Bảo tàng hóa thạch có một không hai của 'gã khùng' nơi phố núi

Sau hàng chục năm sưu tầm những vỏ ốc, thớ gỗ hóa thạch, ông Hoàng Thành ở Đắk Lắk đã lập nên bảo tàng tư nhân về cổ sinh vật 'có một không hai' giữa phố núi.

“Nghiện” sưu tầm hóa thạch vì câu hỏi của con

Tiếng là ở phố nhưng nhà ông Hoàng Thành (58 tuổi, phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) nằm sâu trong một ngõ nhỏ.

Từ ngoài cổng dẫn vào nhà, những khối đá hóa thạch được sắp xếp chạy dài vào khu vườn rộng thênh thang, khiến người lạ lần đầu đi vào có cảm giác như lạc vào thế giới hồng hoang.

Bên chén trà nghi ngút khói, ông Thành kể, ông sinh ra và lớn lên ở huyện Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế). Năm 1968, ông được gia đình gửi vào Đắk Lắk ở với người chú để tránh cuộc chiến tranh.

Những ngày vào vùng đất mới, ông Thành phải làm thuê cuốc mướn khắp nơi để trang trải cuộc sống. Khó khăn cứ thế trôi, cho đến một ngày, ông Thành được một công ty cầu đường nhận vào làm việc.

Ông Thành bên những mẫu vật hóa thạch

Ông Thành bên những mẫu vật hóa thạch

Những ngày theo công trình đi khắp các ngả đường ở Đắk Lắk, ông Thành bắt đầu phát hiện ra nhiều mẫu đất, đá có hình thù kì lạ giống như những vỏ ốc. Nhưng do công việc bận rộn nên ông chỉ nhặt vài ba mẫu vật về trưng ở nhà cho đẹp.

Tất cả đều chìm vào quên lãng cho đến khi đứa con đầu hỏi về những phiến đá có hình thù kì lạ, ông lúng túng vì không biết trả lời sao.

Cũng từ đây, ông bắt đầu hành trình tìm lời giải cho những phiến đá hàng trăm triệu năm tuổi.

Ngoài việc đi tìm tài liệu để giải thích cho con, ông Thành còn nhặt nhạnh thêm những mẫu sinh vật cổ để làm dày lên bộ sưu tập. Sau một thời gian, khuôn viên nhà ông trở thành một bảo tàng thu nhỏ với vô số mẫu vật hóa thạch từ hàng trăm triệu năm trước. Mỗi cổ vật đều gắn liền với một câu chuyện sống động, lạ lùng.

“Cứ có tiền là tôi lại đi khắp nơi, lang thang dọc triền sông Sêrêpốk để nhặt về. Mỗi mẫu vật là cả thông điệp của thời gian, sự sống cách đây cả triệu năm về trước”, ông Thành hồ hởi kể.

Cây gỗ hóa thạch có chiều dài hơn 22m trong bộ sưu tập của ông Thành

Cũng từ những mẫu vật này, dần dần ông Thành nổi tiếng trong phố, rồi nhiều ban ngành của tỉnh cũng về tham quan đo đạc. Những giáo sư đầu ngành cũng tìm đến nghiên cứu, trao đổi.

Sau những giờ trò chuyện với các giáo sư, nhà nghiên cứu và những tài liệu của họ, ông Thành dần dần tiếp cận được với những mẫu vật từ hàng trăm triệu năm về trước. Những câu hỏi của đứa con cũng dần rạch ròi nhưng lúc này niềm đam mê khoa học bên trong ông Thành bắt đầu được nhen nhóm.

Bán cả gia tài vì... hóa thạch

“Tôi cứ như người nghiện, hễ biết nơi đâu có dấu tích của những mẫu vật hóa thạch này tôi đều tìm đến sưu tập. Tôi có một khao khát muốn tìm hiểu sâu hơn nữa về nguồn gốc hình thành của những sinh vật cổ nói riêng và sự hình thành sự sống nói chung.

Vốn dĩ sự hình thành của sự sống trên trái đất bao nhiêu năm nay vẫn là dấu hỏi lớn thu hút sự tìm hiểu của con người. Tôi cũng không ngoại lệ”, ông Thành mân mê chiếc vỏ sò chiêm nghiệm.

Ông Thành cho biết, để có được bộ sưu tập này, ông đã phải dành dụm rất nhiều tiền để đi lại, sưu tập hay chỉ đơn giản là thuê người đào bới chúng.

Thời gian đầu, khi thấy ông Thành có sở thích kì lạ là bỏ tiền ra mua những khối đá vô tri vô giác, vợ ông liên tục ngăn cản. Không những thế, những người hàng xóm còn không ít lần dè bỉu, xì xồ ông là “đồ điên”.

Bỏ ngoài tai mọi lời nói khó nghe, ông Thành vẫn tiếp tục đi sưu tập những cổ vật và thủ thỉ với vợ để tiếp tục đam mê của mình.

Cầm trên tay một vỏ ốc hóa thạch, ông Thành nói rằng, Đắk Lắk trước đây từng là biển.“Đừng tưởng chúng chỉ là đá, hàng trăm triệu năm trước chúng từng là chủ của hành tinh này chứ không phải loài người. Hóa thạch của chúng đang kể cho chúng ta câu chuyện hình thành nên trái đất ngày nay”, ông Thành nói rồi nhặt một vỏ sò lên ngắm nhìn.

“Trải qua các quá trình hoạt động của lớp vỏ trái đất, các mảng lục địa tách rời và kết nối khiến cho khu vực Tây Nguyên từng là thềm lục địa được đẩy lên trở thành cao nguyên như ngày nay”, ông Thành phân tích.

Vì đam mê, năm 2001, ông Thành phải bán hết đất đai, gom tiền mở quán cà phê để trưng bày đồ hóa thạch vì chúng… quá nhiều.

Một mẫu hóa thạch trong bộ sưu tập được trưng bày tại quán cà phê

Quán vừa mở, hàng loạt chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực khảo cổ học tìm đến và đều trầm trồ khi lần đầu được chứng kiến một khối lượng cổ vật đồ sộ.

Theo ông Thành, năm 2007, cố GS.TS khoa học Vũ Ngọc Hải sau khi được tận mắt tham quan, đã về giới thiệu kho tàng của ông cho bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.

3 năm sau, bảo tàng này cử một đoàn khoa học vào làm đề án khảo sát, tiếp nhận. Ông Thành đã quyết định chuyển 11 tấn mẫu vật, cây gỗ hóa thạch ra Hà Nội phục vụ công chúng.

Đến năm 2017, ông Thành tiếp tục chuyển giao cho bảo tàng TP.HCM 1.595 hiện vật gồm 16 lớp, bộ sinh vật biển với tổng khối lượng hơn 2 tấn.

Ông Thành cho biết, sẽ tiếp tục đi tìm và sưu tập những mẫu vật hóa thạch. Ít nhất là để chúng tránh khỏi những tác động của con người cũng như những tác động từ thiên nhiên.

“Chắc hẳn những mẫu hóa thạch của tôi về sau sẽ giúp ích rất nhiều trong công tác nghiên cứu khoa học. Sau này nếu bảo tàng nào có nhu cầu muốn được trưng bày những mẫu vật này, tôi sẽ đồng ý chuyển giao toàn bộ.

Với tôi chỉ cần những công sức cả đời bỏ ra có người công nhận và nghiên cứu nó như vậy là tôi mãn nguyện lắm rồi”, ông Thành chia sẻ.

Bảo tàng sinh vật cổ của ông Thành có hàng nghìn mẫu hóa thạch và được ông phân làm 5 nhóm: nhóm mẫu hóa thạch thuộc lớp cúc đá (ammonoidea, vỏ sò hóa thạch) - chỉ có duy nhất ở Tây Nguyên; hóa thạch thuộc lớp hai mảnh vỏ (chân rìu); hóa thạch chân bụng (gastropoda); hóa thạch ngành thực vật hạt trần (gymnospermae) và hóa thạch thực vật thân gỗ bị silic hóa - lần đầu tiên phát hiện ở khu vực Tây Nguyên.

Trùng Dương

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/bao-tang-hoa-thach-co-mot-khong-hai-cua-ga-khung-noi-pho-nui-611265.html