Bảo tàng Hậu cần 60 năm khắc ghi lời Bác dạy

Triển lãm sáng kiến cải tiến kỹ thuật ngành hậu cần quân đội (HCQĐ) tổ chức ngày 4-4-1959, Bảo tàng Hậu cần (BTHC) vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh tới tham quan và động viên, khen ngợi cán bộ, nhân viên làm công tác bảo tàng. Với ý nghĩa sâu sắc đó, Tổng cục Hậu cần (TCHC) đã chọn ngày 4-4 hằng năm là Ngày truyền thống BTHC.

Những ngày đầu thành lập, mặc dù số lượng cán bộ, nhân viên bảo tàng ít, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, song với tinh thần trách nhiệm cao, lãnh đạo, chỉ huy bảo tàng đã tích cực tổ chức cho đội ngũ cán bộ, nhân viên đi sưu tầm được nhiều tài liệu, hiện vật; tổ chức trưng bày, triển lãm khoa học hiệu quả với nội dung phong phú, hấp dẫn.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng, TCHC đã chỉ đạo các ngành và các đơn vị hăng hái thi đua, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu sản xuất nhiều mặt hàng quân trang, quân dụng, nhiều trang thiết bị về quân y, vận tải, xăng dầu, doanh trại... Thực hiện nhiệm vụ chính trị, BTHC phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị tổ chức nhiều cuộc trưng bày triển lãm đạt kết quả tốt. Đặc biệt vinh dự và ý nghĩa trong chặng đường vinh quang của mình, BTHC được Bác Hồ hai lần đến thăm (năm 1959, 1961) và căn dặn TCHC, ngành hậu cần nói chung, BTHC nói riêng. Đây chính là dấu son, là niềm tự hào để các thế hệ cán bộ, nhân viên BTHC không ngừng phấn đấu vươn lên.

 Lãnh đạo Tổng cục Hậu cần và các đại biểu tham quan xe vận tải mang tên "Xe quốc tế" trưng bày tại Bảo tàng Hậu cần. Ảnh: TIẾN ĐẠT

Lãnh đạo Tổng cục Hậu cần và các đại biểu tham quan xe vận tải mang tên "Xe quốc tế" trưng bày tại Bảo tàng Hậu cần. Ảnh: TIẾN ĐẠT

Những ý kiến chỉ đạo, những lời dạy bảo ân cần của Bác không chỉ cổ vũ, động viên TCHC, ngành HCQĐ mà còn thôi thúc những người làm công tác bảo tàng vượt lên gian khó, không quản ngại hy sinh, có mặt ở hầu hết các chiến trường, các trận địa, các đơn vị sưu tầm hiện vật; phản ánh trung thực, tầm vóc to lớn của bộ đội hậu cần với nhiều hiện vật, kỷ vật khi thu thập còn thấm đượm máu đào của đồng chí, đồng đội trên các ụ súng, chiến hào…

Đất nước thống nhất, nhiệm vụ đặt ra với TCHC là tổ chức bảo đảm hậu cần cho LLVT bảo vệ thành quả chung của cách mạng, khắc phục hậu quả chiến tranh, tham gia xây dựng kinh tế, xây dựng ngành HCQĐ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và làm tròn nhiệm vụ quốc tế cao cả. Quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của trên, BTHC tiếp tục sưu tầm, thu thập hiện vật trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng thời tổ chức trưng bày thường xuyên và nhiều cuộc triển lãm mang đậm dấu ấn ngành bảo tàng của đất nước. Hiện nay, BTHC quản lý, lưu giữ hơn 17.000 hiện vật, tư liệu, hình ảnh lịch sử về ngành HCQĐ; sưu tầm và phục chế hơn 1.000 hiện vật về trang phục QĐND Việt Nam qua các thời kỳ... Đặc biệt, năm 2012, BTHC đã tham mưu với thủ trưởng Cục Chính trị và thủ trưởng TCHC phát động Phong trào “Hiến tặng kỷ vật kháng chiến của ngành HCQĐ”. Đến nay, BTHC đã tiếp nhận hơn 3.000 tài liệu, hiện vật, hình ảnh có giá trị lịch sử, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền.

Thực hiện nhiệm vụ trưng bày, đón khách tham quan, học tập, cấp ủy, chỉ huy BTHC đã có nhiều đổi mới, sáng tạo mang tính đột phá trong công tác. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, BTHC đã đón gần 1,7 triệu lượt khách đến tham quan, học tập; tổ chức hơn 400 cuộc trưng bày chuyên đề, triển lãm lưu động lớn ở cấp quốc gia, toàn quân và trong TCHC nhân các sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, quân đội và ngành HCQĐ, để lại ấn tượng sâu sắc trong bộ đội và nhân dân, nhất là cán bộ, nhân viên, chiến sĩ ngành hậu cần. Ngoài hoạt động chuyên môn, BTHC còn hướng dẫn nghiệp vụ và giúp các cơ quan, đơn vị trong TCHC và toàn quân xây dựng, tổ chức trưng bày được hàng chục phòng, nhà truyền thống, nghiên cứu, tham gia biên soạn hơn 500 mục từ công tác đảng, công tác chính trị và nhân vật hậu cần, góp phần hoàn thành công trình biên soạn “Từ điển Hậu cần Quân sự”...

Quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của trên về công tác bảo tồn, bảo tàng, những năm tiếp theo, BTHC tiếp tục nâng cao năng lực, sức chiến đấu của cấp ủy Đảng, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn cao, yêu nghề, gắn bó với đơn vị; chủ động phối hợp chặt chẽ với các tập thể, cá nhân làm tốt công tác sưu tầm, bảo quản, phục chế hiện vật; có kế hoạch khoa học, tổ chức chặt chẽ, chu đáo hoạt động tham quan cho bộ đội và nhân dân, nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Đại tá, TS ĐÀO HẢI TRIỀU (Giám đốc Bảo tàng Hậu cần)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/bao-tang-hau-can-60-nam-khac-ghi-loi-bac-day-575204