Bảo tồn di sản khảo cổ học - Bài cuối: Khắc phục bất cập pháp lý

Một số điều, khoản trong Luật Di sản Văn hóa và các quy định liên quan còn chưa rõ, gây nên các trở ngại lớn khi thực hiện khai quật, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích khảo cổ học.

Khai quật Hào thành phía Đông và phía Tây Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa). Ảnh: Hoa Mai/TTXVN

Khai quật Hào thành phía Đông và phía Tây Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa). Ảnh: Hoa Mai/TTXVN

Luật Di sản Văn hóa số 28/2001/QH10 của Quốc hội (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 32/2009/QH12), Nghị định 98/2010/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ năm 2010, Quy chế khai quật Khảo cổ học của Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch năm 2008 là cơ sở pháp lý cơ bản, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác khai quật, nghiên cứu khảo cổ học, cũng như bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa của các di sản khảo cổ học ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các nhà khảo cổ học cũng đã nhận ra một số điều, khoản quy định trong các văn bản còn chưa rõ, gây nên các trở ngại lớn khi thực hiện khai quật, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích khảo cổ học.

Cần chỉnh lý tư liệu sau khai quật

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Chí Hoàng (Hội Khảo cổ học Việt Nam), trong quá trình thực hiện công tác xây dựng mới, Đảng, Chính phủ và Quốc hội đã có các chỉ đạo và xử lý mẫu mực đối với việc khảo sát, thăm dò, nghiên cứu nhiều di tích khảo cổ học tiêu biểu, nhờ đó bảo vệ được tối đa các di sản khảo cổ của tổ tiên ta từ nghìn xưa để lại. Các trường hợp tiêu biểu như: Điều tra, khảo sát, thăm dò, khai quật các di tích khảo cổ học tại khu vực lòng hồ thủy điện Lung Leng, Plei Krong, Sơn La, Lai Châu, Na Hang, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu, Hà Nội…

Tuy vậy, chỉ đếm được trên đầu ngón tay các dự án thủy điện đã cấp kinh phí cho việc khai quật khảo cổ học. Trong khi đó, hàng trăm dự án xây dựng thủy điện khác không đầu tư cho việc khai quật, di dời di tích khảo cổ mặc dù đã được cảnh báo có di tích.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam thời gian tới sẽ triển khai Quy hoạch phát triển thủy điện lớn, vừa và nhỏ theo kịch bản là 265 tỷ kWh vào năm 2020 và 572 tỷ kWh vào năm 2030. Nếu tình trạng này còn tiếp diễn thì sẽ có thêm nhiều địa bàn bị chìm ngập trong lòng hồ và nhiều di tích bị xóa sổ.

Tuy nhiên, việc cấp kinh phí không nên chỉ dừng lại ở khâu khai quật, di dời. Hiện tại không có kinh phí cho việc chỉnh lý sau khai quật bởi các cơ quan chủ trì dự án xây dựng cho rằng Luật Di sản không ghi rõ vấn đề này nên họ không chịu trách nhiệm. Việc khai quật di dời khảo cổ được đối xử như việc di dân, còn việc lo cho dân sinh sống, làm ăn thế nào sau di dời là trách nhiệm của cơ quan khác.

Sau khai quật khảo cổ, tùy theo từng cuộc khai quật, từng cơ quan chủ quản mà các nhà khảo cổ học tự xoay xở và kiến nghị để có kinh phí hậu khai quật. Cụ thể, cuộc khai quật ở hồ thủy điện Lung Leng do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cấp kinh phí; cuộc khai quật ở 18 Hoàng Diệu (Hà Nội) thì do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam xin cấp vốn trực tiếp ban đầu từ Chính phủ; riêng cuộc cuộc khai quật ở hồ thủy điện Sơn La, hiện tại chưa được cấp kinh phí…

Theo nhận xét của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Khắc Sử (Hội Khảo cổ học Việt Nam), hiện ở Việt Nam có hai cách ứng xử với các di tích và di vật sau khi khai quật và chỉnh lý. Thứ nhất, sau khi đã xây dựng hồ sơ khoa học, các di vật được chôn lấp (hay vứt bỏ). Thứ hai, giữ mẫu và các hiện vật được đánh giá là quan trọng thì lưu giữ toàn bộ để trưng bày.

Việc lưu giữ toàn bộ di vật đã được di dời là hợp lý vì trong việc xử lý, nghiên cứu còn có điểm chưa nhận thức hết được, còn phải nghiên cứu nhiều lần. Nếu không quy định rõ ràng, sẽ gây lãng phí di sản, đặc biệt khi đặt vấn đề nghiên cứu lại hoặc trưng bày thì không còn di vật nữa.

Đáng chú ý, nếu chọn phương án lấp hiện vật đi thì điều này không phù hợp với nền khảo cổ học nhiều nước. Nhiều quốc gia cất trữ toàn bộ di vật của các cuộc khai quật sau khi đã mã hóa tư liệu cẩn thận. Tuy nhiên, hiện nay không có trong bất cứ điều luật nào hoặc các văn bản pháp lý nào của Việt Nam quy định về các vấn đề trên, tất cả các quy định chung đều nêu là giao cho các viện bảo tàng cất trữ, nhưng không ghi rõ là cất trữ như thế nào và bảo quản ra sao…

Theo quy định của khảo cổ học thế giới và Việt Nam, tất cả các cuộc khai quật đều có hồ sơ khoa học nhằm phục vụ công tác nghiên cứu và phát huy giá trị của các di tích khảo cổ học. Tuy vậy, vì nhiều lý do, theo thời gian các hồ sơ lưu trữ này dần dần thất lạc, còn di tích khảo cổ học thì bị phá hủy hoàn toàn. Do đó, ngành khảo cổ học các nước trên thế giới đều có quy định công bố xuất bản thành sách tất cả các hồ sơ khoa học đó, bởi vậy hồ sơ di tích của nhiều nước rất đầy đủ.

Riêng ở Việt Nam loại tài liệu này rất ít được công bố, trừ một số công trình hợp tác nghiên cứu với Hàn Quốc, Nhật Bản, hay một số ít các di chỉ quan trọng do Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội công bố. Tỷ lệ di tích đã khai quật được công bố đầy đủ còn quá ít, chúng ta hiện đã và đang làm mất rất nhiều di tích quý giá. Điều này hạn chế công tác nghiên cứu, lưu trữ thông tin và phát huy di sản văn hóa ở Việt Nam.

Chuyên nghiệp hóa hoạt động khảo cổ học

Hoạt động khảo cổ học ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế bởi thiếu kinh phí khảo sát; kinh phí chỉnh lý, kinh phí phân tích mẫu, mua sắm thiết bị hiện đại; kinh phí công bố, bảo tồn di sản khảo cổ học…). Nguyên nhân chính là trong các nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn thì khảo cổ học chưa được xác định rõ tính đặc thù nên việc phân bố kinh phí là dàn đều, cào bằng. Do vậy, không có kinh phí để làm khoa học một cách bài bản, thiếu quy chuẩn về trang thiết bị hiện đại; đơn giá cho hoạt động khảo cổ học chưa phù hợp với thực tế…

Bên cạnh đó, việc khai quật và di dời khảo cổ học mới chỉ là thu thập tư liệu, chiếm khoảng 50% khối lượng công việc, còn lại là việc chỉnh lý và xây dựng hồ sơ khoa học. Nếu không làm hồ sơ khoa học, phác dựng lại quá khứ một cách chân thực thì kinh phí và công sức bỏ ra khai quật, di dời là vô ích, lãng phí, thế hệ sau không có tư liệu nghiên cứu lịch sử dân tộc. Do vậy, các cơ quan quản lý và xây dựng luật, chính sách nên chú ý tới công việc quan trọng này, nghiên cứu bổ sung mục kinh phí chỉnh lý, nghiên cứu xây dựng hồ sơ sau khai quật để chúng ta có được bộ Luật về di sản hoàn chỉnh, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Chí Hoàng nhấn mạnh.

Để đẩy mạnh việc triển khai hoạt động khảo cổ học, các nhà khảo cổ học mong muốn các cấp quản lý có thẩm quyền khẩn trương xem xét để đưa ra các quy định cụ thể như: quy định rõ ràng việc cấp kinh phí đầy đủ từ khai quật đến chỉnh lý cho tất cả các cuộc khai quật lớn; đánh giá cụ thể hơn việc điều tra, khảo sát các di tích khảo cổ học tại tất cả các công trường xây dựng lớn; quy định cụ thể việc lưu trữ tất cả các di vật khảo cổ học sau khi xây dựng hồ sơ khoa học và các điều kiện kèm theo; dành một khoản kinh phí in ấn, công bố các hồ sơ khoa học để làm tài liệu lưu giữ vĩnh viễn các di sản cho các thế hệ mai sau nhằm nghiên cứu và phát huy giá trị di tích; xây dựng đơn giá mới cho các hoạt động khảo cổ học Việt Nam phù hợp với thực tế hiện nay.

Đồng thời, cơ quan có trách nhiệm cần nghiên cứu các quy định về trang thiết bị khảo cổ học cho một cuộc khai quật khảo cổ học. Ngành khảo cổ học có trách nhiệm đề xuất với Chính phủ nghiên cứu việc dành một quỹ quốc gia cho công tác khảo cổ học theo các quy định của Hiến chương khảo cổ học quốc tế.

Lý Thanh Hương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/van-hoa/bao-ton-di-san-khao-co-hoc-bai-cuoi-khac-phuc-bat-cap-phap-ly-20200322152202069.htm