Bão số 5 gây thiệt hại nặng cho TT -Huế và một số địa phương

Khoảng 9 giờ 30 ngày 18-9, bão đã đi vào địa bàn TT-Huế và sau đó suy yếu. Bão số 5 quét qua TT-Huế trong khoảng 40 phút đã gây thiệt hại nặng nề trên toàn địa bàn.

Khoảng 9 giờ 30 ngày 18-9, bão đã đi vào địa bàn TT-Huế và sau đó suy yếu. Bão số 5 quét qua TT-Huế trong khoảng 40 phút đã gây thiệt hại nặng nề trên toàn địa bàn.

CSCĐ CA tỉnh TT-Huế đang xử lý cây cổ thụ bật gốc trên đường Hà Nội, TP Huế để giải phóng tuyến.

CSCĐ CA tỉnh TT-Huế đang xử lý cây cổ thụ bật gốc trên đường Hà Nội, TP Huế để giải phóng tuyến.

Vùng tâm bão

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh TT-Huế đến cuối giờ ngày 18-9, vùng thiệt hại nặng do bão số 5 ở tỉnh tập trung tại các huyện ven biển Phong Điền,Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, TX Hương Trà, TX Hương Thủy và TP.Huế. Theo thống kê bước đầu, bão số 5 đã làm 1 người chết do cây đổ tại xã Phong Thu (H.Phong Điền). Bão cũng đã làm bị thương 23 người, trong đó có 2 bị thương nặng. Về nhà tốc mái, con số này rất lớn, các địa phương đang nắm số liệu thực tế. Tuy nhiên, qua thống kê bước đầu xác định đã có 1.664 nhà bị tốc mái, trong đó TX Hương Thủy 1.459 nhà, huyện Phong Điền 60 nhà, huyện A Lưới 2 nhà, huyện Phú Lộc 53 nhà. Bước đầu thống kê, tại H.Phú Lộc có 3 nhà sập đổ hoàn toàn.

Bão số 5 đã khiến hàng trăm cây cổ thụ, cây xanh trên toàn tỉnh bị bật gốc, đổ ngã, gãy cành. Tuyến QL1A qua địa bàn TT-Huế đã bị ách tắc trong nhiều giờ và trong cùng ngày đã được thông tuyến trở lại. Bão cũng đã gây thiệt hại nặng về hệ thống lưới điện tại TT-Huế. Rất nhiều cột trụ điện ở tỉnh bị gãy đổ, đường dây bị đứt. Điện lực tỉnh TT- Huế đã sa thải lưới điện toàn tỉnh trước khi bão vào nhằm đảm bảo an toàn cho người dân. Đến cuối giờ chiều 18-9, hầu như trên toàn địa bàn tỉnh vẫn bị cúp điện.

Ngay sau khi bão tan, từ 11 giờ cùng ngày, hàng trăm CBCS của CA tỉnh, quân đội đã khẩn trương giúp dân lợp lại nhà cửa, thu hoạch hoa màu; thu dọn cây xanh để giải phóng các tuyến đường… Đại tá Lê Văn Vũ- Phó Giám đốc CA tỉnh TT-Huế cho biết: Trước khi bão vào, do CA tỉnh đã họp bàn với CA các địa phương, đơn vị nên đã chủ động trong công tác phòng, chống bão. Đại tá Vũ cho biết, trong ngày 18-9, CA tỉnh đã cử hàng trăm CBCS là cảnh sát chữa cháy, cảnh sát cơ động, công an các huyện, phường, xã… khẩn trương, chung tay khắc phục sau bão để giúp bà con nhân dân sớm ổn định đời sống.

Lực lượng BĐBP xử lý điểm nghẽn vị trí cầu tràn ở địa bàn phía nam H.Đakrông.

Quảng Trị: Hai vợ chồng gặp nạn

Chiều 18–9, ông Hồ Văn Nhiếp, Chủ tịch UBND xã Tà Rụt, H.Đakrông, Quảng Trị cho biết lực lượng CAX cùng với CBCS CAH Đakrông, ĐBP CK quốc tế La Lay vẫn nỗ lực tìm kiếm chị Hồ Thị Ngọc (1994, trú thôn A Pun, xã Tà Rụt), nạn nhân bị nước cuốn trôi vào khoảng 10 giờ 30 phút cùng ngày. Thời điểm ngay sau khi bão số 5 đổ bộ, địa bàn Tà Rụt vẫn diễn ra mưa lớn, nhiều khe suối nước dâng, tràn, lúc đó, vợ chồng chị Ngọc đi xe máy từ rẫy về nhà, khi ngang qua khe suối thì xe lẫn người bị nước cuốn. Anh Hồ Văn Hích, chồng chị Ngọc bơi được vào bờ, còn chị Ngọc bị nước cuốn ra xa, mất tích. Sau nhiều giờ tìm kiếm, lực lượng chức năng mới phát hiện được chiếc xe máy của hai vợ chồng chị Ngọc, cách nơi gặp nạn gần 100m. Anh Hồ Văn Nhiếp cho hay gia đình nạn nhân là hộ nghèo, có hai con còn nhỏ 4 tuổi và 2 tuổi.

Nước lũ tràn về gây ngập lụt ở nhiều nơi của H. Đông Giang.

Theo Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Trị, do ảnh hưởng bão số 5, mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn nên đã gây ngập cục bộ tại nhiều điểm thuộc phía nam H.Đakrông như tuyến đường 15D bị ngập, ách tắc tại cầu tràn La Lay (xã A Ngo); tuyến đường đi Tà Rụt – A Vao bị ngập, tắc cục bộ tại cầu tràn A Vao… Trước tình hình này, chính quyền địa phương và lực lượng BĐBP đã lập nhiều tổ chốt chặn tạm thời không cho phương tiện và người dân qua lại để đảm bảo về người và tài sản. Bão số 5 tuy không mạnh nhưng cũng khiến nhiều cây xanh gãy đổ, một số nhà dân ở H.Hải Lăng tốc mái cũng như gây thiệt hại về hoa màu, lúa ngã đổ do chưa thu hoạch kịp.

Trong khi đó, tại khu vực miền núi, lực lượng BĐBP, CAH Đakrông, Hướng Hóa vẫn bám sát từng địa bàn xung yếu, nguy cơ sạt lở đất, lũ quét để kêu gọi, tuyên truyền người dân nâng cao cảnh giác. Sau cơn bão, người dân từ miền biển lên vùng núi, từ đô thị về nông thôn đều bày tỏ sự cảm kích trước sự chủ động triển khai các biện pháp phòng chống bão của chính quyền và nỗ lực không mệt mỏi của các lực lượng CA, quân đội trong hỗ trợ nhân dân phòng chống thiên tai.

“Không chỉ thuyền, bè được các chú CA, Biên phòng vận chuyển lên bờ, người dân lại được sắp xếp đưa đến chỗ trú tránh an toàn. CBCS còn lo giữ gìn tài sản, đảm bảo ANTT cho dân ở địa bàn. Mỗi khi có thiên tai đều cảm nhận rõ tình cảm quân dân như rứa, thấy ấm áp lắm”, anh Lê Viết Hải (H.Gio Linh) chia sẻ. Sau bão, lực lượng CA, quân đội lại tiếp tục nắm tình hình của bà con để kịp thời hỗ trợ những khó khăn gặp phải.

Quảng Bình: Khẩn cấp hỗ trợ gạo cho đồng bào bị cô lập

Chiều 18-9, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình cho biết, ảnh hưởng của bão số 5, trên địa bàn có 7 người bị thương do bị ngã khi che chắn nhà cửa và chặt cây trước khi bão đến. Ngoài ra, có 4 người đồng bào dân tộc Mã Liềng ở huyện Tuyên Hóa đi rừng hiện chưa về.

Do ảnh hưởng của gió bão, hệ thống điện ở một số khu vực tại thành phố Đồng Hới bị hư hỏng, cây gãy đổ gây mất điện. Hiện Công ty Điện lực Quảng Bình đang tập trung lực lượng, phương tiện để khắc phục sớm cấp điện trở lại.

Tại hai xã vùng cao Dân Hóa và Trọng Hóa, huyện Minh Hóa có một số ngầm trên các tuyến đường bị ngập, gây chia cắt các bản như: Pa Chong, Ra Mai, Si, Dộ tà Vơng, Lòm, Cha Oóc và vùng Lòm. Để giúp người dân khắc phục khó khăn, UBND huyện Minh Hóa đã phân bổ khẩn cấp 10 tấn gạo cho hai xã Trọng Hóa và Thượng Hóa để hỗ trợ cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số bị cô lập do mưa lũ.

Tại Quảng Bình hiện đang mưa to, khả năng gây ngập lụt khu vực thấp trũng và các tuyến đường miền núi. UBND tỉnh đang chỉ đạo các huyện, Bộ đội Biên phòng cử lực lượng bám địa bàn, giúp người dân sơ tán khỏi khu vực nguy hiểm, bảo đảm an toàn tại các khu vực xung yếu.

Quảng Nam: Miền núi bị sạt lở, ngập lụt trên diện rộng

Sạt lở trên đường Hồ Chí Minh (đoạn qua các huyện Đông Giang, Tây Giang).

Ông Lê Hoàng Linh - Phó chủ tịch UBND H. Tây Giang cho hay, mưa lớn khiến nhiều nơi trên địa bàn huyện bị sạt lở, đường lên trung tâm các xã vùng cao bị ách tắc, giao thông đi lại rất khó khăn. Hiện chính quyền các địa phương đang khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở trên đường để lưu thông. CAH Tây Giang đã kịp thời cứu hộ an toàn 4 hộ dân với 9 nhân khẩu tại thôn Ahu (xã Atiêng, H. Tây Giang) bị cô lập do mưa lũ vào trưa cùng ngày.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tại và tìm kiếm cứu nạn H. Tây Giang, có khoảng 100 điểm sạt lở hầu hết ở các tuyến đường, có 95ha lúa ở các địa phương bị ngập úng. Huyện đã sơ tán 110 hộ dân tại các điểm sạt lở đến nơi an toàn. Khoảng 9 giờ sáng 18-9, lượng nước lớn đổ về các sông trên địa bàn, chỉ trong vòng 15 phút gây ngập một số khu vực thấp trũng gây thiệt hại nhiều tài sản của người dân.

Sóng biển làm sạt lở nhiều khu vực bờ biển ở TP Hội An.

Theo báo cáo nhanh của UBND H. Đông Giang vào chiều 18-9, nước lũ tràn về làm ngập 58 ngôi nhà tại thôn Tà Vạt, thôn Trao và thôn Aduông (thị trấn Prao). Chính quyền địa phương đã tổ chức di dời các hộ ra khỏi vùng ngập lũ). Nước lũ làm ngập úng, đổ ngã 12,5 ha diện tích lúa nước tại các xã, thị trấn; cuốn trôi 8 con bò, 16 con heo; ngập úng, đổ ngã 47,5 ha lúa gần đến kỳ thu hoạch; đổ ngã 6,5 ha chuối, 18 ha rau màu các loại; nước lũ cuốn trôi trên 10.000m2 ao nuôi cá nước ngọt.

Do ảnh hưởng của bão, nhiều khu vực ven biển ở Quảng Nam bị sóng đánh gây sạt lở bờ biển nghiêm trọng. Ghi nhận của P.V đoạn bờ biển thuộc địa phận khối phố Tân Mỹ (P. Cẩm An, TP Hội An) có hơn 100m bờ biển bị sóng biển làm sạt lở. Có nhiều đoạn bờ biển sạt lở khiến nhiều bờ kè đá, cây dừa bị cuốn trôi ra ngoài biển.

Theo tin từ Cục Quản lý đường bộ 3, bão số 5 gây thiệt hại nhẹ trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua Quảng Nam. Tính từ 7 giờ đến 11 giờ ngày 18-9, khoảng 150m3 đất bị sạt, tràn mặt đường, cống và rãnh dọc tại Km427+450. Nước lũ tràn mặt đường có độ sâu từ 0,8m đến 1m gây tắc giao thông hoàn toàn tại 3 vị trí, gồm: Km443+100; Km447+400 và Km448+200 thuộc địa bàn xã A Vương, huyện Tây Giang. Ngoài ra, tại vị trí cầu Hai Dòng (Km439+230) nước tràn ra mặt đường, mặt cầu và cây cối đổ ngã ra đường gây ách tắc giao thông. Cục Quản lý đường bộ 3 đã huy động phương tiện cơ giới san gạt đất, đảm bảo sự thông suốt và đảm bảo an toàn cho các phương tiện ngay khi nước lũ rút.

H.LAN – B.HÀ - L.VƯƠNG - M.T

Ngành điện đà Nẵng khẩn trương khắc phục sự cố

Công nhân Cty Điện lực Đà Nẵng khắc phục sự cố điện sau bão số 5.

Đà Nẵng - Cty Điện lực Đà Nẵng cho biết, do ảnh hưởng của bão số 5 (bão Noul) gây mưa lớn, giông sét, ngã đổ cây vào đường dây đã làm gián đoạn việc cung cấp điện tại một số khu vực thành phố Đà Nẵng. Theo thống kê ban đầu, bão số 5 đã gây ra 32 sự cố lưới điện trung hạ áp, trong đó đã khôi phục 29 sự cố, còn lại 3 sự cố đang tiến hành xử lý. Tổng số trạm biến áp mất điện 734 trạm, đã khôi phục 717 trạm, còn 17 trạm đang xử lý. Theo ông Võ Hòa, Phó Giám đốc Cty Điện Lực Đà Nẵng, ngay khi mưa gió vừa ngớt, Cty đã tập trung nhân, vật lực xử lý sự cố, khắc phục hậu quả do bão gây ra trên lưới điện thành phố, nỗ lực cấp điện trở lại phục vụ nhân dân trên địa bàn. Hiện mọi công tác tiếp tục được tiến hành khẩn trương, phấn đấu khôi phục điện toàn thành phố Đà Nẵng trong thời gian sớm nhất, dự kiến đến 15 giờ ngày 18-9-2020.

P.K

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/102_231695_ba-o-so-5-gay-thie-t-ha-i-na-ng-cho-tt-hue-va-.aspx