Bảo tàng Đồng quê, lưu giữ hồn quê Việt

Những hình ảnh xưa của làng quê Bắc bộ đã được tái hiện tại Bảo tàng Đồng quê (xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định), giúp du khách được sống lại những ký ức của một thời xa xưa do nhà giáo Ngô Thị Khiếu cùng chồng là Thiếu tướng Hoàng Kiền sáng lập để lưu giữ hồn quê Việt.

Hơn 7 giờ sáng chúng tôi có mặt tại Bảo tàng Đồng quê đã thấy bà Khiếu tất bật chuẩn bị những món ăn đồng quê cho du khách. Những món ăn dân dã được bà và các nhân viên chế biến từ chính các nguyên liệu tự nhiên, tự nuôi trồng đảm bảo hương vị làng quê truyền thống. Không dừng tay, bà vừa làm vừa kể cho chúng tôi về thời kì đầu thai nghén đến khi Bảo tàng Đồng quê mở cửa đón khách.

Bảo tàng Đồng quê tại xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định

Bảo tàng Đồng quê tại xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định

Sinh ra và lớn lên tại vùng quê, bà Khiếu và chồng là Thiếu tướng Hoàng Kiền thấu hiểu tất cả những gì mà người nông dân chân lấm tay bùn phải trải qua và trân quý cuộc sống của miền quê Bắc bộ. Chính vì vậy, khi chứng kiến những vật dụng từng gắn bó với cuộc sống của người nông dân dần bị biến mất theo dòng chảy thời gian, ông bà đã quyết tâm xây dựng một Bảo tàng Đồng quê, với mong muốn giữ lại những hình ảnh cũ của nông thôn Bắc Bộ một thời, lưu giữ hồn quê Việt.

Bảo tàng là dự án văn hóa do bà Khiếu và chồng là Thiếu tướng Hoàng Kiền sáng lập

Những món đồ đã cùng trải qua một nắng hai sương với người nông dân

Bắt đầu từ năm 1990, bà Khiếu đã có ý tưởng muốn lưu giữ lại những thứ đồ vật làng quê cho con và các cháu sau này. Càng làm thì càng say, bà Khiếu nghĩ nếu không lưu giữ thì nhiều món đồ sẽ không bao giờ còn. Những thứ mà người ta gọi là đồng nát nhà quê đều được bà Khiếu nhặt nhạnh hàng chục năm qua. Có những thứ bà bỏ tiền ra mua lại, có những thứ thì chính tay bà phải đi phục chế như những chiếc khung dệt chiếu, vốn là nghề truyền thống của quê bà nhưng giờ đây đang mai một.

Để có hơn 1.000 hiện vật bà Khiếu đã phải tốn rất nhiều thời gian công sức

Để sưu tầm được hơn 1.000 hiện vật trưng bày, bà không thể nhớ nổi mình đã đi bao nhiêu tỉnh thành rồi vào Nam ra Bắc. Có nhiều người lúc đầu nghi ngờ mục đích của bà nên không đồng ý trao hiện vật. Nhưng sau này khi thấy Bảo tàng được hoàn thiện, thấy được sự trân trọng với quá khứ nên sẵn lòng hiến tặng.

Bà Khiếu nhớ lại, khi trình bày ý tưởng thành lập Bảo tàng Đồng quê với lãnh đạo tỉnh Nam Định và chính quyền địa phương, ông bà không ngờ ý tưởng đó được chính quyền ủng hộ nhiệt tình. Chính quyền huyện Giao Thủy cho ông bà thuê 6.000m² đất với giá ưu đãi trong 30 năm để xây dựng bảo tàng. Năm 2011 công trình được khởi công, tới cuối năm 2012, bảo tàng đã hoàn thành giai đoạn một, bắt đầu mở cửa và đến năm 2015 thì chính thức hoàn thiện. Năm 2014, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao chứng nhận bà Ngô Thị Khiếu là người sáng lập Bảo tàng Đồng quê đầu tiên ở Việt Nam.

Nhiều đồ vật được lưu giữ rất cẩn thận

Xuất phát từ cái tâm của một nhà giáo, mục đích việc thành lập Bảo tàng Đồng quê của bà để cho du khách cũng như bà con đến tham quan, học tập nghiên cứu và có những trải nghiệm thú vị. Đến nay, sau nhiều năm nỗ lực gây dựng, Bảo tàng Đồng quê giờ đây không chỉ là điểm đến yêu thích của những người dân quanh vùng mà còn được nhiều du khách trong nước, ngoài nước biết đến.

Đến với Bảo tàng Đồng quê, ấn tượng đầu tiên là khung cảnh thanh bình với hàng rào râm bụt, ao cá, những mô hình tái hiện sinh hoạt của người nông dân. Xung quanh Bảo tàng còn được trồng hàng trăm loại cây, có nhiều loại cây quý hiếm như cây chay, cây sắn thuyền, cây cậy, cây dành dành, cây vối… Đến đây, du khách sẽ hiểu được sự khác biệt về cuộc sống, nếp sinh hoạt của các tầng lớp người dân trong xã hội cũ. Độc đáo nhất là các mô hình nhà bần nông, nhà trung nông, nhà địa chủ và nhà hiện đại thời kỳ bao cấp.

Khung cảnh thanh bình Bảo tàng Đồng quê

Lợp lại mái nhà bằng bổi cho ngôi nhà trung nông

Trải nghiệm trong ngôi nhà bần nông

Điểm nhấn và chủ đạo của Bảo tàng đồng quê là ngôi nhà 4 tầng ở chính giữa, nơi trưng bày hiện vật đồng quê tiêu biểu. Trong đó, tầng một là nơi lưu giữ kỷ vật chiến trường của Thiếu tướng Hoàng Kiền và nhiều tư liệu quý về Quân đội nhân dân Việt Nam. Chính giữa tầng một là nơi thờ tự Bác Hồ với bức tượng đồng chân dung Bác đang chỉ tay vào lá quân kỳ “Quyết chiến - Quyết thắng”. Hiện vật tại đây được bố trí độc lập, chia ra các chủ đề chính: Đường Trường Sơn - Biên giới phía Nam - Trường Sa - Hoạt động của lực lượng Công binh… Độc đáo và quý nhất chính là những hiện vật, bức ảnh về quá trình xây dựng quần đảo Trường Sa của những người con Nam Định.

Kỉ vật chiến trường của Thiếu tướng Hoàng Kiền

Dẫn chúng tôi đi thăm tầng 2 và 3, bà Khiếu say sưa giới thiệu: Đây là những tầng trưng bày chính của Bảo tàng Đồng quê. Chủ đề chính ở đây là cây lúa với đồng bằng Bắc bộ. Các hiện vật ở đây chủ yếu là các nông cụ liên quan đến nghề trồng lúa. Đây là các nông cụ đã qua sản xuất, đã gắn bó với đời sống ông cha, như bộ sưu tập về các nông cụ làm đất, rồi các nông cụ chăm sóc lúa, các nông cụ thu hoạch, chế biến lúa và thể hiện đời sống của họ rõ nhất qua gian bếp.

Du khách trải nghiệm không gian bảo tàng

Tại đây còn trưng bày hàng nghìn hiện vật đặc trưng cho vùng Bắc bộ bao gồm công cụ lao động trong sản xuất nông nghiệp, nghề biển, nghề muối, dụng cụ sinh hoạt, đồ dùng. Có khoảng 700 chiếc nồi, mâm, chậu, sanh đồng; hơn 100 chiếc đèn dầu; hơn một tạ tiền xu các loại, 2kg tiền giấy Đông Dương…với hồ sơ đầy đủ.

Các bạn trẻ trải nghiệm cối xay lúa tại Bảo tàng Đồng quê

Từ chiếc cối xay, cối giã gạo, chiếc cày, hay bát ăn cơm, rổ rá… trong sinh hoạt và sản xuất của người dân đồng bằng đều được tái hiện sinh động và hấp dẫn. Những du khách đã từng sống ở nông thôn thời kì trước, khi đến tham quan bảo tàng ký ức ùa về một thời gian khổ như hiện về rõ nét.

Ông Phạm Tuấn Anh xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định đã rởi quê hương 35 năm, nay có dịp đến với Bảo tàng Đồng quê rất xúc động: Đến với Bảo tàng Đồng quê như được trở về với quá khứ, được trải nghiệm các làng nghề truyền thống, các dụng cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt của chúng tôi… cũng như của ông bà chúng ta một thời.

Còn bạn Hoàng Hải đến từ tỉnh Thái Bình chia sẻ: Rất nhiều đồ vật lần đầu tiên em được nhìn thấy. Nhiều hiện vật đơn sơ, giản dị nhưng có ý nghĩa sâu sắc để chúng em hiểu thêm một phần nào về cuộc sống của người nông dân xưa kia thật thà, chất phác ở chốn quê bình yên.

Khi được hỏi từ khi thành lập Bảo tàng Đồng quê đến nay cái “được” lớn nhất là gì, không một chút đắn đo bà Khiếu cho rằng: “Cái được lớn nhất của vợ chồng tôi là niềm vui và sức khỏe”. Rất nhiều người hỏi bà với đồng lương hưu giáo viên và là vợ của vị tướng bà cũng có thể đi chơi và hưởng thụ tuổi già. Nhưng bà Khiếu lại không nghĩ thế, lấy công việc làm niềm vui và công việc cũng tạo cho ông bà có thêm sức khỏe.

Xây dựng Bảo tàng Đồng quê để lưu giữ hồn quê Việt

Điều làm bà Khiếu vui nhất đó là từ khi dự án được khởi công đến nay, đã nhiều người tìm về hỏi thăm và tặng thêm các kỷ vật, đồ dùng, sách vở. Nhìn những đoàn người từ già đến trẻ ngày ngày đến thăm Bảo tàng để được chiêm ngưỡng, trải nghiệm rất thích thú, ánh mắt bà Khiếu ánh lên niềm vui, phấn khởi và đôi chút tự hào. Bởi Bảo tàng Đồng quê mà ông, bà đã gây dựng lên chính là một công trình văn hóa đã tái hiện lại cuộc sống, tinh thần lao động cần cù, đấu tranh với thiên nhiên của bao thế hệ người Việt trong quá khứ. Giữa một làng quê yên ả, Bảo tàng Đồng quê góp một tiếng nói chân tình của người dân nhằm khẳng định sức mạnh và truyền thống của dân tộc Việt.

Bà Khiếu say sưa giới thiệu và trình diễn động tác gặt hái lúa

Về tương lai lâu dài, bà Khiếu vẫn còn trăn trở một điều đó là việc duy trì và bảo tồn Bảo tàng Đồng quê thế nào. Ông bà cũng đã dự tính đến phương án khi tuổi mình đã cao, không đủ trí, lực thì có thể bàn giao lại cho Bảo tàng Nam Định, nhưng bàn giao rồi Bảo tàng có phát huy và hoạt động đúng mục đích và ý nghĩa như bây giờ hay không? Để Bảo tàng thực sự trở thành nơi lưu giữ, học tập cho thế hệ mai sau, tôi rất mong sự ủng hộ của các cấp chính quyền và toàn xã hội - Đó là tâm nguyện từ đáy lòng của ông Kiền, bà Khiếu.

Phạm Tiệp

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bao-tang-dong-que-luu-giu-hon-que-viet-129167.html