Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam tạm đóng cửa 3 ngày

Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) sẽ tạm dừng đón khách tham quan từ ngày 3 đến hết 5-11, để phục vụ công tác tuyên truyền 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và sẽ mở cửa trở lại vào ngày 6-11.

Bảo tàng có thiết kế hiện đại, nhiều công năng, kiến trúc không chỉ đơn thuần là một công trình trưng bày về lịch sử chiến tranh mà còn tạo không gian chung để khách tham quan tương tác, trải nghiệm

Bảo tàng có thiết kế hiện đại, nhiều công năng, kiến trúc không chỉ đơn thuần là một công trình trưng bày về lịch sử chiến tranh mà còn tạo không gian chung để khách tham quan tương tác, trải nghiệm

Trước đó, sau 5 năm khởi công, sáng 1-11, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chính thức mở cửa đón người dân, du khách tới tham quan. Trong 2 tháng đầu tiên, vé vào cửa sẽ được miễn phí toàn bộ. Bảo tàng là công trình quan trọng hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 / 22-12/-2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 / 22-12-2024). Bảo tàng có thiết kế hiện đại, nhiều công năng, kiến trúc không chỉ đơn thuần là một công trình trưng bày về lịch sử chiến tranh mà còn tạo không gian chung để khách tham quan tương tác, trải nghiệm về cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Điểm nhấn trước khuôn viên bảo tàng là Tháp Chiến thắng cao 45m, tượng trưng cho năm 1945 đất nước giành độc lập. Không gian trưng bày chính của bảo tàng là tòa nhà cao 35,8m, gồm 4 tầng nổi và một tầng bán âm.

Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đang lưu giữ, trưng bày hơn 150.000 hiện vật. Trong đó, có 4 Bảo vật quốc gia gồm 2 máy bay MiG-21 số hiệu 4324 và 5121, xe tăng T54B số hiệu 843 và bản đồ quyết tâm chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Các hiện vật máy bay, xe tăng và nhiều loại khí tài lớn thu được trong các cuộc kháng chiến, gắn bó với nhiều sự kiện, nhân vật lịch sử quan trọng sẽ được trưng bày ở 2 khu vực bên cạnh quảng trường, diện tích hơn 20.000m2. Không gian trưng bày bên trong bảo tàng tại tầng 1 được chia làm 6 chủ đề, sắp xếp theo trình tự thời gian và bố cục hợp lý. Các hiện vật đều được chú thích cụ thể, đính kèm với thông tin sự kiện. Loại hình thể hiện rất đa dạng, bao gồm văn bản, màn hình tra cứu thông tin, media tư liệu ảnh, thuyết minh tự động audioguide và mã QR tra cứu thông tin hiện vật, hình ảnh.

Phạm Hương

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/bao-tang-lich-su-quan-su-viet-nam-tam-dong-cua-3-ngay-post594353.antd