Bảo tàng Áo dài tròn 5 tuổi: Hồn dân tộc trong tà áo mỏng

'Lồng đèn áo dài của con đẹp không cô?', 'Con hạc giấy con xếp như vầy được chưa cô?'... những câu hỏi ríu rít của các cháu học sinh trường Tiểu học Trường Thạnh, Long Phước, Quận 9 vừa khiến chúng tôi cuống quít, bận rộn, vừa đem lại một niềm vui khó tả cho Bảo tàng Áo dài trước thềm xuân mới.

Chính thức mở cửa ngày 22.1.2014, Bảo tàng Áo dài lập tức thu hút được sự quan tâm của công chúng và giới truyền thông. Thực tế họa sĩ, nhà thiết kế Sĩ Hoàng trong suốt 12 năm trước đó đã xây dựng nhà cửa, thiết kế sân vườn và sưu tầm áo dài. Việc cho ra đời và duy trì một bảo tàng công lập là cả một vấn đề, đối với bảo tàng tư nhân lại càng nhiều khó khăn, thách thức.

Hầu như rất ít bảo tàng có thể tồn tại được từ nguồn thu ít ỏi từ vé vào cửa, phí dịch vụ. Trong khi đó chi phí dành cho hoạt động sưu tầm, trưng bày, bảo quản hiện vật, tư liệu mới thực sự “khổng lồ”. Bảo tàng Áo dài đã phải trải qua những ngày tháng lao đao tưởng chừng không trụ nổi. Nhiều người đã phải ngậm ngùi ra đi…

Chương trình “Áo dài xuân” 19.1.2019

Chương trình “Áo dài xuân” 19.1.2019

Việc gặp gỡ và hợp tác với Công ty Dấu Ấn Sài Gòn năm 2016 là một cái “duyên” giúp cho nhà thiết kế Sĩ Hoàng tiếp tục gìn giữ Bảo tàng Áo dài cho Sài Gòn, cho Việt Nam và có lẽ cho cả thế giới. Vị trí xa trung tâm Sài Gòn đã khiến Bảo tàng Áo dài khó thu hút khách tham quan. Nhưng cũng chính vì vậy Bảo tàng mới duy trì được một không gian tĩnh lặng, xanh mướt với những ngôi nhà cổ Kim Bồng, Hội An soi bóng xuống mặt hồ phẳng lặng. Vượt một chặng đường khói bụi đến đây, ai cũng thấy lòng mình bỗng chùng xuống, thanh thản trước khung cảnh mộc mạc của vùng quê ngoại thành Sài Gòn.

Len lỏi giữa không gian ríu rít tiếng gà con, tiếng ngỗng cà kíu, khách thường sững sờ khi nhìn thấy những tà áo dài cũ kỹ của Việt Nam từ áo tứ thân, năm thân cho đến ngày nay. Rồi khách lại được lắng nghe câu chuyện của hàng chục nhân vật, nam có, nữ có đã cống hiến trọn đời mình cho đất nước Việt Nam: nữ tướng Nguyễn Thị Định, giáo sư Trần Văn Khê, nghệ nhân ca trù Nguyễn Phú Đẹ…

Tiếp đón đoàn “Những quả phụ chiến tranh” 2.11.2018

Rất âm thầm, Bảo tàng Áo dài đã rong ruổi từ Bắc Giang, Phú Thọ, Huế đến miền Tây để tìm về những tấm áo dài quý báu của các nghệ nhân đang bảo tồn bảy di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam đã được UNESCO tôn vinh là “Đại diện của nhân loại”: quan họ, hát xoan, ca trù, ví giặm, nhã nhạc cung đình Huế, đờn ca tài tử, tín ngưỡng Thờ Mẫu.

Có lẽ chưa có trang phục dân tộc nào tham gia vào các di sản văn hóa nhiều và quan trọng như áo dài! Mỗi nghệ nhân đều bùi ngùi kể lại kỷ niệm sâu sắc gắn liền với bộ áo dài của mình khiến chúng tôi vừa ghi chép vừa không cầm được nước mắt.

Chương trình giao lưu “Áo dài và hoa vải tsumami” 11.3.2018

Lần đầu tiên Bảo tàng Áo dài thử sức tổ chức tọa đàm “Lịch sử áo dài Việt Nam” và “Kỹ thuật cắt may, trang trí áo dài”. Chúng tôi hết sức lo lắng, hồi hộp vì chủ đề quá chuyên sâu, các nhà nghiên cứu có thể ngần ngại góp ý. Vậy mà mấy chục tham luận, ý kiến của các giáo sư, nhà thiết kế, nhà văn hóa đã giúp Bảo tàng “sáng ra” nhiều điều, tự tin hơn trên con đường đầy thử thách của mình. Ước mơ để nghề may áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể của đất nước đã nung nấu trong Bảo tàng từ lâu nay dần hiện rõ với sự chung tay, góp sức của bao nhiêu trái tim, khối óc...

Cùng với áo dài, Bảo tàng đang âm thầm gìn giữ nhiều giá trị văn hóa khác của dân tộc: nón lá, yếm đào, món ăn dân gian, những trò chơi xưa mộc mạc...

Chương trình “Lời ru của mẹ”, 7.9.2018

Áo dài cũng có thể rất “hội nhập” để góp sức vào sự phát triển của đất nước. Nghệ thuật hoa vải tsumami của Nhật Bản có lịch sử gần 200 năm tưởng chừng thất truyền ngay trong đất nước mình bỗng bừng lên rực rỡ trên tà áo dài Việt Nam nhân Lễ hội Áo dài TP.HCM 2018!

Nghệ nhân Takahashi đã dành trọn đời mình cho hoa vải tsumami vẫn không khỏi ngạc nhiên trước vẻ đẹp choáng ngợp của hoa vải trên tà áo dài, trên nón lá Việt Nam. “Mỗi bông hoa tsumami trên tà áo dài chính là một mầm ươm tình hữu nghị...” - Tổng lãnh sự Nhật Bản J.Kawawe đã thốt lên như vậy. Sinh viên Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... đã lần lượt tìm đến Bảo tàng Áo dài như một trường học đặc biệt về văn hóa Việt Nam, đến một nơi để được thấy, được nghe, được xúng xính chụp ảnh với áo dài bên hồ sen.

Tọa đàm “Lịch sử áo dài Việt Nam” 16.3.2018

Tình cờ, rồi thành một điểm hẹn, Bảo tàng Áo dài đã tiếp đón cựu chiến binh, quả phụ chiến tranh của Mỹ đến gặp gỡ các cựu chiến binh, du kích, quả phụ Việt Nam. Những “kẻ thù cũ” giờ cùng xúm xít gói bánh ít, cùng ăn bún mắm, đong đưa võng nghêu ngao hát dưới gốc mù u... Có lẽ ít khi nào sự hòa giải, hàn gắn giữa con người lại diễn ra mộc mạc, sâu sắc đến vậy! Một người dày dạn kinh nghiệm sống như cựu phóng viên chiến trường Nhật Bản - Ishikawa Bunyo mà phải đỏ mặt xúc động khi Bảo tàng tiếp đón ông, chúc mừng sinh nhật thứ 80 bằng một chiếc bánh chưng cắm nến và bộ áo dài khăn đóng rực rỡ.

Vẫn còn đó muôn vàn khó khăn, thách thức trước mắt của một bảo tàng mới tròn năm tuổi. Nhưng chúng tôi vẫn âm thầm ước mơ và đi tới…

Bài: Huỳnh Ngọc Vân - Ảnh: BTAD

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/bao-tang-ao-dai-tron-5-tuoi-hon-dan-toc-trong-ta-ao-mong-17527.html