Bảo tàng Báo chí Việt Nam trước ngày khai trương

Sau gần 3 năm chuẩn bị, Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ chính thức đón khách tham quan từ ngày 19/6, nhân kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

 Ngày 28/7/2017, Thủ tướng ký quyết định thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Bảo tàng nằm tại Tòa nhà Hội nhà báo Việt Nam, đường Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội. Sau 3 năm triển khai, Bảo tàng dự kiến khai trương vào ngày 19/6.

Ngày 28/7/2017, Thủ tướng ký quyết định thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Bảo tàng nằm tại Tòa nhà Hội nhà báo Việt Nam, đường Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội. Sau 3 năm triển khai, Bảo tàng dự kiến khai trương vào ngày 19/6.

Bảo tàng có trên 20.000 hiện vật, tài liệu được tập hợp và bảo quản. Trong số đó, trên 700 hiện vật, tài liệu độc đáo, quý hiếm phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử báo chí Việt Nam được nghiên cứu, lập hồ sơ, thẩm duyệt phục vụ trưng bày. Trong hình là hệ thống loa phát thanh ở vĩ tuyến 17 có thể truyền xa 10 km, công suất 500 W.

Nhà báo Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam, cho biết: "Kinh phí đầu tư 24 tỷ đồng cho phần trưng bày của bảo tàng. Ngoài việc sưu tầm hiện vật, chúng tôi cố gắng đưa công nghệ thông minh vào hoạt động. Hệ thống màn hình tra cứu số hóa trải dài tại không gian trưng bày, có phòng tra cứu cho người muốn tra cứu hiện vật, tư liệu bản gốc".

Với diện tích 1.500 m2, bảo tàng được chia làm 5 nội dung về Báo chí Việt Nam trong các giai đoạn: Từ 1865-1925; từ 1925-1945; từ 1945-1954; từ 1954-1975 và từ 1975 đến nay.

Một thẻ nhà báo bản gốc được trưng bày tại Bảo tàng.

Nhà báo Lê Quốc Trung, Nguyên Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, cố vấn Bảo tàng Báo chí Việt Nam, giới thiệu máy quay sử dụng trong sự kiện Hà Nội 12 ngày đêm năm 1972. "Bảo tàng trưng bày 95% hiện vật gốc, còn lại là phục chế. Ví dụ, buồng tối của báo ảnh Việt Nam là hiện vật của những người làm trong buồng tối thời kỳ chiến tranh, trước những năm 1975. Chúng tôi nhờ một kỹ thuật viên từng làm buồng tối giúp bày biện lại đúng theo những cái sẵn có", ông Trung cho biết.

Khu vực báo chí Cách mạng Việt Nam giai đoạn 1925-1945 với dấu mốc báo Thanh Niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, ra số đầu tiên ngày 21/6/1925. Đây là tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta, giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Hình thức trưng bày tại bảo tàng sáng tạo, một số điểm nhấn trong không gian trưng bày như: Hình tượng Bút sen ở gian khánh tiết, Báo chí chiến khu giai đoạn 1945-1954, Làm báo dưới hầm giai đoạn 1954-1975, 3 chủ đề trung tâm gian báo chí đổi mới..

Bảo tàng còn có hệ thống màn hình sẽ công chiếu 26 bộ phim giới thiệu về lịch sử báo chí và các nhà báo tiêu biểu của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Khu vực trưng bày của báo điện tử không xuất hiện các hiện vật như các gian báo khác, chỉ trưng bày màn hình để khách tham quan tự do tra cứu.

Khu vực cuối cùng của 2 tầng bảo tàng là nơi ghi danh, tưởng niệm những người làm báo đã hy sinh vì Tổ quốc, vì sự nghiệp báo chí Việt Nam. Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã ký kết hợp tác với Học viện Báo chí và Tuyên truyền cùng Viện đào tạo Báo chí và Truyền Thông (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội) trong việc đào tạo, trao đổi học thuật, cũng như hoạt động thực tiễn. Sau khi khai trương, bảo tàng mong muốn tiếp đón các nhà báo, sinh viên và người dân quan tâm đến báo chí nước nhà.

Một số công đoạn chuẩn bị đang được gấp rút hoàn thiện trước ngày khai trương.

Phương Lâm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bao-tang-bao-chi-viet-nam-truoc-ngay-khai-truong-post1096261.html