Bảo tàng văn minh lúa nước: Lưu giữ hồn quê

Ấp ủ dự định hơn 20 năm, TS Nguyễn Quang Cương – nguyên giảng viên Trường ĐHSP Quy Nhơn cùng gia đình mới có cơ hội giới thiệu với bạn bè công trình bảo tàng văn minh lúa nước tại quê nhà Hà Tĩnh.

Khách tham quan Bảo tàng Hoa Cương.

Khách tham quan Bảo tàng Hoa Cương.

Quý giá những cổ vật xưa

Nghe “tin đồn” TS Nguyễn Quang Cương xây bảo tàng từ lâu những mãi đến năm 2019, bạn bè chúng tôi mới có dịp đến tận nơi tham quan công trình văn hóa mà thầy giáo dạy Văn cùng gia đình tâm huyết làm nên.

Con đường tỉnh lộ 22 đưa chúng tôi đến khu đất rộng thuộc xã An Lộc (nay thuộc huyện Lộc Hà) phía trước có tấm bảng khắc dòng chữ đỏ thắm: “Bảo tàng truyền thống Hoa Cương” trên tảng đá màu xám tro. Đến với Bảo tàng văn hóa Hoa Cương, mọi người như được trở về với những làng quê nông thôn Việt Nam sau rặng tre xanh cùng bao ký ức bồi hồi của tuổi ấu thơ chân bùn tay lấm.

Vào đến sân, đập vào mắt mọi người là vô số lu sành, chum vại, ché hũ đứng chen chúc nhau như phơi mình chào đón khách dù dưới nắng trưa gay gắt của vùng đất gió Lào khắc nghiệt. Một điểm nhấn ấn tượng hơn phía bên trái sân là chiếc thuyền có niên đại đến vài trăm năm như một cổ vật quý.

Trong ngôi nhà 2 tầng, toàn bộ cổ vật được trưng bày theo lớp lang chẳng khác gì bảo tàng chính quy. Nhiều người thật sự ngỡ ngàng trước những hiện vật mà lâu lắm rồi mình chưa được gặp lại. Đó là chiếc nhủi xúc cá, cối giã gạo, mâm cơm gỗ, rế đựng nồi... Ký ức tuổi thơ từng sống nơi ruộng đồng cũng ùa về theo bước chân khách tham quan.

Mọi người như cảm nhận được mùi bùn ngai ngái trên chiếc bừa 51. Nhìn chiếc mủng, giần như thấy bóng mẹ ngày xưa còn vất vả trong mùa thu hoạch lúa. Đó còn là hình ảnh thân thương của người cha mang cày ra ruộng lúc trời chưa sáng rõ. Khách đứng lên cối giã gạo để nhớ lại âm thanh một thời. Chiếc áo tơi là đặc sản của vùng quê Hà Tĩnh cũng được vài người ướm thử để che bớt cái nắng khắc nghiệt nơi đây.

Có thể chia các hiện vật ra làm nhiều loại nhưng nhiều nhất vẫn là nông cụ. Điều đáng quý là các dụng cụ làm nông đều được đan lát từ tre nứa, bện bằng giang mây mang đậm hồn cốt cây tre Việt Nam như đơm đó, giần sàng, nong nia...

Dụng cụ bằng gỗ chủ yếu là đồ dùng trong nhà như cối giã gạo, cối xay thóc, trục lúa bông... Có hiện vật chỉ vài chục năm nhưng có hiện vật có tuổi đời vài trăm năm mà cả gia đình ông đi sưu tầm được.

TS Quang Cương chia sẻ: “Đây là những dụng cụ ở vùng nông thôn. Trong cuộc sống hiện đại ngay cả vùng thôn quê cũng có thể lãng quên những hiện vật này. Vì thế, tôi và 9 anh chị em trong nhà muốn lưu giữ những kỷ vật tuy mộc mạc nhưng là hồn cốt của nông thôn Việt Nam một thời”.

Nhiều hiện vật còn là “nhân chứng lịch sử” của thời bao cấp mà chủ yếu là những đồ dùng bằng sắt tráng men như thau chậu, chén bát, đèn Hoa kỳ, xe đạp cũ, tivi trắng đen...

Thế hệ học sinh một thời bom đạn cũng có thể gặp lại chính mình trong Bảo tàng Hoa Cương với chiếc va ly đựng quần áo khu nội trú, mũ cối đi lao động công trình. Tất cả làm nên một dòng chảy ký ức đủ sắc màu thời gian như chạm đến những gì còn lắng đọng trong tận sâu thẳm hoài niệm của lòng người.

Tình yêu từ những giá trị văn hóa

Ở một góc trang trọng hơn, những hiện vật thời chiến gây xúc động mạnh đến mọi giác quan của khách. Đó là chiếc mũ rơm tránh bom bi, nón cối của anh bộ đội trên công sự, chiếc xẻng đào hầm của người lính công binh.

Tất cả làm nên một bức tranh lịch sử được viết bằng lòng dũng cảm và sự hy sinh của một thế hệ cha ông trên mảnh đất Hồng Lam.

TS Nguyễn Quang Cương tại bảo tàng.

Ảnh: T.G

Theo TS Quang Cương, nông thôn Việt vốn gắn chặt với nền văn minh lúa nước, nơi nuôi dưỡng những tâm hồn đa cảm như từng nông cụ họ làm nên. Vật dụng ngày xưa đều được làm thủ công.

Do đó, mỗi hiện vật đều thể hiện sự khéo tay, sắc sảo và cả công phu của các thợ lành nghề thời ấy. Họ đã tốn rất nhiều công sức và tâm huyết để làm ra những hiện vật.

Quan trọng hơn, mỗi hiện vật đều gắn với nét văn hóa trong từng thời kỳ. Người nông dân là một nghệ sĩ khéo tay trong công việc đan lát, đục đẽo.

Nhìn vào gia tài của bảo tàng, nhiều người thắc mắc về nguồn cung cấp và kinh phí. TS Cương bày tỏ: Trước hết, đó là công sức của những người thân trong gia đình dòng họ Nguyễn Quang mà 10 anh em là trụ cột.

Hưởng ứng lời kêu gọi của gia đình, bạn bè và họ hàng khắp nơi cũng ra sức ủng hộ bằng cách thu nhặt, tìm kiếm những gì thuộc về dĩ vãng để làm giàu thêm bộ sưu tập cho Hoa Cương.

Ngoài việc rong ruổi sưu tầm, TS Cương còn dành thời gian gặp gỡ những chuyên gia bảo tàng và giới sưu tầm đồ cổ khắp mọi miền để nâng cao kiến thức sắp xếp bảo tàng đúng chất chuyên nghiệp. Kho hiện vật của ông hiện mới chỉ đón khách là người thân khắp nơi đến tham quan, tìm hiểu.

Tôi muốn con cháu sau này khi tìm hiểu được tận mắt chứng kiến, sờ thấy các vật dụng thô sơ của cha ông ngày xưa, các nông cụ sản xuất chủ yếu dùng bằng sức người. Mặc dù họ đã lao động gian khổ như thế nhưng vẫn quật cường trải qua các cuộc kháng chiến, gìn giữ toàn vẹn non sông ngày hôm nay. Các thế hệ sau này ngẫm về những người đi trước để cố gắng phấn đấu xây dựng đất nước xứng đáng với công sức cha ông đã bỏ ra - TS Nguyễn Quang Cương.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/bao-tang-van-minh-lua-nuoc-luu-giu-hon-que-20200329174936292.html