Bão số 4: Bão rất nguy hiểm, nguy cơ xảy ra ngập úng ở các tỉnh, thành phố

Cơn bão số 4 được xác định là rất nguy hiểm, không được coi thường, nếu chủ quan là thiệt hại khó lường vì bão đi ngang, đổ bộ vào vịnh Bắc Bộ.

Bão rất nguy hiểm, không được coi thường

Báo cáo tại cuộc họp nóng của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức chiều 15/8 ở Hà Nội, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, khẳng định: Bão số 4 (tức Bebinca) có đĩa mây rất lớn, không chỉ gây mưa lớn ở nhiều khu vực tại miền Bắc và Bắc Trung Bộ mà còn gây mưa to tại Trung Lào.

Sáng 16/8, bão số 4 bắt đầu đi vào khu vực vịnh Bắc Bộ với khoảng cấp 9. Rạng sáng 17/8, bão có khả năng giảm xuống cấp 8, giật cấp 10-11, sau đó cập bờ và ảnh hưởng trực tiếp tới khu vực Nam đồng bằng Bắc Bộ đến Bắc Trung Bộ.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai nhấn mạnh: Mặc dù bão chỉ có có cấp 8, cấp 9 nhưng rất nguy hiểm, không được coi thường, nếu chủ quan là thiệt hại khó lường vì bão đi ngang, đổ bộ vào vịnh Bắc Bộ từ ngày 16/8, trong khi đây là nơi tập trung rất nhiều tàu thuyền cũng như dày đặc các dự án, hoạt động du lịch, nuôi trồng thủy sản.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình đến Nghệ An đều có hoạt động nuôi nhuyễn thể, vì vậy phải ráo riết cấm biển, di dời người dân tại các khu vực nuôi trồng nhuyễn thể đến nơi an toàn.

Bão số 4 có đĩa mây rất lớn, gây mưa lớn ở nhiều khu vực tại miền Bắc và Bắc Trung Bộ. Ảnh TTKTTVTW

Nguy cơ xảy ra ngập úng ở các tỉnh, thành phố

Theo Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do ảnh hưởng của mưa và kỳ triều kém ở ven biển Đồng bằng Bắc bộ làm giảm hiệu quả tiêu úng của các cống tiêu vùng ảnh hưởng triều, từ ngày 17-18/8 sẽ có nguy cơ xảy ra ngập úng ở các tỉnh, thành phố như: Bắc Giang, Hà Nội, Phú Thọ, Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Hải Phòng, Hưng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An.

Để chuẩn bị cho cơn bão số 4, các địa phương thuộc khu vực Bắc bộ vận hành các công trình thủy lợi chủ động tiêu nước đệm. Tính đến 16 giờ ngày 15/8, cả khu vực có 481 máy bơm tiêu; trong đó Bắc Giang 9 chiếc, Bắc Ninh 51 chiếc, Hải Dương 141 chiếc, Hà Nội 125 chiếc, Hà Nam 81 chiếc, Ninh Bình 58 chiếc, Phú Thọ 16 chiếc.

Có 81 cống tiêu; trong đó, Nam Định 6 cống, Ninh Bình 19 cống, Thái Bình 2 cống, Hưng Yên 19 cống, Hà Nam 3 cống, Hải Phòng 30 cống, Công ty Bắc Hưng Hải 2 cống đang được vận hành.

Hiện nay, tại khu vực Bắc bộ, có 82/289 hồ chứa lớn đầy nước, chiếm 27% tổng số hồ. Các hồ chứa nhỏ có 990/2.696 hồ tích đầy nước, chiếm 36% tổng số hồ.

Tại khu vực Bắc Trung bộ, có 22/135 hồ chứa lớn đầy nước, chiếm 16% số hồ; các hồ chứa nhỏ có 988/1.785 hồ tích đầy nước, chiếm 55% số hồ.

Tại khu vực Tây Nguyên, có 3/121 hồ chứa lớn đầy nước; có 530/1.009 hồ nhỏ đầy nước, chiếm 53% số hồ.

Theo báo cáo của các địa phương, các hồ chứa do công ty khai thác công trình thủy lợi quản lý và các hồ chứa nhỏ do các địa phương quản lý tăng cường kiểm tra, theo dõi diễn biến mực nước và hiện trạng công trình. Đến nay, các hồ chứa đều đảm bảo an toàn.

Trước tình hình trên, Tổng cục Thủy lợi yêu cầu các đơn vị, tiếp tục vận hành các công trình thủy lợi để tiêu nước đệm trong hệ thống công trình thủy lợi để chủ động ứng phó với ảnh hưởng thời tiết.

Chủ động hạ thấp mực nước các hồ chứa nước có cửa van xuống mức chủ động đón mưa, lũ, bảo đảm an toàn công trình và không xả lũ bất thường làm ảnh hưởng đến vùng hạ du.

Cùng với đó, tăng cường kiểm tra hồ chứa nước, đặc biệt là các hồ chứa nhỏ đang đầy nước, hồ chứa xung yếu, sẵn sàng triển khai việc xử lý giờ đầu khi có nguy cơ xảy ra sự cố công trình; vận hành công trình thủy lợi tiêu úng để sẵn sàng đối phó với ảnh hưởng của đợt mưa lớn tiếp theo.

Dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, từ ngày 16-18/8, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên trên hệ thống sông Hồng-Thái Bình, sông Hoàng Long từ 2-4m, các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An từ 3-6m.

Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên sông Đà lên mức BĐ1- BĐ2; sông Thao, sông Hoàng Long, sông Bùi, sông Bưởi (Thanh Hóa) có khả năng lên mức BĐ2-BĐ3; thượng lưu sông Thái Bình ở mức BĐ1, thượng lưu sông Mã (Thanh Hóa) lên mức BĐ1-BĐ2, hạ lưu sông Mã còn dưới mức BĐ1.

Khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất và lũ quét: Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An.

Hùng Cường

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/bao-so-4-bao-rat-nguy-hiem-nguy-co-xay-ra-ngap-ung-o-cac-tinh-thanh-pho-d148002.html