Bảo tồn di sản từ mỹ thuật cổ ứng dụng

Cuối tuần qua, trong khuôn khổ triển lãm “Di sản Việt Nam - Góc nhìn mới” tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ, Hà Nội), một cuộc tọa đàm về “Giá trị bảo vật quốc gia- tượng A-di-đà chùa Phật tích”đã được tổ chức. Tại đây việc bảo tồn giá trị di sản thông qua những phiên bản ứng dụng và đưa vào sử dụng trong đời sống hằng ngày đã được đặt ra…

Phiên bản phục dựng tượng A-di-đà bằng bạc cao 24 cm.

Tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo

Tại triển lãm này, lần đầu tiên công chúng được thưởng ngoạn Pho tượng Phật hoàng gia - bảo vật quốc gia tượng A di đà được phục dựng hoàn chỉnh với tỷ lệ nhỏ nhất. Đây là một tác phẩm điêu khắc bằng đá được tạo tác từ thời nhà Lý (1057). Được xem là một tuyệt tác về Tượng Phật mẫu mực, được sánh là kiệt tác mỹ thuật của Việt Nam. Hiện nay, bức tượng này vẫn được thờ tại Thượng điện chùa Phật Tích (Bắc Ninh). Bên cạnh đó còn có 2 phiên bản đúc lại vào thập niên 1950 và 1960 đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Bảo tàng được công nhận là Bảo vật Quốc gia tháng 10/2012.

Theo PGS, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo: Nước ta có 2 di sản tượng phật được đánh giá là bảo bối quốc gia đó là tượng A-di-đà (thế kỷ 11) và pho tượng thứ hai làm bằng gỗ đó là tượng Phật nghìn mắt nghìn tay ở chùa Bút Tháp giữa thế kỉ 17 là những tác phẩm đạt đến độ hoàn mĩ, do người Việt Nam làm nên.

Khi khảo cứu trên cấu trúc kí tự học tôn giáo về một pho tượng được tạo dựng, nhà nghiên cứu Hoàng Anh Tuấn- Viện Mỹ thuật Việt Nam đánh giá: Cách tạo dựng pho tượng ở chùa Phật Tích tuân thủ theo một mô thức chung là bệ tượng trang trí cánh sen, hoa văn sóng nước, rồng, mây lửa... được thể hiện là một đóa hoa nở rộ với 2 tầng cánh. Các họa tiết đều được chạm chau chuốt, mềm mại, tỉ mỉ.

Tiếu tượng và hoa văn trang trí trên bệ tượng phản ánh nghệ thuật bản địa và chứng minh sự mở đầu của nghệ thuật Phật giáo nói riêng và nghệ thuật độc lập tự chủ Đại Việt nói chung. Với đường nét tinh xảo và mềm mại, tỉ mỉ và sống động bức tượng này là tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, là thông điệp của thời Lý để lại cho con cháu. Pho tượng cũng là nơi mà yếu tố điêu khắc đã hòa quyện với các mô típ trang trí rất đặc trưng của thời Lý.

Đưa cổ vật vào đời sống

Bảo tồn di sản bằng phương pháp mô phỏng, thiết kế từ những hiện vật, cổ vật không còn xa lạ. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên công chúng được nhìn thấy tượng phật A-di-đà chùa Phật Tích được phục dựng và mô phỏng theo đúng tình trạng ban đầu, đồng thời thu nhỏ với kích thước phù hợp với sử dụng trong đời sống. Tượng Phật được mô phỏng lại bằng các chất liệu như đất nung, đồng,… thậm chí bằng bạc do các nghệ nhân của Hội quán Di sản, Circle Group thiết kế và phục dựng lại giống như nguyên mẫu nhưng với chiều cao chỉ khoảng 24cm. Đây là một phương pháp bảo tồn giá trị cổ vật mang tính thực tiễn và ứng dụng cao làm nên giá trị của những di sản văn hóa cổ trong thế kỉ mới.

Tại buổi tọa đàm, các thành viên ban tổ chức cho hay, một trong những lý do của triển lãm “Di sản Việt Nam- góc nhìn mới” là nhu cầu sử dụng các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng có yếu tố văn hóa truyền thống của người Việt hiện tăng đột biến; trong khi đó, khâu tạo mẫu, tiếp cận công nghệ lại chưa tốt. Thực trạng này dễ dẫn đến sự tràn lan của vật phẩm văn hóa ngoại, cũng như sự xuống cấp và thờ ơ của công chúng đối với giá trị văn hóa truyền thống. Và triển lãm là một trong những giải pháp đưa giá trị văn hóa truyền thống vào đời sống thường nhật của người dân, thông qua việc giới thiệu các di sản mỹ thuật cổ, lấy ý kiến công chúng trước khi sản xuất hàng loạt những mẫu vật phẩm này.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc: Điều mà giới nghiên cứu mong muốn là làm sao cho những di sản không chỉ nằm trong di tích ví dụ như chùa Phật tích hay phiên bản nằm trong bảo tàng mà những giá trị rất cổ xưa ấy cần được bảo tồn đi vào đời sống hằng ngày của mỗi chúng ta để lòng yêu quý di sản ấy thể hiện ngay trên những bàn làm việc, tủ sách, góp phần làm phong phú không gian văn hóa sống. Thông qua sản phẩm ứng dụng này giới thiệu đến bạn bè quốc tế. Chúng tôi khuyến khích các bạn tạo ra những vật liệu mà nó phù hợp với túi tiền người dân. Làm sao cho sản phẩm này phù hợp với đời sống. Nhưng đồng thời cũng cảnh báo rằng chúng ta đừng có hạ thấp bằng sự ẩu, cẩu thả bằng sự đầu tư không đúng về trí tuệ, về tâm hồn. Những sản phẩm này thật sự dù ở chất liệu nào đi nữa nó cũng phải đạt được tầm quan trọng nhất là giá trị.

Như vậy, tương lai không xa sẽ có nhiều cổ vật được phục dựng lại với phiên bản ứng dụng và được đưa vào sử dụng rộng rãi trong đời sống. Đây là một ý tưởng không chỉ góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống mà còn là một hướng đi mới trong việc quảng bá nét văn hóa, bản sắc Việt Nam với bạn bè và du khách nước ngoài. Tuy nhiên, cũng cần có những quy định rõ ràng, chặt chẽ trong việc phân biệt những sản phẩm mỹ thuật ứng dụng được phục dựng với nguyên gốc hiện vật để tránh gây nhầm lẫn.

Phạm Quý

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa-the-thao/bao-ton-di-san-tu-my-thuat-co-ung-dung/132697