Bảo tàng loay hoay tìm hướng chuyển mình

Với nhu cầu hội nhập quốc tế ngày càng lớn, công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa nói chung và bảo tàng nói riêng càng đuợc chú ý đặc biệt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy với gần 200 bảo tàng công lập, tư nhân đang hoạt động thì chỉ có một vài đơn vị đang hoạt động hiệu quả.

Các bảo tàng tại Việt Nam đang loay hoay bởi mô hình phát triển xưa cũ. Ảnh minh họa.

Bảo tàng hay thành tích?

Ngày 26/11, tại Hà Nội, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm “Một số vấn đề xây dựng bảo tàng hiện đại”. Với sự tham gia của các chuyên gia ngành bảo tàng một lần nữa “căn bệnh trầm kha” về hướng tiếp cận những tư duy mới về làm bảo tàng đã được đưa ra “mổ xẻ”.

Theo đó, một trong những “căn bệnh” trong sự phát triển ngành bảo tàng những năm gần đây là xu hướng “hoành tráng” các công trình bảo tàng. Ở đó, từ các ngành đến các tỉnh thành phố xu hướng xây dựng bảo tàng đang trở thành một trào lưu chung. Thế nhưng dù tiến hành khá rầm rộ thì thực tế hiệu quả của hầu hết các bảo tàng chỉ là có “vỏ” mà không có “ruột”. Quy trình xây dựng tòa nhà trước, khánh thành trước, rồi vài năm sau mới chuẩn bị trưng bày, khánh thành trưng bày đang là một hiện trạng bật cấp của ngành bảo tàng hiện nay. Ở đó, nguyên nhân chính là từ ngày những nhà quản lý không có kế hoạch, không tính toán một cách đồng bộ để vừa chuẩn bị xây dựng tòa nhà vừa chuẩn bị nội dung. Thậm chí, với nhiều tỉnh thành còn là “căn bệnh” của việc chạy theo thành tích, gắn với các ngày kỷ niệm hay với các nhiệm kỳ của các vị lãnh đạo có liên quan.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy- nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho rằng, nghiên cứu các bảo tàng mới xây hay đang xây dựng thì thấy có một bất cập, một trở ngại cơ bản. Đó là cơ chế quản lý. Ngoài vấn đề cơ chế còn có vấn đề năng lực của các kiến trúc sư khi thiết kế bảo tàng. Hầu hết họ thiếu sự hiểu biết, kinh nghiệm thiết kế bảo tàng và điều cơ bản là thiếu sự tham vấn đóng góp của người có chuyên môn bảo tàng.

Bên cạnh đó, nhiều bảo tàng hiện nay không chuẩn bị đội ngũ nhân viên bảo tàng để đáp ứng kịp với yêu cầu đổi mới để đưa ra những yêu cầu về đổi mới và hiện đại hóa bảo tàng. Tư duy làm bảo tàng cứng nhắc, chậm đổi mới.

Bảo tàng phải là hồn cốt

Có thể thấy, hiện nay cách làm bảo tàng Việt Nam đang có một “mô hình” như viết sách giáo khoa hay triển lãm kiểu tuyên truyền. Chỗ nào thiếu hiện vật thì copy, phục chế, tái tạo, trích dẫn sách vở, lập bảng biểu thống kê hay thay thế bằng sáng tác các loại phù điêu. Chỗ nào sẵn hiện vật thì bày la liệt, thiếu trọng tâm trọng điểm, thiếu bố cục, tổ chức, thiếu thông tin dẫn dắt và cách kể chuyện. Tư duy làm bảo tàng theo kiểu một chiều, áp đặt, hầu như không nghiên cứu khách tham quan, không đánh giá điều tra nhu cầu công chúng và rất ít các chương trình giáo dục liên kết với trường học, với cộng đồng.

Theo bà Huỳnh Ngọc Vân- nguyên Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, muốn xây dựng được bảo tàng hiện đại cần đồng hành với ngành du lịch, có mối quan hệ chặt chẽ với các công ty du lịch, để tạo nguồn khách thường xuyên. Bên cạnh việc đầu tư, tổ chức các hoạt động để giữ chân khách, đội ngũ hướng dẫn viên cần được quan tâm, tuyển dụng, huấn luyện với yêu cầu cao. Bảo tàng cần xem khách hàng là thượng đế, kết nối với đội ngũ cộng tác viên, những nhân chứng của các sự kiện để các hoạt động được tổ chức thêm sinh động, hấp dẫn…

Còn theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy: “Nếu bảo tàng chỉ được xây dựng đẹp nhưng không có khách sẽ làm giảm vị trí của nó trong mắt công chúng. Ở các nước tiến tiến, vai trò của bảo tàng là một bộ mặt của một quốc gia, thành phố, ngành. Việt Nam chưa làm được điều đó”. Theo ông Huy, đừng nghĩ chỉ có bảo tàng lớn với phát huy hiệu quả mà bảo tàng có thể nhỏ nhưng xây dựng với chất lượng cao sẽ là thành công lớn. Bảo tàng là đơn vị tập hợp đa ngành, đa nghề, có 3 trụ cột chính là khoa học, nghệ thuật, công nghệ. Tất cả những trụ cột này liên quan mật thiết và chi phối lẫn nhau, được thể hiện một cách cụ thể để mang lại sự hấp dẫn cho công chúng. Hoạt động của bảo tàng hiện đại ngày nay chuyển từ lấy hiện vật làm trung tâm sang lấy con người làm trung tâm. Với bảo tàng báo chí, chủ thể đầu tiên là các nhà báo nên bảo tàng phải làm thế nào đề họ có thể tham gia vào hoạt động của bảo tàng và chia sẻ kinh nghiệm. Chủ thể thứ 2 là khách tham quan, cần phải kết nối họ với nhau, với các nhân chứng sống.

Đồng quan điểm, ThS. Triệu Hiển- nguyên Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam cho rằng, các trưng bày cố gắng tạo ra nhiều tương tác cho khách. Đừng nghĩ bảo tàng là một tháp ngà, là cái gì đó rất hàn lâm, hãy tìm cách để cho mọi hoạt động của bảo tàng gắn kết được giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Thực chất bảo tàng là nơi phản biện xã hội, nên các trưng bày của bảo tàng phải kể các câu chuyện mang hơi thở của đời sống đương đại.

Các bảo tàng thực sự đang có cơ hội để đổi mới nhưng cũng đang gặp rất nhiều thách thức và bất cập. Để khắc phục những bất cập trên, quan trọng nhất là phải nhận thức ra những sai lầm trong quan niệm về chỉ đạo tổ chức xây dựng bảo tàng. Nếu chưa thấy mình sai, chưa thấy bất cập thì không bao giờ sửa được và để lỡ mất cơ hội.

Minh Quân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/bao-tang-loay-hoay-tim-huong-chuyen-minh-tintuc423720