Bảo tồn các di sản tranh: Không làm nhanh sẽ chẳng còn gì

Lần đầu tiên, công chúng yêu nghệ thuật được thưởng lãm hai trong 3 kiệt tác phù điêu đầu thế kỷ 20 bằng phiên bản do họa sĩ Trần Hậu Yên Thế cùng cộng sự của anh phục dựng trong triển lãm 'Mỹ thuật Đông Dương và nghệ thuật ứng dụng'.

Hiện nay, những bức phù điêu này đang bị “mắc kẹt” trong Trường Mỹ thuật Hà Nội. Điều này cũng đặt ra vấn đề ứng xử với di sản tranh ở nước ta, làm thế nào để đưa di sản tiếp cận với công chúng?

Của quý ít người biết

Ba bức phù điêu do thế hệ đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương Georges Khánh, Vũ Cao Đàm và Lê Tiến Phúc thực hiện dưới sự chỉ đạo của GS Charles Jean Christian vào năm 1930. Phù điêu với chiều dài 39m, cao 2m để chuẩn bị cho trang trí sảnh lớn của Cung Đông Dương (tại Đấu xảo Thuộc địa quốc tế Paris năm 1931).

Bức phù điêu “Nông nghiệp” (Vũ Cao Đàm), “Ngư nghiệp” (Georges Khánh) và “Công thương nghiệp” (Lê Tiến Phúc) đã tái hiện cuộc sống lao động bình dị của người nông dân Việt Nam. Với kích thước lớn, cao hơn cả người thật, ba bức phù điêu là tượng đài khá hoành tráng về người Việt.

Sau gần 90 năm, các bức phù điêu này vẫn là công trình đồ sộ bậc nhất ở Đông Dương, là khúc tráng ca hào hùng tôn vinh vẻ đẹp con người Việt Nam trong lao động sản xuất. Dù vậy, các bức phù điêu này đang bị “mắc kẹt” giữa bức tường trong Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội nên dù đã từng được nghe nói tới, nhưng không mấy người được trực tiếp ngắm nhìn chúng.

Chỉ có thế hệ 80-90 tuổi mới được nhìn các bức phù điêu này một cách rõ nét. Còn thế hệ 60-70 tuổi cũng chỉ nhìn “thoáng qua”. Thế hệ trẻ hơn chỉ được xem nó qua các tư liệu để lại. Và nhiều năm nay, câu chuyện “giải cứu” ba bức phù điêu này vẫn là nỗi trăn trở của rất nhiều nghệ sĩ, làm thế nào để đưa di sản tiếp cận với công chúng.

Bản gốc bức phù điêu do nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi cung cấp.

Bản gốc bức phù điêu do nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi cung cấp.

Nhà phê bình mỹ thuật Phạm Long chia sẻ: “Các cơ quan chức năng cần có những hành động thiết thực để bảo vệ hai bức phù điêu này, tạo điều kiện cho mọi người dân được thực thi quyền tiếp cận các di sản quý báu!".

Tiếc nuối và trăn trở, nhiều nhà chuyên môn đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần tiến hành khảo sát để đưa ra biện pháp “giải cứu” nhằm bảo vệ tốt nhất di sản nghệ thuật hiếm có này.

Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi đề nghị nên chuyển bức phù điêu này vào Bảo tàng để bảo quản tốt hơn và cũng để công chúng có cơ hội thưởng lãm. Còn nhà phê bình mỹ thuật Phạm Long cho rằng, các cơ quan chức năng cần đánh giá hiện trạng vật lý và giá trị di sản của các phù điêu này.

Hồ sơ để công nhận di sản và tìm phương án bảo tồn tối ưu nhất cho hiện vật là điều rất cần thiết. Theo ông, phương án bảo tồn nguyên trạng trên tòa nhà hiện nay là tốt nhất, vì giữ được phù điêu và cả tòa nhà còn lại của Trường Mỹ thuật Đông Dương - kiến trúc độc đáo về một xưởng vẽ thời kỳ 1929-1930.

Kiệt tác của Nguyễn Gia Trí bị hư hỏng nặng.

Tìm đường đưa di sản đến với công chúng

Trước mắt, công việc giải cứu ba bức phù điêu còn khó khăn, nhóm họa sĩ Trần Hậu Yên Thế, Vũ Xuân Đông và Đinh Văn Trọng quyết định phục dựng lại tác phẩm này. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế cho biết: “Chúng tôi chỉ làm tỷ lệ 4/10, kích thước nhỏ hơn kích thước thật nhiều lần để có thể trưng bày ở Bảo tàng Hà Nội.

Dư luận đã lên tiếng, công chúng quan tâm về việc “giải cứu” những bức phù điêu này và chúng tôi thấy phải làm sao để cho mọi người thấy được hình hài tác phẩm quan trọng đó. Không thể chụp ảnh được do bị vướng các bức tường nên chúng tôi đi đến quyết định là càng sớm càng tốt phải làm được phiên bản, phục dựng trên nguồn tư liệu chụp cận cảnh và mày mò từ những góc chụp ghép dần vào”.

Công việc phục dựng các kiệt tác phù điêu này không đơn giản vì nguồn tài liệu không có nhiều, trong khi đó, tác phẩm gốc lại không được tiếp cận. Nhà điêu khắc Đoàn Văn Bằng và nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi ở Pháp đã gửi những bức ảnh chụp khi những tòa nhà mới xây xong. Và trên cơ sở nguồn tư liệu đó, cùng với sự hỗ trợ kinh phí của Bảo tàng Hà Nội, Trần Hậu Yên Thế cùng các nghệ sĩ đã bắt tay vào thực hiện.

Quá trình làm tương đối thuận lợi vì nghệ sĩ có nghề và hiểu về điêu khắc trang trí thời kỳ này. Khoảng một tháng, bức “Ngư nghiệp” đã hoàn thành, bức “Nông nghiệp” mới dừng ở công đoạn làm đất, phù điêu “Công thương nghiệp” thì khó phục dựng bởi không có tư liệu gốc, tư liệu ảnh có được thì manh mún vì khó tiếp cận quá do sát tường. Sắp tới nhóm sẽ tìm nguồn tài trợ để đổ khuôn phù điêu “Nông nghiệp” của nhà điêu khắc Vũ Cao Đàm, giúp công chúng có thể thấy phiên bản của các tác phẩm giá trị này.

Ba phù điêu được đánh giá là đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc đầu thế kỷ nhưng nay bị bó cứng trong các lớp bê tông lạnh lùng. Trong điều kiện như vậy, các phiên bản phù điêu là một nửa chặng đường để di sản đến được với công chúng. Tuy nhiên, theo các nghệ sĩ, chúng ta cần một chính sách để cởi mở cho các tác phẩm.

Phiên bản của các bức phù điêu được trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội.

Ông Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật cho rằng: “Việc bảo vệ các di sản tranh ở nước ta còn nhiều bất cập. Nếu trong nước chúng ta không biết quý trọng các giá trị của mình thì chúng ta sẽ bị cộng đồng quốc tế coi thường; bằng chứng là mấy năm qua, tranh của ta bị làm giả đưa lên sàn đấu giá một cách ngang nhiên, công khai. Tôi nghĩ, một phần lỗi do chính trong nước chưa có các chính sách bảo vệ tranh quý - các di sản của cha ông để lại.”

Trước đó, bức tranh được xếp vào bảo vật quốc gia “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của họa sĩ Nguyễn Gia Trí bị hư hỏng nặng dù đang được trưng bày trong Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh.

Đáng nói ở đây, “Vườn xuân Trung Nam Bắc” được công nhận là bảo vật quốc gia từ 2014 nhưng mãi hơn 2 tháng kể từ khi sự việc xảy, đến ngày 23-4, Bộ VH-TT&DL mới có công văn gửi Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; Cục Di sản; Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam yêu cầu kiểm tra việc bảo quản này. Bức tranh được cố họa sĩ hoàn thành trong 20 năm, từ 1969 đến 1989 đến nay mới chỉ hơn 50 năm nhưng đã bị hư hỏng nặng. Vấn đề đặt ra ở đây là chúng ta đã ứng xử với di sản như thế nào.

“Hiện nay, có thể không cố ý nhưng chúng ta hơi vô tình, vô trách nhiệm và thiếu hiểu biết khi ứng xử với các di sản. Và điều quan trọng là chúng ta thiếu một trái tim, có thể không hiểu, nhưng chúng ta xúc động thì chúng ta có thể tìm tòi để hiểu. Và biết cách bảo vệ các giá trị đó. Vấn đề quan trọng là chúng ta đang lãng phí tài nguyên văn hóa, nó có thể chuyển đổi thành tiền được. Văn hóa có một thách thức lớn trước sự phát triển như vũ bão của đời sống”, họa sĩ Trần Hậu Yên Thế chia sẻ.

Và thay vì kêu gọi, anh bắt tay vào hành động, để di sản hơn 90 năm tuổi kia của ông cha được hiện hữu, dù chỉ là phiên bản, để tiếng nói của anh và các nghệ sĩ trên con đường đấu tranh cho di sản có trọng lượng hơn. Anh lạc quan: “Nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Thành đến xem rất xúc động. Khi nó được làm thành phiên bản, nó hiệu hữu thì tiếng nói sẽ thực sự có trọng lượng”.

Triển lãm “Mỹ thuật Đông Dương và nghệ thuật ứng dụng tại Hà Nội – nửa đầu thế kỷ XX” do Bảo tàng Hà Nội và Hội Kiến trúc sư Hà Nội phối hợp tổ chức, diễn ra đến ngày 15-3-2020.

Triển lãm giới thiệu đến công chúng về một giai đoạn vàng son của mỹ thuật Việt Nam, sự chuyển mình từ nền mỹ thuật dân gian truyền thống sang nền mỹ thuật phương Tây hiện đại kết hợp với mỹ thuật truyền thống Việt. Triển lãm gồm 3 phần: Giao thoa văn hóa; Trường Mỹ thuật Đông Dương 1924 – 1945; Mỹ thuật ứng dụng.

Các hình ảnh, tư liệu, hiện vật đã nêu bật thành tựu của mỹ thuật Việt Nam là sự kết hợp nhuần nhuyễn của hội họa, điêu khắc, kiến trúc, nghệ thuật ứng dụng, là một cuộc cách mạng thẩm mỹ quan trọng vào đầu thế kỷ XX.

Linh Nguyễn

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/bao-ton-cac-di-san-tranh-khong-lam-nhanh-se-chang-con-gi-567304/