Bão số 4 hướng vào Bắc Trung Bộ

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, hồi 19 giờ ngày 29-8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,5 độ vĩ bắc, 108,5 độ kinh đông, cách đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị khoảng 170 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11. Khu vực gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên có bán kính khoảng 120 km tính từ tâm bão.

Từ sáng sớm hôm nay 30-8, bão đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến bắc Quảng Trị với sức gió mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 11. Vị trí tâm bão ở khoảng 17,7 độ vĩ bắc, 106,0 độ kinh đông, trên đất liền các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được 20 km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Ðến 19 giờ hôm nay, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 18,0 độ vĩ bắc, 103,6 độ kinh đông, trên khu vực biên giới Lào - Thái-lan. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6.

Vùng nguy hiểm trên Biển Ðông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên): phía bắc vĩ tuyến 16,0 độ vĩ bắc; phía tây kinh tuyến 110,5 độ kinh đông.

Sáng 29-8, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai (PCTT) đã họp chỉ đạo ứng phó với bão số 4, quyết định thành lập hai đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo việc ứng phó bão tại các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình. Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT đề nghị Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia thường xuyên theo dõi, thông tin kịp thời, chính xác diễn biến của bão, cảnh báo mưa lớn, nước biển dâng (bao gồm cả khu vực Biển Tây) để thông tin kịp thời đến người dân, nhất là khách du lịch trong dịp 2-9. Ðối với khu vực miền núi, trung du, lực lượng chức năng cần triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát khu dân cư ven sông suối, hạ lưu hồ đập, vùng trũng thấp, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; khơi thông các điểm bị tắc nghẽn dòng chảy; tuần tra, canh gác các khu vực ngầm tràn, sạt lở... Triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập, hạ du hồ chứa, nhất là hồ, đập xung yếu, đang thi công và thủy điện nhỏ; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khôi phục sự cố, bảo đảm giao thông, hệ thống lưới điện...

Theo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đến ngày 29-8, lực lượng biên phòng đã thông báo, hướng dẫn 71.361 tàu, thuyền trên biển biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để di chuyển đến nơi an toàn. Hiện nay, ở khu vực nguy hiểm đang có 358 tàu đang được lực lượng biên phòng phối hợp kiểm ngư và gia đình các chủ tàu hướng dẫn di chuyển tránh bão.

Ngày 29-8, ở các tỉnh thuộc Trung Trung Bộ có mưa vừa, có nơi mưa to. Từ ngày 30 đến 31-8, ở các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ có mưa to đến rất to; từ 30-8 đến 1-9, ở Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, bắc Tây Nguyên mưa rất to. Tổng lượng mưa phổ biến cả đợt ở các khu vực là: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị: 250 đến 400 mm; Thừa Thiên - Huế, Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ: 200 đến 300 mm; khu vực nam đồng bằng Bắc Bộ, Ðà Nẵng: 100 đến 200 mm; trung du, vùng núi Bắc Bộ và tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi: 50 đến 120 mm; các tỉnh Tây Nguyên: 150 đến 250mm.

Trên các sông suối thuộc lưu vực sông Hồng - Thái Bình, sông Hoàng Long, các sông từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế và khu vực Tây Nguyên sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2 đến 8 m. Mực nước đỉnh lũ thượng lưu các sông ở Nghệ An, Hà Tĩnh, các sông ở Quảng Bình lên mức báo động (BÐ)2 đến BÐ3, có nơi trên BÐ3; trên sông Thao (Yên Bái), hạ lưu các sông ở Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, Quảng Trị, bắc Tây Nguyên lên mức BÐ1 đến BÐ2, các sông ở Thừa Thiên - Huế, sông Hoàng Long (Ninh Bình) và lưu lượng đến hồ Hòa Bình (sông Ðà) lên mức BÐ1 và vượt BÐ1.

Chiều 29-8, một trận lốc xoáy kéo dài hơn 10 phút kèm theo mưa lớn đã quét qua địa bàn xã Kỳ Hoa, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh làm hai người dân bị thương, 41 ngôi nhà bị tốc mái, 11 nhà bị tốc mái nặng, một ngôi nhà bị sập hoàn toàn. Chính quyền thị xã Kỳ Anh đã huy động lực lượng công an, quân đội đến hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại ổn định chỗ ở, khắc phục nhà bị hư hỏng trước khi bão số 4 đổ bộ.

Tại Thanh Hóa, các huyện ven biển Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia và TP Sầm Sơn thực hiện lệnh cấm biển từ 5 giờ ngày 29-8. Tàu, thuyền và các loại bè mảng cơ bản đã được ngư dân đưa vào khu vực neo đậu, tránh trú an toàn. Tuy nhiên, số lượng phương tiện vào tránh trú tại các âu thuyền khá ít. Cảng cá và âu thuyền Lạch Hới, phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn có sức chứa 900 phương tiện nhưng tính đến sáng 29-8 mới chỉ có khoảng 190 phương tiện neo đậu.

Nghệ An đã ban hành lệnh cấm biển: bắt đầu từ 5 giờ sáng 29-8, không cho tàu thuyền ra biển, còn tàu thuyền đang trên đường về phải kịp cập bờ trong 15 giờ chiều cùng ngày. Toàn tỉnh Nghệ An có gần 4.000 tàu, hiện đã có 3.819 tàu neo bến, 36 tàu đang đánh bắt ven bờ đã nhận được thông tin. Có 76 tàu với 750 lao động đang neo đậu ở các tỉnh khác.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức kêu gọi 2.062 tàu, thuyền của tỉnh tránh bão. Toàn tỉnh vẫn còn 52 tàu đang hoạt động trên biển, dự kiến sẽ vào bờ trước khi bão đổ bộ. Tỉnh đã có lệnh cấm biển sáng 29-8. Lực lượng biên phòng tỉnh sử dụng bốn ca-nô và huy động 14 chiến sĩ hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu, thuyền, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện.

Ngày 29-8, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị có công điện khẩn yêu cầu các đơn vị, địa phương tuyệt đối không cho tàu, thuyền ra khơi, hướng dẫn tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn, sắp xếp bảo đảm an toàn tàu thuyền tại các nơi neo đậu; bảo đảm an toàn cho tàu và khách du lịch trên đảo Cồn Cỏ; tổ chức thu hoạch nhanh lúa, hoa màu.

Ðồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Cửa Việt trong sáng 29-8 đã kêu gọi được 48 tàu, thuyền trên biển tránh trú an toàn. Ðơn vị phối hợp các xã ven biển giúp người dân chằng chống nhà cửa, bảo đảm an toàn. Tỉnh Quảng Trị có khoảng 2.300 tàu thuyền với hơn 7.000 thuyền viên đã nhận được thông tin, hướng di chuyển của bão số 4. Hiện nay, tỉnh vẫn còn 9 tàu với 102 thuyền viên trên biển chưa thể liên lạc được.

Ðến sáng 29-8, tỉnh Quảng Nam vẫn còn 118 tàu, thuyền đang hoạt động trên biển, trong đó, 61 tàu xa bờ, hoạt động ở khu vực Trường Sa. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các đơn vị bắn pháo hiệu báo bão để ngư dân nhận biết, nhanh chóng vào bờ tránh trú an toàn.

UBND tỉnh Quảng Nam quyết định tạm dừng các hoạt động vận chuyển hai chiều trên tuyến Cửa Ðại - đảo Cù Lao Chàm do ảnh hưởng mưa bão, bắt đầu từ ngày 29-8. Trước đó, Ðồn Biên phòng Cù Lao Chàm đã huy động ba tàu đưa tất cả du khách còn lại trên đảo vào đất liền an toàn. Hiện tại, tất cả tàu thuyền du lịch của Hội An đã về neo đậu tránh bão tại cảng Cửa Ðại.

Toàn tỉnh Phú Yên hiện có hơn 4.110 tàu, thuyền đang di chuyển tránh bão, đến chiều 29-8, vẫn có 417 tàu đang hoạt động trên biển, trong đó 206 tàu ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa và nhà giàn DK. Hầu hết các phương tiện đã biết được hướng đi của bão để di chuyển đến nơi an toàn.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi và các ngành, địa phương liên quan cũng đã khẩn trương liên lạc, kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn. Tính đến chiều 29-8, toàn tỉnh còn 235 tàu đang ở các vùng biển bị ảnh hưởng của bão số 4.

Cảng vụ Hàng hải tỉnh Kiên Giang cũng thông báo từ sáng 29-8, tất cả các loại tàu, phà cao tốc từ Phú Quốc đi Rạch Giá, từ Hà Tiên đi Phú Quốc và ngược lại tạm ngưng hoạt động vì ảnh hưởng của bão số 4.

Do ảnh hưởng bão số 4, để bảo đảm an toàn, các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet phải điều chỉnh kế hoạch khai thác hàng loạt chuyến bay đến, đi từ các sân bay khu vực miền trung.

Ngày 29-8, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai phương án ứng phó bão số 4, xử lý kịp thời các tình huống, bảo đảm an toàn cung cấp điện, an toàn cho người, thiết bị, công trình, chuẩn bị đầy đủ người, phương tiện để sẵn sàng khắc phục nhanh các sự cố do thiên tai gây ra. Các đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc suốt 24 giờ, tăng cường kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó và xử lý ảnh hưởng của bão số 4. Ðặc biệt lưu ý việc kiểm tra công trình, hồ, đập, nguồn điện dự phòng, theo dõi sát tình hình thủy văn, mưa lũ, lượng nước về hồ, vận hành hồ chứa theo quy trình. Các công ty thủy điện chủ động phối hợp với ban chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố để vận hành hồ chứa an toàn, hiệu quả; tham gia cắt/giảm/làm chậm lũ, bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du…

Trước những diễn biến phức tạp của cơn bão số 4, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) vừa có công điện gửi các sở GD và ÐT, các cơ sở giáo dục từ Quảng Ngãi trở ra theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ để chủ động các biện pháp phòng tránh. Thực hiện các phương án bảo đảm an toàn tài sản, cơ sở vật chất các công trình trường, lớp học.

Theo đại diện Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội, cơn mưa dông kèm theo gió giật mạnh xảy ra vào chiều 29-8 tại TP Hà Nội đã làm đổ hơn 20 cây xanh trên các tuyến phố như: Chùa Hà, Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy); Hoàng Hoa Thám, Thụy Khuê, Nguyễn Ðình Thi (quận Tây Hồ), Hào Nam, Giảng Võ, Phạm Ngọc Thạch (quận Ðống Ða)... Trong đó có những cây xanh có đường kính lên tới 1m. Khoảng 17 giờ cùng ngày, trên đường ven hồ Tây, trước khách sạn Công Ðoàn Quảng Bá, anh Nguyễn Hữu Tuấn, 26 tuổi, ở phố Xuân Ðỉnh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bị một cây si lớn đổ đè chết.

Cứu nhiều tàu cá gặp nạn

Tại Quảng Bình, trên đường vào bờ tránh trú bão số 4, có ba tàu cá của ngư dân trong tỉnh bị hỏng máy, phá nước phát tín hiệu cứu nạn, gồm: hai tàu cá QB 91124 TS, QB 98218 TS bị hỏng máy gần vùng biển TP Ðà Nẵng; tàu cá QB 98799 TS bị phá nước có nguy cơ sắp chìm trên vùng biển cách TP Ðà Nẵng khoảng 25 hải lý. Công tác cứu hộ các tàu cá này đang được lực lượng chức năng khẩn trương thực hiện.

Rạng sáng 29-8, tàu cá NA 95688 TS (tỉnh Nghệ An) đang hoạt động tại khu vực cách biển Hà Tĩnh khoảng 60 hải lý, bất ngờ bị hỏng máy, rò nước, có nguy cơ bị chìm. Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã cử lực lượng, phương tiện của Hải đội 2 Biên phòng khẩn trương cứu nạn.

Lực lượng chức năng tỉnh Bình Ðịnh đang nỗ lực ứng cứu hai tàu cá gặp nạn trên biển. Theo đó, tàu BÐ 94204 TS bị hỏng máy thả trôi. Cơ quan chức năng đã phối hợp gia đình chủ tàu duy trì liên lạc, kêu gọi các tàu trong tổ đội và các tàu trong khu vực hỗ trợ tàu bị nạn và tàu BÐ 98032 TS đang hoạt động ở vùng biển cách Nha Trang 134 hải lý bị phá nước nhưng đã tự khắc phục sự cố và đang chạy vào bờ.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41390302-bao-so-4-huong-vao-bac-trung-bo.html