Bảo tồn các lễ tục, lễ hội đặc sắc của đồng bào Thái Quan Sơn

Lễ tục, lễ hội là hình thức sinh hoạt cộng đồng thể hiện lòng thành kính với những người có công với bản làng, với nước, thể hiện ý thức cộng đồng và khát vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Vùng đất Quan Sơn không chỉ được biết đến là nơi hội tụ và giao thoa văn hóa của nhiều tộc người, mà còn là vùng đất giàu bản sắc văn hóa lịch sử, với các lễ tục, lễ hội tiêu biểu của đồng bào dân tộc Thái nơi đây.

Điệu khua luống của người Thái, xã Trung Hạ (Quan Sơn). Ảnh: Khắc Công

Đối với đồng bào Thái huyện Quan Sơn, lễ cúng vía lúa là một trong những lễ tục quan trọng. Hằng năm, vào đầu tháng 9 âm lịch, khi lúa đã chín vàng trên nương, người Thái bước vào mùa thu hoạch. Khi lúa đã được chở về chứa đầy nhà dân trong bản, già bản cùng trưởng bản họp cả làng để chuẩn bị tổ chức lễ mừng được mùa. Lúa là loại lương thực cơ bản cho sự sinh tồn nên rất được quý trọng. Họ quan niệm hạt lúa và hạt ngô có hồn nên phải làm lễ cúng tế, như vậy mùa sau mới gặp may mắn. Lễ mừng được mùa được tổ chức ngoài trời, ngay tại nương rẫy. Đối với mỗi mùa vụ, sẽ cúng vía trước và sau khi thu hoạch.

Trước khi cấy trỉa làm rẫy, làm nương, người Thái chuẩn bị lễ vật gồm một con gà luộc chín chặt ra, rượu, xôi đồ mời hồn lúa về dùng cơm cúng thần địa, mời thần ăn và bảo vệ cho cây lúa được phát triển tốt tươi, không bị sâu bọ phá hoại, đồng thời mời ma nhà chứng kiến để bảo vệ. Khi thu hoạch, dân bản cũng làm một lễ tương tự, họ đem tất cả những sản vật quý nhất của bản như: Con gà luộc chín, đĩa thịt, các loại bánh và không thể thiếu một mâm cơm gạo mới để dâng lên các vị thần và tổ tiên.

Sau khi các lễ vật được sắp xếp đầy đủ, chủ lễ là thầy mo của bản sẽ thay mặt bà con dân bản làm lễ cúng trời đất, tổ tiên phù hộ cho con cháu khỏe mạnh, có sức lao động để sản xuất, cảm ơn ma nhà chứng kiến, các vị thần phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, gia súc sinh sôi nảy nở từng đàn, gà rừng, chim, chuột không phá hại ruộng, rẫy... Buổi lễ cúng vía kết thúc trong niềm vui hân hoan của bà con dân bản, mọi người cùng nhau quây quần bên đống lửa, uống rượu cần, ăn uống, hát hò tới tối. Ai cũng hy vọng các ma nhà, các thần đất, thần nước sẽ nghe thấu những lời cầu mong của họ và tin tưởng vào vụ mùa sau sẽ có nhiều thóc hơn và cuộc sống sẽ sung túc hơn.

Sau lễ cúng vía lúa là lễ cúng cơm mới. Khi đã thu hoạch lúa về nhà, mỗi gia đình sẽ làm lễ cúng cơm mới. Lễ vật là một con gà, cá sông hay cá ao đã nướng hoặc kho, rượu và không thể thiếu một mâm cơm đồ. Người trong gia đình hoặc mời thầy mo về báo cáo với tổ tiên, ma nhà năm nay được mùa hay không, hôm nay con cháu có lễ vật mời ông bà tổ tiên ăn trước để phù hộ cho con cháu làm mùa sau được tươi tốt hơn.

Tiếp đến là lễ cầu mưa, lễ tục này không phải năm nào cũng diễn ra và ở bản nào cũng có. Khoảng tháng 4, tháng 5 âm lịch nếu thời tiết hạn hán, người ta sẽ tiến hành lễ cầu mưa. Lễ vật cũng đơn giản chỉ là một con lợn, rượu và xôi. Già bản cử thầy mo, thầy cúng đứng ra làm lễ. Người được cử sẽ đọc lời cầu để con cháu làm theo. Người ta lấy cây cỏ, dây ven bờ ruộng, bẹ tre, sau đó buộc vào miệng lóng giã gạo giẫm lên cho kêu (tạo tiếng kêu to để ông trời nghe thấy và biết trần gian đang còn khô hạn). Họ đi vào từng nhà lấy nước, té vào đoàn đi cầu mưa (gồm 30 - 40 người là con trai, con gái chưa lập gia đình) và nói to “mưa rồi, mưa rồi”. Đoàn cứ tiếp tục đi cho tới đêm khuya. Cũng có lễ cầu mưa làm vào những đêm trời sáng trăng. Nếu ngày hôm sau có mưa sẽ dừng lại, nếu chưa mưa sẽ tiếp tục cầu.

Người Thái huyện Quan Sơn coi thần linh là thế lực trông coi phù hộ sức khỏe, an lành cho dân. Vì thế khi người dân gặp phải rủi ro, hoạn nạn, mùa màng thất bát, họ thường đi tế thần, nhờ thần phù hộ cho tai qua nạn khỏi. Tương truyền trong các vị thần của mường Mìn có ông Lò Khằm Yên từ Lào sang giúp Lê Lợi đánh quân Minh. Cuộc khởi nghĩa thắng lợi, nhà vua ban thưởng cho ông đất đai, ông chọn đất mường Mìn để sinh sống và mất ở đó. Ngoài ra, ở mường Mìn còn có hai vị thần có công với nước, cầm quân đi đánh giặc, đã hy sinh đó là thần Tiều Lành ở bản Chiềng và thần Tiều Quế ở bản Nhài (hai vị thần này là đời thứ 6 hậu duệ của ông Lò Khằm Yên). Mỗi vị thần được dân bản mường xây dựng nhà thờ riêng bằng gỗ, nứa thô sơ để thờ cúng hàng năm, nhằm bày tỏ công lao và xin thần phù hộ cho bản mường mạnh khỏe, mùa màng xanh tốt, chăn nuôi phát triển, cá sông suối lên nhiều.

Trong các lễ tục, lễ hội của người Thái huyện Quan Sơn, lễ hội Mường Xia (xã Sơn Thủy) có lẽ được biết đến nhiều nhất. Hiện nay, ở bản Chung Thủy, xã Sơn Thủy vẫn còn nền móng nhà ở của gia đình Tư Mã Hai Đào và thủ phủ - nơi ông làm việc thuở xưa. Nhớ ơn người đã có công gìn giữ biên cương, mang lại ấm no cho bản mường và đặc biệt là làm nên sự phồn vinh cho một vùng đất trù phú, xanh tươi, sau khi ông mất, bà con lập đền thờ để hàng năm hương khói thờ phụng và coi ông như người giữ vía cho cả mường. Theo tục lệ truyền thống, toàn bộ người dân Mường Xia gửi vía vào một hòn đá gọi là hòn đá vía, để cầu ông giữ vía cho cả mường. Cũng từ đó, mỗi lần tổ chức lễ hội Mường Xia là mỗi lần hòn đá vía được đào lên tắm rửa sạch sẽ, sau đó bọc vải đỏ trân trọng rước về làm lễ. Xong lễ hội, người ta thận trọng rước về nơi quy định, và hòn đá vía tiếp tục được chôn xuống chỗ cũ, sau đó rào cây xương rồng trấn giữ. Hàng năm, vào những ngày giữa tháng 3 âm lịch, bà con tổ chức lễ hội Mường Xia để tri ân Tư Mã Hai Đào và mong cầu ông phù hộ cho bản làng ấm no, cuộc sống an lành, mùa màng tốt tươi, con người và vạn vật sinh sôi, nảy nở.

Lễ hội Mường Xia gồm 2 phần: Phần tế lễ được tổ chức để cúng thần mường (tại đền thờ tướng quân Tư Mã Hai Đào), cúng vía chung cho cả đất Mường Xia (tại nơi chôn hòn đá vía và đền thờ tướng quân Tư Mã Hai Đào), cúng Sần Cuống ở Sộp Xia (tại nơi giao hòa suối Xia và sông Luồng), cúng Sần Phiềng Phay (bên bờ sông Luồng, gần thủ phủ của Tư Mã Hai Đào), cúng Sứa Tú Nặm (tại hang Dùa, dưới chân núi Pha Dùa). Phần hội được thể hiện qua các trò chơi, trò diễn của lễ hội như: múa cá sa, trống chiêng, đánh mắc lẹ, bắn nỏ, kéo co, khua luống...

Lễ hội Mường Xia cũng như các lễ hội, lễ tục của người Thái huyện Quan Sơn trong suốt chiều dài lịch sử đã thể hiện được nét văn hóa cộng đồng đặc sắc, khát vọng lớn lao của con người nhằm vươn tới một cuộc sống ấm no, hạnh phúc và tốt đẹp hơn. Vì vậy, điều quan trọng nhất chính là bảo tồn và khôi phục những lễ tục, lễ hội ấy, góp phần làm sống dậy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Anh Ngọc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/bao-ton-cac-le-tuc-le-hoi-dac-sac-cua-dong-bao-thai-quan-son/128801.htm