Bảo tồn di sản nghệ thuật làm gốm Chăm

Trong hai ngày 8 và 9.12.2018, tại Ninh Thuận đã diễn ra hội thảo khoa học quốc tế chủ đề Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm.

Sản xuất gốm tại làng Bàu Trúc (Ninh Thuận) - Ảnh: Lê Hùng

Chương trình có sự tham gia của gần 100 nhà khoa học là những giáo sư, tiến sĩ nghiên cứu về văn hóa Chăm của VN và nước ngoài.

Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm đang trên đường mai một. Việc bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống nghề làm gốm của người Chăm là hết sức cần thiết và cấp bách

TS Đặng Thị Bích Liên

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, TS Đặng Thị Bích Liên, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng hồ sơ nghệ thuật làm gốm Chăm trình UNESCO để được xem xét công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới, nhấn mạnh: “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm đang trên đường mai một. Việc bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống nghề làm gốm của người Chăm là hết sức cần thiết và cấp bách”.

Sản phẩm độc đáo

Người Chăm và các di sản văn hóa mà họ để lại luôn bí ẩn và độc đáo đối với hậu thế. Nghề làm gốm là một ví dụ. Trên 60 tham luận của các nhà nghiên cứu trình bày tại hội thảo đều nhấn mạnh đến sự độc đáo này.

Giáo sư Leedom Lefferts (Mỹ) đã bỏ công hơn 20 năm qua đi điền dã về tận các làng nghề ven biển miền Trung chỉ để tìm hiểu gốm Chăm. Cũng như các đồng nghiệp Hàn Quốc, Thái Lan và VN, vị giáo sư 80 tuổi này đánh giá cao nghệ thuật làm gốm của phụ nữ Chăm. Nung ngoài trời, không bàn xoay, nặn bằng tay, mỗi sản phẩm là một tác phẩm độc lập, không cái nào giống cái nào, đó là sự khác biệt giữa gốm Chăm với các dòng gốm khác.

Tiến sĩ khảo cổ học Đoàn Ngọc Khôi thì cho rằng, có sự tiếp biến trong dòng chảy văn hóa từ văn hóa Sa Huỳnh sang văn hóa Chăm, nhưng sự độc đáo trong nghề làm gốm của người Chăm còn thể hiện ở chỗ, 300 người ở Bàu Trúc cùng làm một sản phẩm (lọ hoa chẳng hạn), nhưng nếu đem trộn lẫn vào nhau, sau đó mỗi người vẫn nhận ra “đứa con” của mình, dù chúng na ná nhau. Dấu ấn để lại trong từng sản phẩm của mỗi người luôn hiện hữu.

Cần phải bảo vệ

Tiến sĩ Atthasit Sukkham (Thái Lan) kể rằng, ông đã bắt gặp trong các đền đài ở vùng đông bắc nước mình hàng loạt sản phẩm bằng gốm Chăm. Việc xuất hiện ở những nơi linh thiêng ấy chứng tỏ sự lôi cuốn của các loại gốm người Chăm trong thế giới tâm linh không chỉ ở Thái Lan mà cả vùng Đông Nam Á.

Khẳng định sự độc đáo, khác biệt của sản phẩm Chăm cũng chỉ để nói lên rằng cần phải bảo tồn và phát huy nghề làm gốm của người Chăm trước sự “tấn công” của thời gian và hàng loạt sự thay đổi về cơ chế có thể dẫn đến mai một, diệt vong. Bà Đàng Thị Phan, một nghệ nhân nổi tiếng của làng gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận), cảnh báo: “Lấy đất sét - nguyên liệu chính để làm gốm - ngày một khó do các quy định về tài nguyên đất đai và sử dụng củi đốt để nung gốm cũng quá khó do cấm phá rừng. Điều này đã đặt những người sản xuất gốm trước những thách thức: nên tiếp tục hay bỏ nghề?”.

Đại diện lãnh đạo các địa phương có làng nghề làm gốm Chăm đều tiếp thu những băn khoăn và cho rằng một khi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới thì nhà nước sẽ có những giải pháp để giải quyết khó khăn cho nghệ nhân. Từ việc khai thác nguyên liệu, sử dụng nhiên liệu để nung hoặc tìm đầu ra cho sản phẩm... đều sẽ nằm trong kế hoạch bảo tồn.

Sau cuộc hội thảo này, Ban Chỉ đạo xây dựng hồ sơ quốc gia nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm sẽ đề nghị UNESCO ghi danh nghệ thuật làm gốm Chăm vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Trần Đăng

Thiện Nhân

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/bao-ton-di-san-nghe-thuat-lam-gom-cham-1031624.html