng biệt lập, khép kín. Do đó, Việt Nam đã tích cực, chủ động hội nhập quốc tế về kinh tế, chính trị và văn hóa. Trong quá trình hội nhập, di sản văn hóa nước ta đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Trước hết là đem lại nguồn thu lớn từ hoạt động du lịch phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội. Tính riêng năm 2017, các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của Việt Nam đã thu hút gần 16 triệu lượt khách, trong đó có hơn 6,5 triệu lượt khách quốc tế. Qua đây, chúng ta quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam với hệ thống di sản đặc sắc ra thế giới.

Nhờ hội nhập, ta tiếp thu nhiều luồng tư tưởng, trường phái mới trong sáng tạo văn hóa nghệ thuật. Nó giúp cho tư duy con người được mở rộng, tư tưởng được đa dạng, hệ giá trị trở nên phong phú hơn, từ đó sẽ sáng tạo thêm những di sản văn hóa mới bổ sung cho kho tàng di sản văn hóa dân tộc.

Đặc biệt, trong thời đại công nghiệp 4.0, khoa học công nghệ phát triển vượt bậc, biên độ giao diện, cọ xát, ảnh hưởng của văn hóa bên ngoài vào Việt Nam diễn biến rất nhanh. Những trường phái sáng tác mới, hiện đại được thâm nhập vào lĩnh vực văn học nghệ thuật, kiến trúc, hội họa, âm nhạc... đã cho ra đời nhiều tác phẩm mới có giá trị vừa mang tính dân tộc, vừa hiện đại, đưa di sản văn hóa Việt lên một tầm cao mới.

Hội nhập quốc tế còn giúp chúng ta tiếp thu nhiều kinh nghiệm về bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa từ các nước tiên tiến trên thế giới. Việc trùng tu, sửa chữa, bảo tồn các di sản ở Huế, Hội An, Mỹ Sơn đã được áp dụng phương pháp hiện đại. Cách thức tổ chức sự kiện văn hóa; kết hợp bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế, du lịch được chuyên nghiệp hơn.

Để phát huy những kết quả tích cực trên, hạn chế mặt tiêu cực khi hội nhập, chúng ta cần tuyên truyền, vận động nhân dân ở nơi có di sản hiểu rõ ý nghĩa, giá trị của nó. Công tác tuyên truyền cần làm rõ giá trị to lớn của các di sản, quyền và nghĩa vụ của mỗi người dân trong việc bảo tồn và phát huy di sản. Có nhìn thấy quyền lợi của mình, người dân mới ý thức, có trách nhiệm trong việc bảo tồn.

Đội ngũ làm công tác bảo tồn di sản văn hóa cũng phải có tâm huyết, yêu nghề, có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, am hiểu về di sản, có kiến thức về luật di sản đồng thời tác phong làm việc phải chuyên nghiệp, khả năng ngoại ngữ tốt. Ngoài việc tăng cường công tác quảng bá di sản Việt ra thế giới, chúng ta cần thực hiện cơ chế tự chủ và xã hội hóa trong bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc.

Mai Quỳnh Nga (thực hiện)

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/bao-ton-di-san-van-hoa-trong-thoi-hoi-nhap-525343/