Bão số 8 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, hồi 13 giờ ngày 27-12, vị trí tâm bão số 8 ở khoảng 14,9 độ vĩ bắc; 116,5 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 510 km về phía đông đông nam. Trong 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được 10 đến 15 km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới (ATNÐ). Ðến 13 giờ ngày 28-12, vị trí tâm ATNÐ ở khoảng 14,6 độ vĩ bắc; 113,5 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 310 km về phía nam đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNÐ cấp 6, cấp 7, giật cấp 9.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo ATNÐ di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được 10 đến15 km và suy yếu thành một vùng áp thấp. Sức gió ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6.

* Từ đêm 27 và ngày 28-12, không khí lạnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Trung Trung Bộ. Các tỉnh Bắc Bộ có mưa nhỏ vài nơi, các tỉnh Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa, mưa rào rải rác. Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét, vùng núi Bắc Bộ có nơi rét đậm.

* Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, vụ sắn 2019, nông dân trong tỉnh trồng 28.181 ha, tăng 14,2% so với năm 2018. Hiện nay bệnh khảm lá vi-rút gây hại với 5.197,5 ha, trong đó bị nhiễm nặng 1.570 ha. Tại huyện Sông Hinh, bệnh gây hại với diện tích 4.300 ha; Sơn Hòa 720 ha; Ðồng Xuân 140 ha; Tây Hòa 35 ha...

* Vụ đông xuân năm nay, toàn xã Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu, Nghệ An) gieo trồng khoảng hơn 20 ha rau màu, trong đó khoảng 10 ha cà chua tập trung ở các thôn 8, 10, 12... Thời điểm này đang vào mùa thu hoạch, nhưng diện tích cây cà chua đang cho thu hoạch quả được 2 đến 3 ha. Nguyên nhân là do hầu hết diện tích cây cà chua giai đoạn phát triển thì xuất hiện tình trạng khô cây, sau đó héo rụng, gây thiệt hại khoảng 7 ha.

* Vụ mùa 2019, toàn tỉnh Ninh Thuận gieo trồng hơn 23.300 ha; trong đó có hơn 12.400 ha lúa . Năm nay dự kiến năng suất sẽ rất thấp. Trung bình 1 ha lúa năng suất thu hoạch chỉ đạt 4,5 tấn. So với vụ mùa năm 2018, năng suất giảm hơn 1,5 tấn/ha.

* Tại Sóc Trăng vụ mía đường 2018 - 2019 nông dân tiêu thụ khó khăn. Vào đầu vụ thu hoạch, mía bán tại ruộng 610 đồng/kg. Nhưng thời điểm thu hoạch rộ giá mía rất thấp, chỉ còn từ 200 đến 400 đồng/kg, thấp hơn so cùng kỳ năm trước 200 đến 400 đồng/kg. Trong khi chi phí đầu tư sản xuất cao, giá thành sản xuất mía khoảng 800 đồng/kg. Tính ra, người trồng mía lỗ từ 30 đến 40 triệu đồng/ha.

* Tại tỉnh Long An, qua các mùa lúa gần đây cho thấy, số lượng doanh nghiệp ký liên kết thu mua lúa cho nông dân ngày càng ít. Ðến nay, toàn tỉnh gieo sạ hơn 203.000 ha lúa đông xuân 2019 - 2020 và một số địa phương đã bắt đầu thu hoạch lúa đông xuân sớm. Tuy nhiên, tính đến đầu tháng 12, mới chỉ có năm doanh nghiệp và một hợp tác xã tham gia cánh đồng lớn với kế hoạch đăng ký thu mua lúa cho nông dân hơn 1.770 ha.

* Do tình trạng hạn và xâm nhập mặn, vùng Long Phú - Trần Ðề (Sóc Trăng) từ cuối tháng 12 sẽ gặp khó khăn về nước tưới và có khả năng xảy ra hạn trong vùng dự án ngọt hóa. Do vậy cần có kế hoạch bơm trữ, vận hành cống hợp lý để tích trữ nước ngọt ngay từ thời điểm hiện nay khi ngoài sông nguồn nước ngọt vẫn còn dồi dào.

* Tại một số địa phương của tỉnh Hậu Giang như: TP Vị Thanh, huyện Vị Thủy, từ nay đến cuối mùa khô, mặn có thể xâm nhập với nồng độ đạt 2 - 4g/l, nhất là vào tháng 3, 4, 5 nếu không mưa.

* Tỉnh Bến Tre sẽ gặp khó khăn về nguồn nước ngọt từ tháng 1-2020. Tại các vùng dự án ngọt hóa: Nhật Tảo - Tân Trụ (Long An), Gò Công (dự án Gò Công, Tiền Giang), Trà Vinh (dự án Nam Mang Thít), trong các tháng 3, 4, 5 (nếu không mưa hoặc xả nước thượng lưu) sẽ thiếu nước ngọt nghiêm trọng, cần phải tăng cường chuyển nước từ trên xuống theo các kênh dọc trục trong hệ thống.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/42727202-bao-so-8-suy-yeu-thanh-ap-thap-nhiet-doi.html