Bảo tàng Đà Nẵng: Đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ du khách

Tại buổi gặp gỡ và tri ân đối tác năm 2019 tổ chức chiều 8-1, Bảo tàng Đà Nẵng đã ra mắt Hệ thống thuyết minh qua thiết bị di động, Ngân hàng dữ liệu Di sản Văn hóa Đà Nẵng và Bộ nhận diện Bảo tàng Đà Nẵng.

Tại buổi gặp gỡ và tri ân đối tác năm 2019 tổ chức chiều 8-1, Bảo tàng Đà Nẵng đã ra mắt Hệ thống thuyết minh qua thiết bị di động, Ngân hàng dữ liệu Di sản Văn hóa Đà Nẵng và Bộ nhận diện Bảo tàng Đà Nẵng. Đây được xem là một trong những nỗ lực của Bảo tàng Đà Nẵng trong đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ công tác chuyên môn, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của TP. Qua đó, góp phần quảng bá, giới thiệu đến công chúng về các loại hình di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung được lưu trữ trong hệ thống Ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa Đà Nẵng tại Bảo tàng.

Nhân viên Bảo tàng Đà Nẵng hướng dẫn các bạn trẻ Đà Nẵng truy cập dữ liệu.

Nhân viên Bảo tàng Đà Nẵng hướng dẫn các bạn trẻ Đà Nẵng truy cập dữ liệu.

Theo ông Trần Văn Chuẩn-Trưởng phòng giáo dục truyền thông Bảo tàng Đà Nẵng- hệ thống thuyết minh qua thiết bị di động là đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ do ĐH Đà Nẵng chủ trì, Bảo tàng phối hợp thực hiện đã được Sở Khoa học-Công nghệ TP phê duyệt tháng 10-2016. Với việc ứng dụng CNTT này sẽ hỗ trợ đắc lực hơn cho hoạt động thuyết minh các nội dung, tư liệu, hiện vật đang được trưng bày tại bảo tàng. Cũng theo ông Chuẩn, tính năng tiện ích của hệ thống thuyết minh qua thiết bị di động thể hiện ở chỗ, du khách có thể tìm hiểu thông tin về nội dung trưng bày của bảo tàng thông qua việc sử dụng thiết bị ĐTDĐ thông minh để quét mã QR Code được gắn cho hiện vật. Theo đó, du khách có nhu cầu tìm hiểu chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh kết nối wifi (miễn phí tại Bảo tàng), tải ứng dụng này trên App Store hoặc Google Play về máy và tiến hành quét mã QR Code thì có thể nghe giới thiệu về nội dung của 600 tư liệu, hiện vật đang được trưng bày tại bảo tàng.

"Hệ thống thuyết minh tự động thông qua quét mã QR Code không còn xa lạ với nhiều bảo tàng trên thế giới, tuy nhiên tại Việt Nam rất ít bảo tàng đưa hệ thống này vào hoạt động. Nắm bắt xu thế cũng như để phục vụ công tác bảo tàng được tốt hơn và đáp ứng nhu cầu của khách tham quan, Ban Chủ nhiệm đề tài đến từ ĐH Đà Nẵng phối hợp với bảo tàng đã thực hiện Đề tài khoa học và công nghệ cấp TP "Nghiên cứu xây dựng hệ thống thuyết minh đa ngữ qua thiết bị di động tại Bảo tàng Đà Nẵng". Với hệ thống này có thể hỗ trợ cho rất nhiều đối tượng khách tham quan cùng một lúc có thể nghe nội dung trưng bày của bảo tàng"- ông Trần Văn Chuẩn chia sẻ thêm.

Song hành cùng đó là việc ra mắt Ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa Đà Nẵng tại Bảo tàng Đà Nẵng (vào các ngày thứ 3, 5 hàng tuần) sẽ góp phần phục vụ tốt hơn công chúng, đặc biệt là những người đam mê, muốn tìm hiểu sâu hơn về nét đẹp độc đáo các di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc anh em đang sinh sống trên đất nước Việt Nam. Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, Ngân hàng được hình thành dựa trên Trạm vệ tinh Ngân hàng dữ liệu văn hóa phi vật thể (VHPVT) các dân tộc Việt Nam (được thành lập năm 2011, trực thuộc Trung tâm Quản lý di sản văn hóa thuộc Sở VH-TT Đà Nẵng. Năm 2018, Trung tâm Quản lý di sản văn hóa TP sáp nhập vào Bảo tàng Đà Nẵng) là dự án nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa thực hiện nhiệm vụ sưu tầm, ghi chép di sản VHPVT của địa phương, tổ chức biên tập thành sản phẩm lưu trữ tại Trạm để giới thiệu đến công chúng; phục vụ công tác nghiên cứu, học tập, trao đổi văn hóa...; đồng thời, chuyển dữ liệu về Ngân hàng dữ liệu của Bộ VH-TT&DL, kết nối và tiếp nhận sản phẩm của Ngân hàng dữ liệu nhằm trao đổi dữ liệu, thông tin tạo hệ thống thông suốt.

Hiện Ngân hàng đang lưu trữ 3.368 tư liệu về VHPVT của thành phố, gồm: 248 tư liệu ghi chép ở dạng bài viết; 3.043 tư liệu hình ảnh; 64 tư liệu phim; 13 tư liệu ghi âm và sưu tầm một số tư liệu di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc Việt Nam. Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện- Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, năm 2018 Bảo tàng Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả ngoài mong đợi nhờ nâng cao chất lượng công tác chuyên môn, trưng bày, tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều hoạt động, thu hút đông đảo du khách. Đặc biệt nhờ làm tốt công tác truyền thông, quảng bá và tạo được hình ảnh ấn tượng, tốt đẹp nên năm qua, Bảo tàng Đà Nẵng đã đón được 275.571 lượt khách, đạt 137,8% so với chỉ tiêu giao và tăng 38% so với số khách năm 2017. Với việc đưa vào sử dụng một số ứng dụng, sản phẩm mới, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện hy vọng Bảo tàng sẽ phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của công chúng tốt hơn, hiệu quả hơn.

Theo ông Lê Tấn Thanh Tùng- Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam, xu hướng đi du lịch hiện nay, đặc biệt là du khách nước ngoài là tự tổ chức mà không theo tour. Với nguồn khách nước ngoài đến Đà Nẵng ngày càng đa dạng, việc Bảo tàng Đà Nẵng ra mắt các ứng dụng công nghệ nói trên, đặc biệt là hệ thống thuyết minh đa ngữ qua thiết bị di động rất đáng được ghi nhận. Bởi với hệ thống thuyết minh tự động, khách tham quan sẽ chủ động hơn, có quyền lựa chọn thông tin mà mình muốn tiếp cận. Có thể nói, cùng sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0, việc triển khai và ứng dụng công nghệ số trong hoạt động của Bảo tàng Đà Nẵng là hướng đi đúng nhằm phục vụ công chúng, du khách ngày càng tốt hơn.

P.Thủy

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_200819_bao-tang-da-nang-day-manh-ung-dung-cntt-phuc-vu-du.aspx