Bảo tồn di sản đô thị sẽ góp phần phát triển du lịch của Việt Nam

250 kiến trúc sư, nhà phát triển và chuyên gia đã cùng thảo luận sâu về các vấn đề bảo tồn trong xã hội hiện đại, cách tiếp cận mới nhằm đảm bảo cân bằng và tăng trưởng kinh tế tại hội thảo 'Bảo tồn di sản đô thị - Chìa khóa phát triển bền vững', diễn ra chiều 12/4 tại TP. Hồ Chí Minh.

Theo các chuyên gia, đô thị hóa là một hệ quả tất yếu của quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đô thị. Đó là quy luật chung của các thành phố đang phát triển. Trong quá trình phát triển đô thị, các di sản kiến trúc bị xâm hại làm cho vấn đề bảo tồn di sản gặp nhiều khó khăn.

Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh - công trình được trùng tu để bảo tồn

Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh - công trình được trùng tu để bảo tồn

Về vấn đề này, ông Larry Ng - Trưởng ban đại diện Singapore, Triển lãm thế giới 2020 tại Dubai, UAE - chia sẻ, Singapore đang phát triển nhanh chóng và chúng tôi đang từng ngày giải quyết bài toán đảm bảo phát triển hiện đại cân bằng với việc gìn giữ các tòa nhà, địa danh mang tính biểu tượng. Chúng tôi đã đạt được những thành công nhất định. Ông hy vọng những gì mà đất nước Singapore đã thực hiện có thể giúp Việt Nam có thêm nguồn tham khảo để bảo tồn các di sản đô thị, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội ở các thành phố.

Trên thực tế ở Việt Nam, quá trình đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… Đơn cử như TP. Hồ Chí Minh, rất nhiều công trình mang dấu ấn lịch sử đã bị thay thế bởi những tòa nhà cao tầng, dự án khác. Cụ thể tòa nhà Thương xá Tax từng là biểu tượng một thời của Sài Gòn nhưng nay đã phải dỡ bỏ để nhường lại vị trí xây dựng tuyến Metro...

Theo ông Cao Thành Nghiệp - Giám đốc đơn vị quản lý dự án Trùng tu Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh, quá trình đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh, làm mất dần bản sắc kiến trúc đô thị của TP. Hồ Chí Minh. Áp lực về kinh tế là rất lớn làm cho các khu vực có di sản trở thành một món hàng bất động sản hơn là di sản của đô thị. Sự thay đổi về mật độ dân cư trong thành phố, nhất là những khu vực có di sản kiến trúc đô thị dẫn đến các công trình kiến trúc, các lô đất bị chia cắt nhỏ hơn. Cấu trúc đô thị bị thay đổi.

Ông Cao Thành Nghiệp cho rằng bảo tồn di sản là nhiệm vụ chung của chính quyền, công ty và người dân địa phương. Từ kinh nghiệm của mình, ông Thành nhận thấy sự hỗ trợ của các doanh nghiệp với những sản phẩm và giải pháp tân tiến của họ sẽ đảm bảo được mục tiêu bảo vệ công trình, đồng thời giữ gìn thẩm mỹ và lịch sử của chúng.

Theo bà Pamela Phua - Tổng Giám đốc của AkzoNobel Việt Nam, di sản là tài sản quý giá mà quốc gia nào cũng cần gìn giữ. Không chỉ là biểu tượng lịch sử và văn hóa của một đất nước, chúng còn là địa điểm du thu hút khách du lịch, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương. Chúng tôi thấy rằng nếu được khôi phục đúng cách, các di sản sẽ là nguồn thu lớn cho ngành du lịch đang phát triển của Việt Nam.

Mai Ca

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bao-ton-di-san-do-thi-se-gop-phan-phat-trien-du-lich-cua-viet-nam-118334.html