Bảo tàng Điện ảnh - tâm ước của một nghệ sĩ nghèo

Hàm Tân là huyện nhỏ và nghèo của tỉnh Bình Thuận, dù nơi đây có biển, có núi và nằm bên quốc lộ 1A. Nhưng giờ đây, vùng đất này đã được nhiều người biết và ghé thăm mỗi khi có dịp, ấy là bởi sự hiện diện của một công trình khá đặc biệt - Bảo tàng Điện ảnh. Bảo tàng được xây dựng từ tâm huyết của Nguyễn Đức Đạt - người nghệ sĩ nghèo.

Nghệ sĩ Quang Đạt trong ngày khai trương Bảo tàng Điện ảnh.

Nghệ sĩ Quang Đạt trong ngày khai trương Bảo tàng Điện ảnh.

Hiện ở nước ta có khá nhiều bảo tàng tư nhân, nơi lưu giữ, bảo tồn và giới thiệu đến nhiều người những kỷ vật có giá trị, mang dấu ấn lịch sử. Nhưng Bảo tàng Điện ảnh lại do một cá nhân vì đam mê mà tự nguyện dấn thân gây dựng có lẽ chỉ có một. Đấy là chưa kể, người chủ của công trình này - nghệ sĩ Quang Đạt chả có gì ngoài sự say mê và lòng tâm huyết.

Vốn là một diễn viên, đạo diễn, hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam, từng tham gia đóng, chỉ đạo hàng trăm bộ phim, trong đó có nhiều bộ phim do những đạo diễn nổi tiếng thực hiện hoặc phim hợp tác với nước ngoài nên Quang Đạt có nhiều cơ hội tiếp xúc, thân thiết với các bạn diễn, các bậc tiền bối. Lại thêm có đam mê sưu tầm, lưu giữ các hiện vật, tư liệu quý nên từ lâu cùng với việc sưu tầm các kỷ lục cho riêng mình, Quang Đạt đã nung nấu ước nguyện thành lập Bảo tàng Điện ảnh. Khao khát là vậy nhưng để thực hiện không hề đơn giản. Tháng 11/2008, Giám đốc Trung tâm UNESCO Điện ảnh đa truyền thông Việt Nam Lê Hữu Phước - nghệ sĩ ưu tú, đạo diễn Lê Dân đã bổ nhiệm ông Nguyễn Đức Đạt, nghệ danh Quang Đạt, làm chủ nhiệm Bảo tàng Điện ảnh. Năm 2009, trên diện tích đất khoảng 2.000 m2 của gia đình ở huyện Hàm Tân, nghệ sĩ Quang Đạt đã quyết định dành ra 130 m2 xây dựng bảo tàng. Với kinh phí ban đầu khoảng 300 triệu đồng, phần còn lại do anh bán đấu giá các kỷ vật như chiếc xe vespa có nhiều chữ ký, bộ sưu tập và các nghệ sĩ, người yêu điện ảnh và Công ty tư vấn-thiết kế xây dựng ART TP.Hồ Chí Minh đóng góp.

Nhà Bảo tàng Điện ảnh.

Sau hơn 2 năm xây dựng Bảo tàng Điện ảnh của nghệ sĩ Quang Đạt mới hoàn thành, là nơi lưu giữ những kỷ vật về điện ảnh của các thế hệ đạo diễn, nghệ sĩ mà Quang Đạt đã tốn nhiều công sức sưu tầm, bảo quản. Có dịp đến thăm Bảo tàng Điện ảnh, mọi người sẽ thấy rất nhiều kỷ vật có thể coi là vô giá như bản gốc kịch bản của cố đạo diễn Hồng Sến, những máy chiếu phim cũ từng phục vụ bao bản làng hẻo lánh, 8 chiếc máy quay phim từng thấm mồ hôi và cả máu của nghệ sĩ - chiến sĩ trong cuộc chiến giành độc lập. Ngoàn ra còn có 14 chiếc máy ảnh của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Danh, những chiếc radio cổ, máy hát quay đĩa và cả những trang sách kỹ thuật của 50 quyển sách xuất bản tại Pháp về Nghệ thuật thứ Bảy thời kỳ phôi thai đã cũ mòn con chữ - do Nghệ sĩ ưu tú Khương Mễ dịch. Quang Đạt còn sưu tầm và đưa về trưng bày những chân máy bằng gỗ, huân, huy chương của các bậc tiền bối Nguyễn Thế Đoàn, Khương Mễ, Lê Dân…

Ở nơi trang trọng nhất của bảo tàng là gian thờ và trưng bày các hiện vật của nghệ sĩ ưu tú Khương Mễ. Một lần ghé thăm Bảo tàng, bà Khương Mỹ Lý, con gái đầu của đạo diễn Khương Mễ rưng rưng xúc động khi thấy di ảnh cha cùng những kỷ vật quen thuộc và thân thiết của ông hồi làm phim ở chiến trường khu 8. Bà nghẹn ngào: Từ giờ tôi xin giao tất cả các kỷ vật của cha mà tôi có cho nghệ sĩ Quang Đạt gìn giữ, trong đó có cả chiếc máy quay phim rất quý mà Khương Mễ đã trao cho người con trai Khương Nam Đồng. “Mình giữ cũng quý nhưng trao cho Đạt thì khi mọi người đến thăm bảo tàng, nhất là lớp trẻ còn biết về những khó khăn gian khổ, những sáng tạo tài tình của cha ông làm phim thời chiến tranh”, bà Lý tâm sự. Bên cạnh đó là nơi thờ các nghệ sĩ gạo cội, gắn liền với lịch sử điện ảnh Việt Nam như nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn, người đầu tiên quay phim Bác Hồ những năm tháng ở chiến khu Việt Bắc, đạo diễn Hồng Sến…

Những kỷ vật trưng bày trong Bảo tàng.

Trong khu nhà trưng bày còn rất nhiều kỷ vật mà Quang Đạt đã kỳ công sưu tầm được như áo, mũ, dao kiếm, thùng đựng phim, những tấm pano quảng cáo, huân, huy chương và cả những khẩu súng nguyên là đạo cụ trường quay… Có thể với ai đó, những thứ này là không mấy giá trị, nhưng với những người trong nghề, những người có tình yêu nền điện ảnh cách mạng Việt Nam thì nó thật gần gũi và có ý nghĩa rất lớn.

Có thể nói nghệ sĩ Quang Đạt không chỉ có tâm mà còn là người có kỹ năng, niềm say mê đến cháy bỏng việc sưu tầm, lưu giữ các kỷ vật điện ảnh. Ngoài ra anh còn là người có tài trong việc sắp đặt, bài trí để tạo một không gian điện ảnh thật ấn tượng nhưng không nhàm chán cho những ai đến thăm bảo tàng. Khi đến đây dù là người khó tính cũng cảm thấy thích thú, những người “ngoài cuộc” có thể hình dung ra cách thức, những vật dụng cần thiết để hình thành nên một bộ phim. Còn với những người trong nghề sẽ như thêm một lần được gặp lại cố nhân, được trải nghiệm những thăng trầm của lịch sử điện ảnh Việt Nam. Chính vì lẽ đó, nếu bảo tàng có sự kết nối để giới thiệu cho các em học sinh, sinh viên thì rất đáng trân trọng.

Trong không gian Bảo tàng Điện ảnh, ở khu vườn phía ngoài Quang Đạt còn sáng tạo thêm các khu nhà dành cho những đạo diễn điện ảnh nổi tiếng đến nghỉ dưỡng và sáng tác. Những năm còn khỏe mạnh, đạo diễn, nghệ sĩ ưu tú Lê Dân đã đến sống nhiều tháng trời trong ngôi nhà do Quang Đạt dựng lên. Khi ông qua đời Quang Đạt vẫn giữ nguyên mọi vật dụng trong ngôi nhà như giường nằm, bàn ghế, giấy bút… của ông và Quang Đạt đặt tên là Nhà nghệ sĩ Lê Dân. Ngoài ra còn có Nhà của đạo diễn Nhân dân Đào Bá Sơn, mỗi khi có dịp đạo diễn Đào Bá Sơn lại ra đây thư giãn và viết kịch bản phim.

Hiện Bảo tàng Điện ảnh của nghệ sĩ Quang Đạt ngoài việc lưu giữ các hiện vật, hình ảnh quý về điện ảnh còn là nơi qua lại, giao lưu gặp gỡ của rất nhiều đạo diễn, diễn viên điện ảnh trong và ngoài nước. Hàng năm, vào ngày giỗ của các nghệ sĩ như Khương Mễ, Lê Dân, Robert Hải, Lâm Tới, Lê Công Tuấn Anh… nhiều diễn viên lại tìm về đây cùng nghệ sĩ Quang Đạt để tưởng nhớ người đã khuất.

QUANG HUẾ

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/bao-tang-dien-anh---tam-uoc-cua-mot-nghe-si-ngheo-d88037.html