Bảo tồn di sản âm nhạc cổ truyền ở Tây Nguyên và Trung Bộ

Ngày 10/4, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Viện Âm nhạc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội thảo khoa học 'Bảo tồn di sản âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và Trung bộ - Chính sách và thực tiễn'.

Hội thảo nằm trong kế hoạch thực hiện đề tài nghiên cứu cấp quốc gia “Những giải pháp cấp bách nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số Việt Nam”.

Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: qdnd.vn)

Mục đích của hội thảo là nhìn nhận, đánh giá về tình hình bảo tồn các di sản âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số ở vùng Tây Nguyên, Trung bộ; khảo sát, tổng kết kết quả thực thi các chủ trương, chính sách liên quan đến việc bảo tồn âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số mà trong đó âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và Trung bộ là một thành phần. Trên cơ sở đó đưa ra các định hướng, giải pháp phù hợp cho việc bảo tồn các di sản âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số ở Trung bộ và Tây Nguyên trong đời sống hiện nay.

Hội thảo đã có nhiều tham luận của các nhà nghiên cứu văn hóa, nhạc sĩ, giảng viên các trường văn hóa nghệ thuật ở các tỉnh Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Lắk. Các đại biểu tập trung trao đổi, bàn thảo về diện mạo, đặc trưng, những giá trị văn hóa, xã hội, nghệ thuật có trong di sản âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và Trung bộ. Hội thảo cũng nêu lên vai trò, vị trí, thực trạng bảo tồn cũng như đánh giá lại kết quả thực thi những chính sách về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cổ truyền, trong đó có âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và Trung bộ. Các đại biểu cũng đề xuất, đưa ra các giải pháp phù hợp, hiệu quả cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản âm nhạc cổ truyền của dân tộc thiểu số ở các tỉnh Tây Nguyên và Trung bộ.

Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu Vĩnh Phúc (Học viện Âm nhạc Huế) đề cập sâu đến việc truyền dạy và bảo tồn di sản văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên. Thạc sĩ, nhạc sỹ Lê Xuân Hoan (Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Gia Lai) nêu lên thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát triển âm nhạc dân gian các dân tộc Tây Nguyên. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Liêm đề cập đến việc bảo tồn di sản âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và Trung bộ từ góc độ thực hành chính sách đối với nghệ nhân. Nhà nghiên cứu Lý Văn Linh Niê Kdăm (Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk) đề cập đến việc xây dựng “Môi trường diễn xướng mới” - một cách bảo tồn và phát huy nhạc cụ dân tộc ở Tây Nguyên…/.

Quang Huy/TTXVN

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/tu-tuong-van-hoa/bao-ton-di-san-am-nhac-co-truyen-o-tay-nguyen-va-trung-bo-479860.html