Bảo tàng Lịch sử Quốc gia: Độc đáo 300 báu vật khảo cổ học

VH- Trưng bày chuyên đề 'Báu vật khảo cổ học Việt Nam' sẽ khai mạc sáng 12.4 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, giới thiệu gần 300 hiện vật khảo cổ học tiêu biểu từ thời Tiền sử đến thế kỷ XVII - XVIII trên mọi miền đất nước nhằm giới thiệu đến công chúng trong và ngoài nước về lịch sử, văn hóa Việt Nam thông qua những thành tựu nghiên cứu của khảo cổ học. Trưng bày kéo dài đến hết tháng 7.2018.

Mô hình nhà bằng đất nung

Rìu tay (Núi Đọ, Thanh Hóa)

Chum táng (Động Cườm - Bình Định)

Trải qua hơn một thế kỷ hình thành và phát triển, khảo cổ học VN đã đạt được nhiều thành tựu lớn, từ những phát hiện nhỏ lẻ về các nền văn hóa sơ kỳ đá mới như Hòa Bình, Bắc Sơn… và bước đầu nghiên cứu các nền văn hóa thời kim khí như Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo của các học giả phương Tây. Sau năm 1954, các nhà khảo cổ học VN tiếp tục phát hiện và nghiên cứu thêm nhiều nền văn hóa thuộc các giai đoạn khác nhau, góp phần lấp những “khoảng trống” trong lịch sử VN. Khảo cổ học VN cũng đã đóng góp nguồn tư liệu quan trọng làm sáng tỏ hơn cội nguồn dân tộc và văn hóa Việt Nam, đặc biệt là thời kỳ lịch sử từ thế kỷ I đến đầu thế kỷ XX.

Trưng bày “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” sau cuộc “chu du” thành công tại CHLB Đức (từ tháng 10. 2016 đến 2.2018) đã trở về và tiếp tục giới thiệu gần 300 hiện vật độc đáo đến công chúng trong một cuộc triển lãm cùng tên tại Hà Nội.

Tượng sư tử (Mỹ Sơn, Quảng Nam)

Trống Sao Vàng

Trưng bày được thiết kế ấn tượng theo các chủ đề: Báu vật Khảo cổ học thời Tiền sử, Báu vật Khảo cổ học Thời đại Kim khí, Báu vật Khảo cổ học lịch sử. Theo đó, mỗi chủ đề đều tập trung giới thiệu những hiện vật tiêu biểu của một số di tích khảo cổ học ở từng thời kỳ.

Ở thời Tiền sử, hiện vật được tập trung giới thiệu gồm các loại hình như: Công cụ lao động, đồ trang sức bằng đá, đồ gốm... được tìm thấy tại các di chỉ thuộc nhiều vùng miền như: Rìu tay bằng đá di chỉ Núi Đọ (Thanh Hóa) thuộc thời đại Đá cũ; những công cụ đá điển hình của văn hóa Hòa Bình; Phác vật rìu di chỉ Núi Voi (Đông Sơn - Thanh Hóa); Công cụ chặt di chỉ Gò Rừng Sậu (Sơn Vi - Phú Thọ)…

Ở thời đại kim khí, VN đã hình thành 3 trung tâm văn hóa lớn: Văn hóa Đông Sơn ở miền Bắc, văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung, văn hóa Đồng Nai ở miền Nam. Trưng bày cũng đã lựa chọn, giới thiệu nhiều hiện vật khảo cổ học giá trị ở ba trung tâm văn hóa lớn này.

Nhiều hiện vật đặc biệt giá trị ở chủ đề “Khảo cổ học lịch sử” cũng đưa đến cho công chúng những khám phá bất ngờ. Chủ đề này được trưng bày theo các nội dung: Việt Nam 10 thế kỷ đầu Công nguyên, Văn hóa Óc Eo- Phù Nam, Champa và Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, Văn hóa- văn minh Đại Việt.

THỦY AN

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/b%E1%BA%A3o-t224ng-l%E1%BB%8Bch-s%E1%BB%AD-qu%E1%BB%91c-gia-%C4%91%E1%BB%99c-%C4%91225o-300-b225u-v%E1%BA%ADt-kh%E1%BA%A3o-c%E1%BB%95-h%E1%BB%8Dc