Báo Thái Lan 'mổ xẻ' lý do thành công của đội tuyển Việt Nam thời gian qua

Liên tiếp bị tuyển Việt Nam vượt mặt, tờ Siam Sports (Thái Lan) đã có bài phân tích về thành công của 'Rồng vàng' trong thời gian qua.

 Ảnh Đ.H.

Ảnh Đ.H.

Trong những năm qua, bóng đá Việt Nam liên tiếp gặt hái thành công ở nhiều cấp độ đội tuyển. Khởi đầu từ ngôi Á quân giải U23 Châu Á 2018, đội bóng có biệt danh "Những ngôi sao vàng" tiếp tục lọt tới top 4 Đại hội thể thao Châu Á năm 2018, vô địch AFF Cup và lọt tới trận tứ kết Asian Cup hồi đầu năm.

Trước đó, lứa trẻ U20 của Quang Hải, Văn Hậu, Đình Trọng... từng tạo kì tích lần đầu tiên tham dự U20 World Cup 2017. Những thành công kể trên đe dọa nghiêm trọng tới ngôi vị số 1 Đông Nam Á mà Thái Lan đã thống trị từ lâu.

Đáng chú ý, trong ba lần đối đầu gần nhất ở cấp độ U23 và cả đội tuyển Quốc gia, người Thái đều gục ngã trước đoàn quân của HLV Park Hang-seo.

Tại King's Cup 2019 vừa kết thúc, dù có sự chuẩn bị chu đáo và triệu tập lực lượng mạnh, đội bóng có biệt danh "Voi chiến" vẫn phải nhận thất bại 0-1 sau pha làm bàn ở phút cuối cùng của tiền đạo Anh Đức.

Quang Hải là "sản phẩm" chất lượng từ công tác đào tạo trẻ thời gian gần đây. Ảnh Minh Tùng

Mới đây, tờ Siam Sports đã có bài viết phân tích kỹ về những thành công của bóng đá Việt Nam. Bài báo có tiêu đề: "Việt Nam thực hiện 3 lộ trình để hướng đến mục tiêu World Cup" tập chung phân tích cụ thể lộ trình phát triển mà VFF đề ra cho mục tiêu tham dự World Cup của ĐT Việt Nam.

Cũng theo tác giả bài viết, VFF đã vạch đường hướng phát triển cho bóng đá Việt Nam theo ba mốc:

Thứ nhất, kế hoạch ngắn hạn: Tập trung vào hiệu suất của đội tuyển quốc gia. Tạo cơ hội thăng tiến trên bảng xếp hạng bằng cách tổ chức các giải bóng đá, các giải đấu khác nhau của châu lục.

Ngoài ra, cần phải giữ niềm tin từ người hâm mộ, truyền cảm hứng cho trẻ em phấn đấu trở thành tuyển thủ Quốc gia. Ở cấp độ trẻ, tập trung vào việc vượt qua vòng loại cuối cùng của Châu Á để tích lũy kinh nghiệm cũng như tạo sự phát triển cho cầu thủ.

Những lứa trẻ của bóng đá Việt Nam được đào tạo bài bản. Ảnh VFF

Thứ hai, kế hoạch trung hạn: Tăng cường chất lượng đội ngũ huấn luyện viên để tạo ra các lứa cầu thủ kế cận có tiềm năng. Đồng thời, ở mỗi đội tuyển sẽ có các cựu tuyển thủ có kiến thức để làm việc với HLV để truyền đạt kinh nghiệm và xây dựng triết lý bóng đá sâu sát.

Sử dụng các cầu thủ từng là huyền thoại bóng đá hoặc HLV để làm việc với các cầu thủ tiềm năng, giúp nâng cao kinh nghiệm, trình độ để các tài năng trẻ phát triển.

Thứ ba, kế hoạch dài hạn: Từ năm 2018, VFF bắt đầu thuê “phù thủy trắng” Philippe Troussier, huấn luyện viên hàng đầu của Pháp đến để quản lý quy hoạch phát triển bóng đá Việt Nam một cách nghiêm túc. Cựu HLV ĐTQG Nhật Bản đến làm việc toàn thời gian, xây dựng dự án đội tuyển quốc gia trong tám năm với kế hoạch cụ thể để phát triển cầu thủ.

Tuyển Việt Nam thi đấu ngang ngửa với ĐT Curacao tại King's Cup 2019. Ảnh Minh Tùng

Ngoài việc thuê Troussier, VFF cùng với khu vực tư nhân đã tạo ra một trung tâm đào tạo bóng đá tuyệt vời tại Hà Nội có tên là “Quỹ Đầu tư và Phát triển Tài năng bóng đá Việt Nam (PVF). Trong tương lai gần, phía Việt Nam sẽ chuẩn bị xây dựng một trung tâm đào tạo khác có cùng đặc điểm được tích hợp đầy đủ tại TP. Hồ Chí Minh. Mục tiêu lớn nhất của họ là tham dự World Cup 2030.”

Vào tháng 9, đội tuyển Việt Nam sẽ trở lại hội quân để thi đấu tại vòng loại World Cup 2022. Đoàn quân của HLV Park Hang-seo nằm trong nhóm hạt giống số 2 trước buổi lễ bốc thăm chia bảng World Cup, tránh được những đối thủ như Iraq, Syria, Uzbekistan... tại vòng bảng.

Cát Tường

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/bong-da/bao-thai-lan-mo-xe-ly-do-thanh-cong-cua-doi-tuyen-viet-nam-thoi-gian-qua-738214.ldo