'Bảo tàng sống' văn hóa dân tộc Tày ở Bình Liêu

Huyện Bình Liêu có 5 dân tộc anh em cùng sinh sống với trên 96% là đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó người Tày chiếm 58,4% dân số. Nhằm bảo tồn những giá trị văn hóa đang có nguy cơ mai một của dân tộc Tày, huyện đã nghiên cứu thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu tộc người Tày tại bản Đồng Thanh, xã Hoành Mô.

Không chỉ là nơi bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, bản văn hóa người Tày còn được định hình là điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Bình Liêu.

Những ngôi nhà cổ trăm năm tuổi của người Tày ở bản Đồng Thanh (xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu).

Những ngôi nhà cổ trăm năm tuổi của người Tày ở bản Đồng Thanh (xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu).

Đậm nét văn hóa của người Tày

Nằm cách Cửa khẩu Hoành Mô chừng 1km, cách trung tâm huyện 13km, Đồng Thanh là bản có đông đồng bào dân tộc Tày nhất của huyện Bình Liêu: 106 hộ/406 nhân khẩu, trong đó 92,5% là dân tộc Tày. Đến Đồng Thanh, điều dễ dàng nhận biết, phân biệt nơi cư trú của dân tộc Tày với những tộc người khác chính là hệ thống nhà cổ. Hiện bản còn gần 20 căn nhà đất lợp ngói âm dương truyền thống, trong đó có 6 ngôi nhà cổ có tuổi thọ gần trăm năm tuổi còn khá nguyên vẹn. Trong số đó, căn nhà của ông Phan Ngọc Sinh được xem như “bảo tàng” thu nhỏ của tộc người Tày ở đây.

Theo trí nhớ của ông Sinh, căn nhà này trải qua 5 đời người, tồn tại đến nay đã hơn 1 thế kỷ. Năm 1969, ông sửa căn nhà sàn thành nhà đất như hiện nay để tiện cho việc sinh hoạt, nhưng vẫn giữ nguyên cấu trúc và những nét kiến trúc cũ. Căn nhà rộng 110m2 có 3 gian, 2 chái, 6 phòng; được chia thành nhiều khu vực: Khu thờ tổ tiên, khu tiếp khách, khu bếp, khu chứa lương thực và nông cụ... Bên cạnh những nét kiến trúc đặc trưng của người Tày, căn nhà còn lưu giữ nhiều vật dụng, đồ dùng sinh hoạt, dụng cụ sản xuất có tuổi đời từ rất lâu như sổ sách tiếng Hoa, đầu đĩa, nồi đồng, khung cửi dệt vải, bàn là “con gà” cho đến máy quạt lúa, cối giã gạo, cuốc, mai v.v..

Ông Sinh chia sẻ: “Chẳng biết căn nhà được dựng lên từ năm nào, nhưng tôi được sinh ra, lớn lên trong căn nhà này; đến bây giờ là các con, cháu của tôi. Tôi muốn giữ lại những nét văn hóa đại diện của dân tộc để con cháu đời sau biết về nguồn cội, gốc gác, nên nhiều năm nay tôi không phá dỡ để xây nhà mới cũng như chưa tu sửa gì nhiều. Tôi cũng đã căn dặn con, cháu phải giữ nguyên ngôi nhà này như vốn quý”.

Ông Phan Ngọc Sinh còn lưu giữ được nhiều vật dụng, đồ dùng sinh hoạt và nông cụ có tuổi hàng chục năm.

Trong không gian buổi chiều tĩnh lặng bảng lảng sương mờ, bỗng nghe có tiếng hát then, đàn tính vọng lại. Giọng nam trầm ấm, vang rền vọng đến từ căn nhà cổ của ông Trần Sìu Thu, nằm đối diện nhà ông Sinh. Ông Thu cũng là một trong những người tâm huyết gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc Tày. Không chỉ giữ nguyên được căn nhà cổ do ông cha để lại, ông còn nghiên cứu, sưu tầm nhiều làn điệu hát then, đàn tính, cũng như tham gia bảo tồn và truyền dạy loại hình văn nghệ dân gian này cho lớp trẻ. Hiện ông là chủ nhiệm CLB văn nghệ của xã. Như thói quen, chiều hôm ấy, ông lại ngồi trước hiên nhà hát then, gẩy đàn.

Bà Ngô Thị Công, Phó Chủ tịch UBND xã Hoành Mô, cho biết: “Là tộc người sống lâu đời ở địa phương, hiện đồng bào dân tộc Tày vẫn giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng về kiến trúc nhà ở, nhạc cụ dân tộc, trang phục truyền thống, văn hóa ẩm thực, phong tục, tập quán, lễ hội mang đậm bản sắc. Nhiều nghệ nhân vẫn đủ tri thức, năng lực trao, truyền di sản văn hóa phi vật thể của người Tày tại địa phương. Hầu hết người dân trong bản rất sẵn sàng và mong muốn được tham gia vào quá trình khôi phục, bảo tồn giá trị truyền thống của dân tộc”.

Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa đặc sắc

Bà Hoàng Thị Nghị, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, cho biết: Là huyện giáp biên, việc lựa chọn một thôn, bản hoặc cụm liên vùng để quảng bá văn hóa, phát triển kinh tế, trong đó có kinh tế du lịch là rất cần thiết. Song địa điểm lựa chọn phải đảm bảo các tiêu chí, như: Gần biên giới để quảng bá văn hóa; còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể; có khả năng thu hút, tạo điểm nhấn, sân chơi để giao lưu văn hóa - kinh tế giữa hai quốc gia... Bản Đồng Thanh hội tụ đủ các yếu tố để xây dựng thành bản văn hóa dân tộc đặc trưng của người Tày. Vì vậy, huyện đã nghiên cứu, xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu tộc người Tày Bình Liêu tại bản Đồng Thanh, xã Hoành Mô giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030”.

Một góc bản Đồng Thanh (xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu) hiện nay.

Để từng bước tái tạo lại không gian văn hóa truyền thống của người Tày thành “bảo tàng sống” ở Đồng Thanh, huyện tập trung bảo tồn cả bản với tổng diện tích 291,5ha, trong đó vùng lõi bảo tồn khoảng 71ha; đặc biệt là bảo tồn 8 căn nhà còn giữ được các nét văn hóa kiến trúc của người Tày và không gian tín ngưỡng thờ cúng. Đồng thời, bảo tồn các công cụ lao động sản xuất và sinh hoạt, trang phục truyền thống, ẩm thực dân tộc, nghệ thuật dân gian... Giai đoạn 2018-2019, huyện xây dựng hoàn thiện hạ tầng trung tâm hoạt động văn hóa - thể thao, tổ chức sự kiện phục vụ các hoạt động văn hóa, vui chơi thể thao cho người dân cũng như du khách đến tham quan. Huyện phấn đấu đến năm 2020, xây dựng bản Đồng Thanh thành bản văn hóa - du lịch đặc trưng kiểu mẫu, bản nông thôn mới chất lượng cao. Cùng với đó, triển khai thí điểm trùng tu, nâng cấp một số căn nhà cổ để làm homestay; quy hoạch và tổ chức trồng hoa, tạo cảnh quan du lịch; hình thành các điểm, tuyến du lịch trên địa bàn...

Đến thời điểm hiện tại, Bình Liêu là một trong số ít địa phương của tỉnh triển khai đề án xây dựng một số thôn, làng, bản trở thành “bảo tàng sống”, nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp theo đúng tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TU của Tỉnh ủy. Xây dựng thành công bản văn hóa Đồng Thanh sẽ góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, từng bước hình thành sản phẩm phục vụ phát triển du lịch; tạo thêm giá trị kinh tế bền vững cho cộng đồng dân cư trong bối cảnh đời sống kinh tế - xã hội hiện tại, tương lai.

Ngô Dịu

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201903/bao-tang-song-van-hoa-dan-toc-tay-o-binh-lieu-2431913/