Bão số 14 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn ở nhiều nơi

Bão số 14 cách bờ biển Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận khoảng 200 km về phía Đông, đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

05:39 ngày 19/11/2017

Di dời gần 9.000 hộ dân tại thành phố Nha Trang

Đến 23 giờ, ngày 18/11, TP. Nha Trang đã hoàn thành việc di dời gần 900 hộ dân ở các phường Vĩnh Hải, Vĩnh Hòa, Vĩnh Trường, Vĩnh Nguyên, Vĩnh Phước, Phương Sơn và xã Phước Đồng đến nơi an toàn. Trong đó, xã Phước Đồng có số hộ dân phải di dời nhiều nhất, với 300 hộ. Các phường Vĩnh Trường và Vĩnh Hòa mỗi địa phương cũng có khoảng 200 hộ dân. Đây là những hộ dân sống gần những khu vực trọng yếu, thiếu an toàn.

Người thôn Thành Đạt, xã Phước Đồng ở tập trung tại Trạm biên phòng Hòn Rớ.

Khác với bão số 12, lần này hầu như tất cả người dân khi được vận động đều nhanh chóng sắp xếp đồ đạc, tập trung về các địa điểm mà UBND các địa phương bố trí sẵn. Bà Đinh Thị Tuyết Nhung (thôn Thành Đạt, xã Phước Đồng) cho biết: "Lần trước chúng tôi còn chủ quan, nhưng đến trận bão này thì người dân rất sợ. Dù nhận được tin bão muộn nhưng mới chập tối cả gia đình đã gói ghém đồ đạc, về Trạm biên phòng Hòn Rớ tá túc. Gia đình tôi sẽ ở lại đây cho đến khi nào bão qua mới về nhà".

Ông Bùi Cao Pháp - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng, trực ở khu vực Hòn Rớ cho hay: "Đợt này, buổi tối khi chúng tôi đi vận động di dời dân, đa phần các hộ đều chấp hành rất tốt, không phải cưỡng chế như cơn bão số 12. Khi người dân đã đến nơi ở tập trung, chúng tôi cương quyết không cho về. Toàn bộ cán bộ xã, lực lượng công an, biên phòng sẽ trực 24/24 để đảm bảo an toàn cho người dân đến khi bão tan".

Theo UBND TP. Nha Trang, gần 900 hộ dân chủ yếu được di dời về ở tại trụ sở UBND, trường học hoặc đồn biên phòng. Một số hộ chủ động chuyển về nhà người thân. Ông Lê Huy Toàn - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết: "Trong thời gian người dân ở các điểm tập trung, địa phương bố trí đồ ăn, nước uống đầy đủ. Chúng tôi đã quán triệt rất kỹ vấn đề này. Bản thân các địa phương cũng đã làm rất tốt. Dù thế nào cũng không được để dân đói". (theo Báo Khánh Hòa)

05:26 ngày 19/11/2017

Bình Thuận điều tiết các hồ thủy lợi tránh nguy cơ vỡ đập

Để ứng phó với cơn bão số 14, cùng với việc kêu gọi tàu thuyền vào trú tránh bão và sơ tán dân các vùng xung yếu, thì vấn đề đảm bảo an toàn các hồ thủy lợi được tỉnh Bình Thuận đặc biệt quan tâm.

Bình Thuận cho điều tiết các hồ thủy lợi để tránh ảnh hưởng đến vùng hạ du.

Hiện nay, tất cả các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn đều đạt xấp xỉ mực nước dâng bình thường, đầy dung tích thiết kế. Theo dự báo, sau khi tiến vào đất liền, bão số 14 sẽ gây mưa lớn trên diện rộng. Do vậy, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận đặc biệt quan tâm đến vấn đề an toàn hồ đập.

Đến 18 giờ chiều ngày 18/11, đã có 12 hồ đang tiến hành xả lũ điều tiết qua tràn và cống để hạ thấp cao trình, nhất là các hồ: Sông Quao, Cà Giây, Lòng Sông, Sông Móng... Lưu lượng xả đang điều tiết từ 30-37 m3/s, nhằm tránh nguy cơ vỡ đập, tránh ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng của nhân dân vùng hạ du.

Ông Phạm Văn Nam, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cho biết: “Chúng tôi hiện nay đang cho các lực lượng có liên quan trực 100%, và có kế hoạch điều tiết lũ một cách hiệu quả, an toàn, để làm sao tránh nguy cơ vỡ đập. Cũng như đảm bảo vùng hạ du, khi chúng ta điều tiết nước, người dân phải nắm được thông tin để chủ động đối phó khi có sự cố xảy ra.”.

05:21 ngày 19/11/2017

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương: Sáng sớm nay (19/11), khi đi vào vùng biển cách bờ biển các tỉnh từ Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận khoảng 200 km về phía Đông, bão số 14 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Hồi 04 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,2 độ Vĩ Bắc; 110,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển ngoài khơi các tỉnh Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Vùng gió mạnh do áp thấp nhiệt đới trên cấp 6, gió giật mạnh cấp 9 có bán kính khoảng 100km về phía Bắc, 80km về phía Nam tính từ vùng tâm áp thấp nhiệt đới.

D báo trong 12 gi ti, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi vào đất liền các tỉnh Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận với sức gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Đến 16 giờ ngày 19/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,4 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận - Lâm Đồng. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Nam Cam pu chia.

Cảnh báo gió mạnh trên biển: Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Định đến Bà Rịa - Vũng Tàu (bao gồm đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Sóng biển cao 2-4m. Biển động mạnh.

Gió mạnh trên đất liền: Trên đất liền các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; ở Phú Yên và khu vực Nam Tây Nguyên có gió giật cấp 6-7.

Mưa lớn trên đất liền: Ở các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận và Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Từ đêm nay, do ảnh hưởng kết hợp với không khí lạnh mạnh tăng cường nên vùng mưa lớn có xu hướng mở rộng về phía Bắc (đến khu vực Bắc Trung Bộ).

Cảnh báo lũ: Từ ngày 19-24/11, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và sông Đồng Nai có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, mực nước trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Định lên mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3; các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và lưu vực sông Đồng Nai lên mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2, trên các sông suối nhỏ lên trên BĐ3.

Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

05:18 ngày 19/11/2017

22:36 ngày 18/11/2017

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, vị trí tâm bão lúc 22 giờ ngày 18/11: 11,60N-111,50E; cách bờ biển Khánh Hòa - Ninh Thuận – Bình Thuận khoảng 260km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/h), giật cấp 11.

Hậu quả bão số 13 chưa khắc phục xong người dân Khánh Hòa lại tiếp tục căng mình ứng phó bão số 14.

Trong chiều 18/11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Đoàn công tác của Chính Phủ đã đến tỉnh Khánh Hòa kiểm tra, trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó, phòng chống cơn bão số 14. Phó Thủ tướng đã chỉ đạo tỉnh tuyệt đối không được chủ quan trong phòng chống cơn bão số 14 vì theo dự báo, tâm bão số 14 sẽ đổ bộ vào Khánh Hòa và Ninh Thuận.

Rút kinh nghiệm từ cơn bão số 12, lần này, tỉnh Khánh Hòa quyết liệt trong việc di dời người dân, lồng bè đến nơi an toàn, tránh thiệt hại về người và của cải, công tác sơ tán phải hoàn tất trước 19h ngày 18/11.

Tỉnh Khánh Hòa đã cho học sinh nghỉ học và cấm biển từ 12h ngày 18/11. Hiện, các địa phương đã thống kê và triển khai công tác sơ tán dân tại các vùng trũng thấp, ven cửa sông, ven biển, vùng có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp của bão đến nơi an toàn.

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/truc-tiep-cac-dia-phuong-san-sang-ung-pho-bao-so-14-697260.vov