Bảo tàng Đồng quê lưu giữ hồn Việt

Những ai có dịp đến thôn Bỉnh Di, xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định đều thấy bất ngờ trước không gian đồng quê yên bình trong khuôn viên Bảo tàng Đồng quê. Tuy mới được hình thành, nhưng bảo tàng đã tạo ấn tượng mạnh với người xem bởi quy mô rộng và số lượng hiện vật phong phú…

Bộ sưu tập đồ mây tre đan trưng bày tại Bảo tàng Đồng quê.

Bộ sưu tập đồ mây tre đan trưng bày tại Bảo tàng Đồng quê.

Người sáng lập Bảo tàng là nhà giáo Ngô Thị Khiếu và chồng - Thiếu tướng Hoàng Kiền (Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đường tuần tra biên giới, Bộ Quốc phòng, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh). Hai ông bà cùng là người con của quê hương miền biển Nam Định và có chung ước nguyện lúc xế chiều được trở về quê hương, sống trong tình làng nghĩa xóm, vui thú điền viên.

Từ một thư viện nhỏ…

Trong một dịp, được mời về dự lễ khánh thành trường Mầm non của xã Giao Thịnh, thấy cơ sở vật chất của trường còn nhiều khó khăn, nơi vui chơi giải trí cho các cháu ở quê thiếu thốn, bà Khiếu và chồng rất chạnh lòng. Nhớ lại những chuyến đi xa, ông bà thường hay mua rất nhiều sách, vậy là ý tưởng lập một thư viện nhỏ hiện lên. Bà Khiếu bàn với chồng xin mua một sào đất xây dựng một thư viện nhỏ từ số sách mà gia đình sưu tầm được trong mấy chục năm qua.

Ý tưởng ban đầu là thế, nhưng sau đó, được lãnh đạo địa phương ủng hộ và khuyến khích, ông bà đã mở rộng diện tích xây dựng khu "Văn hóa đồng quê". Vậy là hơn chục năm qua, vào những ngày nghỉ, bà Khiếu cần mẫn đi khắp hang cùng ngõ hẻm thu mua những vật dụng đồng quê cũ kỹ. Lúc đầu, bà còn giấu chồng, nhưng sau đó, ông biết và hiểu ý nguyện của bà nên đã ủng hộ nhiệt tình. Cứ thế, bà ngồi xe ôm đi khắp các tỉnh, thành, khu vực quanh Hà Nội mua gom đồ cũ gọi là "đồng nát nhà quê" và đã sưu tầm được rất nhiều dụng cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt của người nông dân đồng bằng Bắc bộ qua các thời kỳ… Khi được địa phương ủng hộ, ông bà đã lập dự án, ban đầu làm những ngôi nhà đơn sơ, dân dã.

Trong quá trình thực hiện dự án, ông bà đã tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia về văn hóa, lịch sử và nhận được sự chỉ dẫn nhiệt tình của GS. Anh hùng Lao động Vũ Khiêu. GS. Vũ Khiêu đã về tận nơi xem xét, tham gia ý kiến nên xây dựng một bảo tàng thật đặc sắc về nền văn minh lúa nước sông Hồng và tặng câu đối: "Giữ lấy tinh hoa từ thuở trước/ Để cho con cháu mãi ngàn sau". Tiếp thu những ý kiến của GS. Vũ Khiêu, bà Khiếu hoàn thiện quy hoạch tổng thể bảo tàng. Công trình được khởi công từ tháng 3-2011 và dự kiến sẽ được tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh vào năm 2015. Các anh em, con cháu trong gia đình, bà con địa phương, bạn bè, đồng đội và nhiều người từng ra xây dựng công trình ở quần đảo Trường Sa cũng về tham gia góp công, góp sức. Từ một khu đất đồng ruộng ở đầu làng Bỉnh Di, hôm nay đã mọc lên một khu văn hóa đồng quê với hệ thống công trình đồng bộ.

… Đến Bảo tàng Đồng quê

Bảo tàng Đồng quê tái hiện 5 mô hình nhà tiêu biểu gắn với quá trình phát triển của vùng nông thôn đồng bằng Bắc bộ. Ngôi nhà thứ nhất tái hiện kiểu nhà tranh vách đất lợp rạ của bần cố nông, tường trình đất đồng thời cũng là nơi để các dụng cụ lao động như cày, bừa, cối giã gạo, bếp tro… Ngôi nhà thứ hai tái hiện nhà gỗ lợp bổi (cói) của tầng lớp trung nông, đồng thời sẽ là nơi dệt chiếu, trưng bày các vật dụng sinh hoạt của tầng lớp trung nông. Ngôi nhà thứ ba là loại nhà tầng lớp địa chủ, nhà ngói gỗ lim, cây mít trưng bày các vật dụng sinh hoạt của gia đình địa chủ. Ngôi nhà thứ tư là nhà gác, lợp ngói Tây tiêu biểu cho nhà vùng nông thôn Bắc bộ thập niên 60 - 80 của thế kỷ 20, mang đặc trưng của vùng Giao Thủy. Tất cả đều là những nếp nhà cũ có tuổi từ 70 - 100 năm, nguyên bản do người dân dỡ bỏ để xây nhà mới được bà Khiếu mua, dỡ về dựng lại. Trong 4 ngôi nhà đều trưng bày đồ đạc, dụng cụ sinh hoạt đầy đủ nguyên bản thể hiện cuộc sống, lao động của các tầng lớp dân cư đồng bằng Bắc bộ từ thời phong kiến cho đến ngày nay.

Đặc biệt, ngôi nhà thứ năm xây 4 tầng được đặt ở vị trí trung tâm trưng bày hiện vật tiêu biểu cho kiểu nhà hiện đại đã và đang phát triển ở nông thôn hiện nay. Tầng 1 được bố trí tương đối độc lập, trưng bày hiện vật thể hiện truyền thống của QĐND Việt Nam gắn với cuộc đời 40 năm quân ngũ của Thiếu tướng Hoàng Kiền. Mảng chủ đề chính là những hình ảnh, hiện vật về đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tiếp đó là hiện vật về truyền thống của Bộ đội Hải quân, trong đó có đặc trưng xây dựng và bảo vệ chủ quyền trên quần đảo Trường Sa, sĩ quan Công binh Hải quân. Bên cạnh đó, là khu trưng bày theo chủ đề "Mở đường thắng lợi" của Bộ đội Công binh với các hình ảnh, hiện vật về mở đường, đào hầm và khắc phục bom mìn đánh phá của địch. Cùng với đó là những hình ảnh về xây dựng đường tuần tra biên giới mà Thiếu tướng Hoàng Kiền với vai trò "chủ tướng" từ năm 2007 đến nay.

Những hiện vật tiêu biểu cho đời sống lao động, sinh hoạt của người dân Bắc bộ tại Bảo tàng.

Tầng hai của một góc nhà trưng bày các loại công cụ lao động trong nghề biển, nghề muối đã gắn bó với nông dân, ngư dân, diêm dân hàng trăm năm qua. Tầng ba trưng bày hàng nghìn hiện vật từ cổ chí kim đặc trưng cuộc sống sinh hoạt của người dân đồng bằng Bắc bộ và miền biển. Đặc biệt là bộ sưu tập đồ đồng gồm nhiều nồi, mâm, chậu, đèn cổ đủ kích cỡ. Bộ sưu tập tiền cổ với hơn 1 tạ tiền xu các loại, 2kg tiền giấy Đông Dương. Kèm theo bộ sưu tập đồ gốm, đồ sành, đồ sứ đa dạng phong phú là mấy chục chum, chóe đựng nước các cỡ, của người dân từ bần nông cho đến địa chủ thời phong kiến và thời kỳ bao cấp. Tầng bốn là một thư viện với hàng nghìn đầu sách được sắp xếp gọn gàng trên các giá với các chuyên đề, đáp ứng nhu cầu đọc của nhiều đối tượng, nhiều lứa tuổi. Ở đây có đầy đủ bàn ghế phục vụ người đọc, có máy vi tính nối mạng Internet.

Cùng với 5 loại nhà, một hầm chữ A cũng được tái hiện đặt ngoài vườn giống như cảnh người dân quê Bắc bộ thường tránh bom Mỹ năm xưa. Trong khu vực Bảo tàng còn có khu nghề truyền thống với nhà dệt chiếu, làm men rượu theo phương pháp cổ truyền và khu ẩm thực với các món ăn dân dã vùng quê. Ngoài ra, còn có khu thể thao, vui chơi giải trí. Cùng với đó là những loại cây đặc trưng của đồng bằng Bắc bộ, có hồ ao, vó bè, vó kéo tay, có mảnh ruộng lúa nước nho nhỏ, gợi một cuộc sống thanh bình nơi miền quê thôn dã.

Dù mới thành lập nhưng Bảo tàng Đồng quê đã trở thành nơi lưu giữ truyền thống, có tác dụng giáo dục lòng yêu lao động, yêu quê hương, đất nước cho các thế hệ trẻ. Về lâu dài, Thiếu tướng Hoàng Kiền và nhà giáo Ngô Thị Khiếu cho biết, sẽ hiến tặng Bảo tàng cho địa phương quản lý để duy trì hoạt động.

Ngọc Anh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/bao-tang-dong-que-luu-giu-hon-viet/